Những cách tạo em bé đáng ngạc nhiên trong tương lai

(NLĐO) - Công nghệ rà soát gen, đông lạnh trứng lâu hơn, em bé có hai 3 bố mẹ, cấy ghép tử cung, tế bào gốc sản xuất tinh trùng và trứng... là những công nghệ trong tương lai giúp có được em bé có gien khỏe mạnh và thông minh nhất.

Công nghệ rà soát gen sẽ tăng tỉ lệ mang thai

Một trong những công nghệ đã và đang được ứng dụng ngày nay là theo dõi các phôi được tạo thành từ thụ tinh trong ống nghiệm để xác định các gen lỗi trước khi cấy phôi được cấy ghép vào cơ thể. Những gen lỗi như thừa nhiễm sắc thể sẽ tăng tỉ lệ thất bại trong việc mang thai (như phôi không bám được vào thành tử cung). Công nghệ mới nhất hiện nay thậm chí còn có thể xác định các gen lỗi một cách rõ ràng hơn nữa, đặc biệt là gen BRCA1 và BRCA2 có khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung . Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng trong tương lai, họ sẽ tìm ra những mã gen còn lại liên quan đến nguy cơ ung thư. Đồng thời, công nghệ này cũng mở ra tiềm năng cho phép con người lựa chọn những gen tốt nhất và khỏe mạnh nhất để tạo ra một “em bé hoàn hảo”. Tuy nhiên, đó sẽ còn là tương lai rất xa để có thể tìm hiểu được gen nào quyết định sự thông minh và khỏe mạnh nhất.

Nhiều người sẽ đông lạnh trứng hơn nữa

5 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công công nghệ đông lạnh trứng tối ưu nhất có khả năng đẩy nhanh quá trình đông lạnh trứng mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng trứng. Điều này là một tín hiệu đáng mừng bởi khi phụ nữ già đi, nguy cơ các tế bào trứng chứa các nhiễm sắc thể lỗi sẽ tăng lên. Do đó, việc đông lạnh trứng từ khi còn trẻ và khỏe mạnh sẽ giúp phụ nữ gìn giữ được khả năng sinh sản tốt nhất của mình.

Phôi tạo thành từ “3 bố mẹ” có thể phòng tránh một số bệnh tật

Các nhà khoa học đã lấy DNA từ nhân trứng của một phụ nữ mắc bênh ti thể và cấy vào trứng của một phụ nữ khỏe mạnh. Sau đó cho trứng thụ tinh bình thường với tinh trùng. Quá trình này sẽ tạo ra phôi (được tạo thành từ 3 người khác nhau) với mục đích ngăn chặn các bệnh có tính di truyền từ mẹ sang con như động kinh, suy giảm thị lực và thính lực.

Tế bào gốc có thể sản xuất ra tinh trùng và trứng

Các nghiên cứu tiến hành thành công trên chuột cho thấy các tế bào da có thể được biến đổi thành tế bào gốc và từ đó trở thành các tế bào tiền thân sản sinh ra trứng và tinh trùng. Nếu công nghệ này có thể ứng dụng thành công trên con người thì đó quả là một tin vui cho những người đã rụng hết trứng hoặc không thể sản sinh ra tinh trùng.

Cấy ghép tử cung

Đầu năm nay, các bác sĩ đến từ Thụy Điển cho biết họ đã tiến hành cấy ghép tử cung thành công cho 9 phụ nữ. Tuy nhiên, những người được cấy ghép tử cung không thể có thai bằng cách quan hệ tình dục bình thường mà phải thụ tinh trong ống nghiệm. Mặc dù vậy, các bác sĩ tin rằng việc cấy ghép tử cung có thể sẽ phổ biến hơn nữa đối với những người bẩm sinh không có tử cung hoặc tử cung bị cắt bỏ vì ung thư.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/nhung-cach-tao-em-be-dang-ngac-nhien-trong-tuong-lai-20140707101726684.htm