Những cánh đồng 'vàng' ở Quảng Ngãi

Đi lên từ kinh tế nông nghiệp, nên thời gian qua huyện Mộ Đức đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, đầu tư thâm canh, tăng vụ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những cánh đồng “vàng”...

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, đến nay Mộ Đức đã thực hiện 26 cánh đồng, 14 vùng sản xuất, với tổng diện tích trên 246ha, doanh thu bình quân đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có một số cánh đồng doanh thu đạt 600-700 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều cánh đồng cho thu nhập cao

Các cánh đồng cho doanh thu cao ở Mộ Đức chủ yếu chuyên canh, luân canh các loại rau màu như khổ qua, dưa leo, bí đao, ớt... Theo đó, trong năm 2016, có hơn 200ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, cánh đồng Mẫu Trại (Đức Thắng) cho doanh thu trên 340 triệu và cánh đồng Gò Chụp (Đức Chánh) cho doanh thu trên 250 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều cánh đồng rau màu ở Mộ Đức mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.H

Để có được kết quả trên là nhờ sự năng động trong việc luân canh cơ cấu cây trồng, sử dụng các loại giống chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, cánh đồng Soi Huyện, xã Đức Nhuận là một trong những cánh đồng thực hiện cơ cấu luân canh cây trồng hiệu quả. Cùng với đó, hàng loạt mô hình sản xuất mới đã được đầu tư và nhân rộng trên địa bàn huyện, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với quy trình sản xuất nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Từ những nguồn vốn khác nhau, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, Mộ Đức đã xây dựng và hoàn thành những cánh đồng mẫu với 399ha tại các xã Đức Tân, Đức Hiệp, Đức Phú, Đức Lân, Đức Thắng...

“Mộ Đức sẽ tiến hành triển khai các mô hình về sản xuất rau an toàn, xem đây là cú huých để nền sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển. Đồng thời, huyện xúc tiến lập dự án sản xuất hành tỏi để xuất khẩu. Theo đó, các vùng cát ven biển trong huyện sẽ được đầu tư để làm mô hình và tiến tới nhân rộng, nhằm tạo ra sự đa dạng trong sản xuất”

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi một số diện tích thiếu nước tưới, ít hiệu quả sang cây trồng khác cũng đã triển khai để tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như mô hình lúa đông xuân - đậu nành, mè - đậu xanh vụ hè thu tại các HTX Thạch Trụ, Đức Chánh, Tú Sơn... với diện tích thực hiện khoảng 10ha/điểm; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở xã Đức Thắng, Đức Thạnh, Đức Hòa, Đức Tân, với tổng diện tích 2ha; mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất bạc màu vụ hè thu 19,5ha ở xã Đức Tân...

Hướng đến sản xuất an toàn, hiệu quả

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, thu nhập trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng cao. Cụ thể, năm 2016 đạt 70 triệu đồng/ha/năm, tăng 13% so với kế hoạch và cao hơn 17 triệu đồng/ha/năm so với những năm trước. Qua đó, thu nhập của hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng tăng thêm 3 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, để nông nghiệp phát triển, trong thời gian tới, huyện Mộ Đức sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất toàn diện. Trong đó, tiếp tục xác định một số giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao, nhất là lúa và cây trồng cạn. Đồng thời, tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất lúa giống với các đơn vị sản xuất giống; các nhà máy, công ty trong sản xuất và tiêu thụ mì, mía và lúa.

Theo Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nhung-canh-dong-vang-o-quang-ngai-743566.html