“Những cái đầu nóng” ở Bắc Kinh và Tokyo

(Kienthuc.net.vn) - Có nhiều lý do khiến xung đột Trung-Nhật không biến thành một cuộc chiến, nhưng cần phải chủ động ngăn chặn mọi khả năng có thể dẫn đến chiến tranh.

Ảnh minh họa

Trong một bài viết đăng trên mạng The Diplomat ngày 25/2, nhà phân tích Daryl Morini nhận định rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể đẩy châu Á vào một cuộc chiến tranh. Gần đây, nhà phân tích Trefor Moss nhận định rằng khó xảy ra chiến tranh Trung-Nhật vì quần đảo đang tranh chấp này. Nhận định đó có thể là đúng, nhưng cũng có thể là sai. Nhưng ngay cả khi có nguy cơ rất nhỏ về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh Trung-Nhật Bản trong năm 2013 là đủ khiến các bên và cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn chặn, không để nguy cơ này biến thành hiện thực.

Sau đây là 6 khuyến nghị mà ông Daryl Morini dành cho các nhà hoạch định chính sách ở cả Bắc Kinh lẫn Tokyo.

1. Hãy nhớ đến cái giá khủng khiếp phải trả của chiến tranh

Chiến tranh không phải là một trò đùa, không phải là một cuộc đấu trí trên bàn cờ tướng mà là máu và nước mắt, là tuổi trẻ bị hy sinh và tuổi già cô quạnh. Hãy luôn nhớ đến cái giá phải trả của các cuộc chiến tranh trước đây. Xem ra chúng sẽ không thấm vào đâu so với cái giá vô cùng khủng khiếp phải trả, khi “hai gã khổng lồ châu Á” dùng mọi nguồn lực của mình để lao vào một cuộc chiến sinh tử, “một mất một còn” và thủ tiêu niềm hy vọng duy nhất có thể đưa nền kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái.

2. Hãy giữ thể diện cho đối thủ

Trong chu kỳ của xung đột leo thang, bên nào cũng muốn làm cho đối thủ mất thể diện, bị nhục mạ trước công chúng trong nước và quốc tế. Điều này chỉ có lợi cho các thế lực diều hâu, dân tộc chủ nghĩa ở mỗi nước muốn dùng vũ lực để buộc đối phương quì gối qui hàng.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo hai nước vẫn có thể đạt được yêu sách của mình thông qua đối thoại, hoặc công khai hoặc bí mật, mà không bị mất mặt trước công chúng. Một ví dụ tuyệt vời là việc giải quyết các cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba… dẫn đến thỏa thuận tên lửa Mỹ-Liên Xô - trong đó Mỹ rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, còn Liên Xô rút tên lửa hạt nhân khỏi Cuba.

Ở châu Á, nơi mà khái niệm giữ thể diện là đặc biệt quan trọng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản không nên đẩy nhau vào tận chân tường, thông qua việc hủy hoại sinh mạng chính trị của nhau.

3. Chớ vượt qua “các vạch đỏ”

Điều này có nghĩa là không bên nào “nổ phát súng đầu tiên”. Có một số vạch đỏ khá rõ ràng. Đó là các lực lượng vũ trang hoặc bán vũ trang Trung Quốc không được đổ bộ lên các đảo tranh chấp; máy bay Nhật Bản không được bắn vào đối thủ, làm bị thương hoặc giết chết các nhân viên công vụ của nhau… Nếu vượt qua các “vạch đỏ” này, xung đột sẽ leo thang gây bất ổn. Chính vì vậy mà bên này cần tôn trọng “vạch đỏ” của bên kia, nếu họ không muốn phát động một cuộc chiến tranh khu vực.

Do cái trò “mèo vờn chuột” đang diễn ra ở các vùng biển, vùng trời xung quanh và trên những hòn đảo tranh chấp, điều rất quan trọng mà các nhà xử lý khủng hoảng của mỗi bên phải kiểm soát được hành vi của cấp dưới của họ.

4. “Cần phải biết người, biết ta”, chớ có nhầm lẫn về khả năng quân sự cũng như ý chí chiến đấu của đối phương

Các nhà lãnh đạo thường có xu hướng đánh giá cao sức mạnh của mình và đánh giá thấp khả năng của đối phương, trong thời gian có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng. Điều này liên quan đến cả hai bên tham gia cuộc đối đầu ở Senkaku/Điếu Ngư.

Trong bối cảnh này, cần tránh đưa ra những lời lẽ kích động như “trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc do tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, Bộ quốc phòng Nhật Bản sẽ cố gắng tiến hành một cuộc tấn công phối hợp với Mỹ để đánh chìm tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc”. Tương tự, việc tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hạ thấp khả năng chiến đấu của Nhật Bản để bảo vệ quần đảo Senkaku - dựa trên niềm tin vào sức mạnh áp đảo của tên lửa Trung Quốc - cũng nguy hiểm không kém. Không bên nào có thể tiên đoán kết quả của cuộc chiến tranh này.

5. Bắt đầu một chiến lược hướng tới giảm thiểu căng thẳng

Vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nhà tâm lý học Charles E. Osgood đề xuất một chiến lược “có đi có lại nhằm giảm thiểu căng thẳng”. Chiến lược này khởi bắt đầu bằng cách phát đi tín hiệu cho phía bên kia: “Chúng tôi đang bắt đầu một chiến lược giảm căng thẳng. Chúng tôi sẽ đưa ra một số sáng kiến đơn phương để chứng minh thiện chí của mình. Chúng tôi sẽ dành cho quí vị thời gian để đáp ứng một cách tích cực…”

Thật thú vị, Thủ tướng Shinzo Abe có thể đã phát đi tín hiệu đầu tiên trong một bức thư gửi cho chính quyền Trung Quốc, thông qua phái viên Nhật Bản và đối tác liên minh, Natsuo Yamaguchi. Đây là một động thái nguy hiểm đối với Tokyo vì nó có thể châm ngòi làn sóng phản đối trong nước, nhưng nó cũng thể hiện sự can đảm chính trị rõ ràng để giảm thiểu xung đột. Hiện thời, Tokyo và thế giới đang chờ đợi xem Trung Quốc đáp lại cử chỉ thiện chí này như thế nào.

6. Nhờ cậy Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã không công khai bày tỏ ý kiến về tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư như ông đã từng làm về các vấn đề khác như Syria. Cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có lợi, khi mời TTK Ban Ki-moon hỗ trợ giải quyết tranh chấp - hoặc ít nhất ngăn chặn chiến tranh. Họ không cần phải chấp nhận kiến nghị của ông, hoặc thậm chí công khai thừa nhận nỗ lực hòa giải của mình. Nhưng chỉ cần sự hiện diện của một bên thứ ba quan tâm đến ngăn ngừa chiến tranh… sẽ mang lại cho cả hai bên tranh chấp nhiều sự lựa chọn có thể giữa được thể diện mà không bị coi là nhượng bộ.

Tuy vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhưng tôn chỉ của Liên Hợp Quốc là ngăn chặn các vụ tranh chấp nhỏ biến thành các cuộc chiến tranh lớn có thể nhấn chìm các cường quốc trên thế giới.

:
:

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/nong-sau/201302/-Nhung-cai-dau-nong-o-Bac-Kinh-va-Tokyo-896939/