Những cái chết 'trời ơi': Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Những vụ tai nạn "trời ơi" đầy ám ảnh người tham gia giao thông trong những năm gần đây ở Thủ đô như cây đổ, dây điện buông như thòng lọng trúng đầu người đi đường, xe chở tôn cứa đứt cổ em bé… trách nhiệm thuộc về ai?

Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Bình – Công ty Luật Bảo Ngọc – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về những vấn đề pháp lý liên quan.

Xin luật sư cho biết với những tai nạn này thì trách nhiệm thuộc về ai?

LS.ThS Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại khoản 23 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì: Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời, khoản 1 Điều 20 Luật này còn quy định: “Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.” Xe ba gác chở tôn cũng là một phương tiện giao thông đường bộ, khi chở hàng người điều khiển phương tiện phải chằng buộc chắc chắn, không được gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Do đó, để xảy ra tình trạng mái tôn cứa đứt cổ nạn nhân thì lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (người chở xe tôn); người điều khiển xe chở tôn phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.

Còn đối với những trường hợp bị cây đổ vào người hay bị dây điện thòng lọng vào cổ thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Hoặc ở trường hợp lái xe chở tấm tôn khiến 2 người tử vong thì chính lái xe hay chủ thuê những lái xe này phải chịu trách nhiệm thưa luật sư?

LS, ThS Phạm Thanh Bình: Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật thì cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm quản lý thì chủ thể đó phải chịu trách nhiệm trước những vụ việc xảy ra.

Các trường hợp cây đổ vào người hay dây điện thòng lòng vào cổ thì phải xem xét đến nguyên nhân xảy ra vụ việc. Nếu do lỗi của tổ chức quản lý cây xanh (như không chăm sóc, không cắt tỉa đúng cách,…) hay do lỗi của cơ quan viễn thông, điện lực (làm cho dây điện thòng lọng vào cổ người đi đường) thì các cơ quan này phải chịu trách nhiệm.

Trong 2 vụ việc liên quan đến lái xe chở tấm tôn khiến 2 người tử vong gần đây, có nhiều thắc mắc liên quan đến trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? Lái xe hay chủ thuê những lái xe này (tức là người thuê chở tôn) phải chịu trách nhiệm: Chúng ta cần xem xét mối quan hệ giữa lái xe và chủ thuê những lái xe này:

+ Nếu chỉ là mối quan hệ dân sự thông thường (tức là khi có nhu cầu vận chuyển, người có tấm tôn thuê những đơn vị vận chuyển đến làm và trả phí vận chuyển) thì được hiểu chủ thuê những lái xe này chỉ ký hợp đồng dân sự còn việc chở tấm tôn như thế nào cho an toàn là trách nhiệm của lái xe, do đó chủ thuê những lái xe này không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

+ Nếu là mối quan hệ lao động và chủ sử dụng lao động (tức là người lái xe và chủ thuê những người lái xe có ký hợp đồng lao động) thì theo quy định tại Điều 622 BLDS 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra như sau: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu người lái xe làm việc theo hợp đồng lao động thì trước tiên chủ thuê lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nếu phải chịu trách nhiệm thì những cá nhân tổ chức gián tiếp, trực tiếp gây ra những cái chết tức tưởi này phải đối diện với hình thức xử phạt nào? Các mức phạt sẽ ra sao, thưa luật sư?

LS, ThS Phạm Thanh Bình: Tuy vô tình gây ra những cái chết tức tưởi cho người bị hại nhưng cá nhân tổ chức gây nên vấn đề này sẽ có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình gây ra theo các tội danh tương ứng. Ví dụ:

- Điều 202 BLHS 1999 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có quy định: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến tối đa là 10 năm.

- Điều 204 BLHS 1999 về Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn quy định: Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến tối đa là 10 năm.

- Điều 205 BLHS 1999 vềTội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ quy định: Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến tối đa là 12 năm.

Tuy nhiên, trong vụ việc tai nạn không may xảy ra này, nếu người gây tai nạn hoặc tổ chức quản lý các phương tiện gây tai nạn chủ động bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại và người bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Xin cảm ơn Luật sư !

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-cai-chet-troi-oi-ai-se-phai-chiu-trach-nhiem-post210109.info