Những ca mổ tách song sinh dính liền lưu danh y học Việt Nam

Sau ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1998, các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều ca dính nhau khác, nhờ đó đôi Long - Phụng, Cu - Cò lớn lên khỏe mạnh, chị em Cúc - An, Hà - Ninh trở thành những thiếu nữ xinh xắn.

Chiều 14/7, cặp song sinh chào đời dính liền ngực và bụng từ Hà Giang được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sản phụ Phàn Thị Chẩy ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang mang thai đôi 9 tháng, chuyển dạ 2 ngôi đầu, có dấu hiệu suy thai nên được chỉ định mổ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên Khi mổ bắt con, các bác sĩ phát hiện hai bé trai dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, nặng 4,9 kg. Các bác sĩ đang lên kế hoạch mổ tách hai bé.

Y học Việt Nam đã ghi nhận nhiều đôi song sinh dính nhau phức tạp được các bác sĩ mổ tách rời thành công kể từ ca phẫu thuật đầu tiên là cặp Việt - Đức năm 2008.

Lần gần đây nhất là ngày 26/11/2013, sau hơn một năm chuẩn bị, gần 70 y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành phẫu thuật để tách rời hai bé song sinh Long - Phụng 14 tháng tuổi dính nhau ở tim, gan. Ca đại phẫu kéo dài gần 12 giờ. Long có sức khỏe tốt hơn, riêng Phụng do mất toàn bộ xương ức và mất nhiều da nên các bác sĩ phải tạo xương ức nhân tạo và kéo da dần cho bé. Đây là ca mổ tách song sinh dính nhau phức tạp nhất được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trước đó, khi mang thai, mẹ của hai bé siêu âm và phát hiện con dính nhau nhưng vẫn quyết định giữ con.

Trong năm ấy, vào tháng 7, ca phẫu thuật kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ đã tách thành công hai bé gái song sinh dính nhau ở Kon Tum. Kíp phẫu thuật do 2 bác sĩ Trần Văn Hiền, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum và Trần Thanh Trí, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thực hiện. Nhờ phần dính nhau không quá phức tạp nên ca mổ thành công tốt đẹp sau gần hai giờ gây mê và phẫu thuật. Đây là đôi song sinh dính nhau chào đời bằng phương pháp đẻ thường hy hữu và may mắn, lập nên một kỳ tích cho ngành y Việt Nam.

Hai cháu bé song sinh 4 tháng tuổi trong giây phút được tách đôi trên bàn mổ năm 2012. Ảnh: Thiên Chương.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cuối tháng 12/2012, các bác sĩ đã tách rời thành công cặp song sinh gái 4 tháng tuổi quê Hà Tĩnh, dính nhau ở phần ngực và bụng. Chào đời cuối tháng 8 năm ấy, hai bé gái có đầu, tay chân riêng biệt. Mỗi bé có một cột sống, trong đó một bé bị vẹo cột sống do tư thế dính nhau gây nên. Ngoài ra, hai bé còn dính nhau phức tạp ở gan và tim. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, các bác sĩ đã phẫu thuật tách rời cả hai vào ngày 19/12. Quá trình mổ diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn dự đoán bởi hai bé chỉ dính nhau ở gan. Sau ca mổ, sức khỏe cả hai bệnh nhi đều ổn định.

Cùng năm này ở Hà Nội hai bé gái sinh đôi quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng, có chung một bộ phận sinh dục được giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Viện Nhi Trung ương trực tiếp mổ tách rời. Hai bé có các phần dính liền phức tạp, phải nhịn ăn hoàn toàn và chỉ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch song dạ dày của hai bé ngày càng phình to, nguy cơ vỡ rất cao nên bác sĩ phải mổ sớm lúc các cháu mới 4 ngày tuổi.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đạt được những thành tựu đáng kể trong kỹ thuật mổ tách trẻ song sinh dính liền. Năm 2010, hai bé trai sơ sinh 16 ngày tuổi dính nhau một phần lớn ở gan và xương ức quê Bến Tre được các bác sĩ Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công. Nhập viện lúc chào đời, một bé có tim chỉ hai ngăn (một tâm thất, một tâm nhĩ). Khả năng thành công của ca mổ được tiên đoán dè dặt, bởi diện tích phần dính nhau ở gan của hai trẻ là quá lớn. Thêm nữa một trong hai cháu lại mắc bệnh tim bẩm sinh rất phức tạp, khả năng ngưng tim trong lúc phẫu thuật hoặc mất nhiều máu rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, sau 3 giờ đồng hồ thực hiện với sự tham gia của 20 y bác sĩ, ca phẫu thuật đã thành công.

Trong khi đó Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhiều lần thành công trong các ca mổ tách song sinh dính liền, đáng chú ý là hai đôi Cu - Cò và Cúc - An. Hai bé Cu và Cò chào đời tại Nghệ An ngày 2/12/2008, dính nhau phần bụng còn các bộ phận đầu, tay, chân, bộ phận sinh dục, tim, gan... tách riêng và khá nguyên vẹn. Ca mổ tách thực hiện vào ngày 17/12/2008. Các bác sĩ đồng thời thông đường tiêu hóa bị tắc cho bé Cò và vài ngày sau đó mổ chuyển lại gốc động mạch cho bé Cu. Hiện hai bé sống khỏe mạnh cùng gia đình ở Nghệ An.

Ca mổ tách 2 bé gái Cúc - An vào năm 2003 tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng được đánh giá là phức tạp. Hai bé chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. An lại bị thêm dị tật tim bẩm sinh, Cúc có u máu ở cánh tay và ngực. Tiên lượng của các bác sĩ trước ca mổ cho thấy khả năng sống cả hai cháu là 50-60%, nếu cứu sống một trong hai trẻ thì cơ hội khoảng 70%. Nguy cơ tử vong ca này cao hơn nhiều so với cặp Nghĩa - Đàn (Nghệ An), hiện chỉ một cháu còn sống. Ca đại phẫu khi đó đã được VnExpress.net tường thuật trực tiếp, kéo dài trong 8 tiếng. Khi được mổ tách hai bé đã hơn 10 tháng tuổi và nặng tổng cộng 15 kg. Hiện Cúc - An là hai thiếu nữ khỏe mạnh, học giỏi.

Thu Cúc, Thúy An đang là học sinh cấp 2 tại Thanh Hóa. Ảnh: Phan Dương.

Ca mổ tách đầu tiên của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện cách đây 16 năm. Cặp song sinh dính nhau ngày nào ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) nay đã trở thành những thiếu nữ xinh xắn. Ca phẫu thuật khi đó không quá phức tạp vì hai bé chỉ dính nhau phần da từ xương ức xuống rốn, mà không chung nhau bất cứ bộ phận nào. Ca mổ tách diễn ra trong gần 6 giờ.

Một ca mổ huyền thoại đã trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam bởi lần đầu tiên thực hiện mổ tách là cặp song sinh Việt - Đức. Chào đời ngày 25/2/1981 tại Sa Thầy, Kon Tum, với hình hài khác thường, Nguyễn Việt và Nguyễn Đức dính ở phần bụng, có cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và cân nặng chỉ 2,2 kg. Năm 1986, Việt bị hội chứng não cấp. Những lần lên cơn co giật, Việt kéo lê người anh em 5 tuổi vốn dính liền cơ thể mình. Không lâu sau đó, Việt hôn mê, sống đời sống thực vật bên cạnh Nguyễn Đức vẫn còn tỉnh táo.

Bác sĩ Trần Đông A, khi ấy là Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) được giao trọng trách trưởng kíp mổ lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Ca đại phẫu năm 1988 thành công sau 15 giờ căng thẳng, thu hút sự quan tâm truyền thông quốc tế. Việt sống thực vật nhưng vẫn ở lại với đời được 19 năm sau mổ với sự chăm sóc của các y bác sĩ Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Nguyễn Đức lớn lên trở thành nhân viên Làng Hòa Bình, lập gia đình và có 2 con sinh đôi xinh xắn là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới qua những ca tương tự đã được công bố.

Những bác sĩ tham gia ê kíp ngày ấy, ngày nay người đã về cõi vĩnh hằng, người vẫn đang tiếp tục công việc cứu người không ngơi nghỉ ngay cả lúc về hưu sau những tháng ngày giữ trọng trách lãnh đạo ở các bệnh viện lớn.

Theo Lê Phương/Vnexpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/nhung-ca-mo-tach-song-sinh-dinh-lien-luu-danh-y-hoc-viet-nam.html