Những cái chết từ lá ngón

NDĐT- Mỗi năm có hàng chục người, chủ yếu là người dân tộc Mông ở vùng sâu vùng xa, vùng cao tỉnh Bắc Cạn tìm đến cái chết bằng lá ngón. Điều đáng ngại là, lá ngón mọc nhiều trên rừng, dọc đường, trong vườn tạp, thi thoảng lại có người coi lá ngón là giải pháp cuối cùng...

Cây lá ngón mọc nhiều ở vùng cao huyện Pác Nặm, Bắc Cạn.

Nhiều lý do tìm đến... lá ngón

Người dân bản Beo, xã Cổ Linh, huyện vùng cao Pác Nặm đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa trước việc em Hoàng Văn Sự tìm đến lá ngón.

Sự 14 tuổi, hiền lành, tốt tính, hay chơi cù quay và thường xuyên bị thua, bị chúng bạn cùng trang lứa trêu chọc, uất ức và với sự non lòng trẻ dạ, Sự lên rừng bứt lá ngón ăn để kết thúc cuộc đời mình.

Người dân bản Khau Vai, xã Bộc Bố cùng huyện Pác Nặm vô cùng ngỡ ngàng trước việc chị Hoàng Thị Dậu tìm đến lá ngón để kết thúc sự sống của mình.

Sinh năm 1976, chị Dậu thường bức xúc vì chồng hay say rượu, bảo mãi không nghe nên bỏ về nhà mẹ đẻ ở xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể - cách nhà chồng hơn 50km. Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013, người chồng biết mình hay say rượu là sai nên đã về nhà mẹ vợ xin lỗi và đón chị Dậu về chuẩn bị đón Tết. Tối hôm đón vợ về, anh chồng lại vui rượu chè với bạn bè, thấy vậy chị Dậu tìm ăn lá ngón, khi anh em, hàng xóm phát hiện thì đã quá muộn.

Có trường hợp, hai vợ chồng buổi sáng còn vui vẻ rủ nhau đi chợ phiên, trưa đến vợ đòi về, nhưng anh chồng vui rượu chè với bầu bạn, bảo không được nên vợ đành về trước, trên đường về ngắt lá ngón mọc bên đường ăn để giải quyết nỗi phiền muộn.

Thậm chí, có người chồng đưa con sang bên ngoại chơi, vợ nằng nặc đòi đi cùng, chồng không đồng ý, ở nhà một mình, nghĩ quẩn, ra khu rừng sau nhà bứt lá ngón ăn...

Trên đây chỉ là vài trong nhiều lý do mà nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa huyện Pác Nặm và trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn tìm đến cái chết bằng lá ngón.

Phó Công an huyện Pác Nặm Nguyễn Văn Kiên giở cuốn sổ theo dõi danh sách những vụ việc tự vẫn trên địa bàn, nhẩm tính mười năm qua, mỗi năm có khoảng mười người tìm đến cái chết bằng lá ngón, hầu hết là người dân tộc Mông.

Trưởng Công an huyện Pác Nặm Hoàng Văn Khỏa công tác trên địa bàn huyện đã nhiều năm, cho biết: “Hầu hết các trường hợp tìm đến lá ngón để kết liễu cuộc đời bắt nguồn từ những sự việc tưởng chừng rất đơn giản, như chồng rượu chè bê tha, chồng hoặc vợ ngoại tình, chồng có con riêng, bị chồng đánh đập, chửi mắng... cảm thấy uất ức, không lối thoát, tìm đến lá ngón để kết thúc cuộc đời. Phần lớn, những vụ tử tự bằng lá ngón là phụ nữ”.

Địa bàn tỉnh Bắc Cạn rộng lớn, hiểm trở, đồng bào dân tộc Mông, Dao thường làm nhà sống trên các sườn núi cao, phân tán, thậm chí mỗi gia đình một quả núi, hiền lành, ít nói, ít chia sẻ về cuộc sống với hàng xóm, anh em.

Mặt khác, có lẽ, do cuộc sống khu biệt, nhà nọ cách nhà kia có khi nửa ngày đi bộ nên không có điều kiện chia sẻ, con người nơi đây sống nội tâm, hiền từ và có tính tự ái cao nên dễ tìm đến lá ngón. Các vụ tự tử bằng lá ngón được phát hiện hầu hết đều đã muộn, không thể cứu chữa được.

Lá ngón... nhìn đâu cũng thấy

Có thể nói, ở các xã Nghiên Loan, An Thắng, Bằng Thành huyện Pác Nặm, các xã Phúc Lộc, Cao Thượng, Nam Mẫu... huyện Ba Bể không ai là không biết lá ngón.

Trên chuyến xe đi công tác vào xã An Thắng mới đây, hỏi các cán bộ Huyện ủy Pác Nặm cùng đi trên xe có biết cây lá ngón không, thì nhận được câu trả lời: Lá ngón mọc nhiều lắm, dọc đường đi, trong vườn tạp, trong rừng, ai mà không biết.

Bà Triệu Thị Trần là Bí Thư chi bộ thôn Nặm Vần, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, người đã có trên 10 năm làm cộng tác viên dân số thôn, tâm sự: “Cách đây mấy năm, khi còn làm tuyên truyền viên dân số, tôi đi nhiều, đi đâu cũng lồng ghép tuyên truyền sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình với việc khuyên chị em không ăn lá ngón. Nhưng nhiều người dân tộc Mông, đặc biệt là chị em phụ nữ, ít nói, ít tâm sự, có chuyện buồn về gia đình cứ âm thầm chịu đựng, không chịu được nữa thì chết bằng lá ngón là dễ nhất”.

An Thắng là xã có đông đồng bào Mông, mấy năm trước, năm nào cũng có vài trường hợp tự tử bằng lá ngón. Chủ tịch UBND xã An Thắng Hoàng Văn Sinh cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên nhắc các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản cần lồng ghép, tuyên truyền, khuyên bảo hội viên, người dân trong thôn có khó khăn, khúc mắc gì thì phản ánh với cán bộ, chính quyền, đoàn thể mình thì sẽ có cách giải quyết, chớ có bế tắc mà tìm đến lá ngón thì chỉ thiệt mình, làm khổ cha mẹ, con cái thôi... nên hai năm gần đây bà con nghe ra rồi, giảm nhiều rồi”.

“Nhưng mà, mỗi gia đình sống ở một khoảnh, khu biệt trên sườn núi, khép mình. Vả lại, chỉ cần ba cái lá ngón, ăn sau hai tiếng là đã giết chết một người, có phát hiện được thì đường sá trắc trở, khó đi, bệnh viện huyện ở xa nên cũng chả biết thế nào”- ông Sinh lo lắng.

Với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, trình độ dân trí ở vùng cao Bắc Cạn, kiểm soát việc tự tử bằng lá ngón là rất khó, nhưng vẫn có thể hạn chế đến mức thấp nhất khi cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở tăng cường công tác dân vận, gần gũi với nhân dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng để nâng dần nhận thức của người dân, phát động phong trào nhổ bỏ cây lá ngón mỗi năm vài lần như với nhổ cây anh túc (thuốc phiện), tuy rằng không thể hết, nhưng cũng sẽ khó tìm loại cây “thần chết” này và sẽ có tác dụng tuyên truyền giá trị của cuộc sống trong mỗi người, trong cộng đồng.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20125002-.html