Những ca khúc viết trên boong tàu

Gặp nhạc sĩ An Hiếu, Phó chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội sau chuyến công tác Trường Sa, gương mặt và nụ cười của anh chất chứa tình cảm mặn mòi của sóng biển, gió biển và người chiến sĩ đảo. Có lẽ với trái tim đa cảm, nồng ấm của một người nhạc sĩ trẻ, những cảm xúc đặc biệt của chuyến đi ấy thật khó phai mờ!

Cuộc hải trình kéo dài gần 2 tuần, trên con tàu kiểm ngư số hiệu KN 490, giữa mênh mông sóng nước và nắng gió, giờ phút gặp gỡ vội vàng với những cán bộ, chiến sĩ đảo đã trở thành “chất xúc tác” cho hàng loạt ca khúc mới toanh được vang từ những boong tàu. Trong đó, ấn tượng nhất là ca khúc “Trường Sa trong trái tim người lính” của nhạc sĩ An Hiếu.

Đây là lần thứ hai nhạc sĩ An Hiếu đến với những người lính đảo. Nhớ lại lần đầu được đến nơi đây, anh đã có cảm giác “mắc nợ” với Trường Sa, có lẽ do tuổi trẻ còn hạn chế trong việc kiếm tìm cảm xúc chín muồi nên anh chưa viết được tác phẩm thật ưng ý về người lính. 14 năm sau được trở lại Trường Sa, An Hiếu đã tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của đất và người nơi đây. Nhạc sĩ trẻ chia sẻ: “Chứng kiến sự đổi thay như vậy đã cho tôi rất nhiều cảm xúc. Suốt hai ngày trên tàu, cả đoàn hầu như đều bị say sóng, nhưng đến ngày thứ ba, tôi đã hoàn thành xong ca khúc “Trường Sa trong trái tim người lính” và tối hôm đó thu trực tiếp trên đài phát thanh nội bộ của tàu”.

Ca khúc Trường Sa trong trái tim người lính.

Ca khúc được viết theo thể loại nhạc hành khúc nhưng được lồng ghép với chất liệu âm nhạc mới, sử dụng tiết tấu swing vui vẻ, trẻ trung, tạo được sự nhún nhảy và cảm giác “bồng bềnh trên sóng”. An Hiếu tiết lộ: “Ngày nay, người lính có cơ hội được xem, nghe nhiều và quen thuộc với thể loại hành khúc “truyền thống”. Khi viết cho lính trẻ, tôi muốn dùng hơi thở mới, sức sống của tuổi trẻ để truyền tải thông điệp bài hát. Hơn nữa, với sự mới mẻ này, chắc chắn sẽ phù hợp với người lính!”. Bài hát được chia làm hai phần, viết cho giọng La thứ và phù hợp cho tốp ca nam nữ biểu diễn. Sử dụng tiết tấu swing cho ca khúc này, nhạc sĩ An Hiếu cố gắng viết nên một giai điệu dễ hát để tạo nên sự gần gũi với người lính-những “ca sĩ cây nhà lá vườn”.

Với anh, vấn đề học thuật không quyết định được sự thành công của một tác phẩm âm nhạc, chính cảm xúc trong tác phẩm mới đem lại điều đó. Đó chính là con đường để đi từ trái tim đến trái tim, vì thế An Hiếu luôn coi trọng những rung động đối với từng chi tiết.

Có thể nói, ca từ và giai điệu chính là linh hồn để một tác phẩm âm nhạc “sống” được lâu bền trong lòng khán giả. “Trường Sa trong trái tim người lính” đã hội tụ được nét tinh túy đó khi người nhạc sĩ đã đặt cả trái tim mình vào từng câu hát. Chủ đề nổi bật của ca khúc là hình ảnh của người lính đảo: “Bản tình ca người lính có muôn ngàn sóng gió/ Là lời thề sắt son viết lên bằng máu đào/ Ngày đêm bên tháp pháo mắt ta luôn sáng ngời/ Giữ biển trời được bình yên tàu lướt êm”. Với người lính đảo, Trường Sa chính là máu thịt của họ, họ chỉ nhất tâm một nhiệm vụ duy nhất: Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đảo và chủ quyền biển đảo. “Mẹ nhé, hãy chờ con! Con sẽ viết tiếp trang sử hồng, đẹp mãi đất nước mình, ngàn năm biển xanh sóng xô…”. Thật xúc động khi nhạc sĩ An Hiếu tinh tế sử dụng hình tượng “Mẹ” trong một ca khúc về người lính đảo. Người lính đã nói với “Mẹ” rằng: Mẹ hãy yên lòng, đừng lo lắng cho con và đồng đội quá nhiều. Chúng con nguyện cống hiến cả trái tim mình cho biển Việt Nam, sóng Việt Nam, đất nước Việt Nam. Mẹ và nhân dân hãy tin tưởng rằng “Trường Sa luôn trong tim người lính”.

Có thể hiểu, hình tượng “Mẹ” trong ca khúc này là người mẹ đất nước, người mẹ cao cả với tình yêu bao trùm toàn dân tộc. Người lính tâm sự với mẹ quê hương cũng là lời hứa với Tổ quốc, biển đảo: sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do và bình yên của đất nước. Cũng có thể hiểu, “Mẹ” chính là đại diện cho những điều thân yêu nhất của người lính. Các bà mẹ Việt Nam thời nào cũng thế, sẵn sàng hiến dâng những đứa con “rứt ruột đẻ ra” cho hòa bình Tổ quốc. Hiểu được điều này, hình ảnh người mẹ được nhạc sĩ An Hiếu đưa vào tự nhiên, không khiên cưỡng, tạo nên được niềm xúc động không nhỏ cho cả người hát và người nghe. Người chiến sĩ Trường Sa nguyện cống hiến cả trái tim mình, gửi theo gió lời thương, tình yêu tới Tổ quốc mẹ hiền.

Giữa muôn vàn khó khăn, giữa mênh mông sóng nước, người lính Trường Sa tại sao vẫn vững chắc tay súng giữ biển đảo quê hương? Đó chính là do tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường đã làm nên sức mạnh tổng hợp. Nhạc sĩ An Hiếu đã phát hiện và rất tâm đắc với chi tiết đó, anh viết: “...vượt sóng gió bão giông, coi thường. Đoàn kết, ghi chiến công, Trường Sa trong trái tim người lính”. Anh nói: “Tôi nhận ra rằng, ở đâu có đoàn kết là ở đó có thành công. Đoàn kết một ý chí đã làm nên vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ”.

Nhạc sĩ An Hiếu kể lại: “Trong chuyến công tác Trường Sa lần này, ca khúc “Trường Sa trong trái tim người lính” được biểu diễn 3 lần phục vụ lính đảo và nhân dân. Lần biểu diễn thứ 2 thì Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam gọi tôi lại gần và bày tỏ sự tâm đắc, thích thú với ba chi tiết trong bài hát: “đoàn kết, ghi chiến công”, hình tượng “Mẹ” và “người lính kiên trung”. Qua câu chuyện với Thiếu tướng, tôi thực sự rất vui vì cảm nhận được sự yêu mến của ông với ca khúc này. Đó là lời động viên đầy ý nghĩa, khích lệ tôi sáng tác ra nhiều ca khúc về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng chất lượng hơn nữa. Tôi đã biểu diễn không ít lần trên các sân khấu lớn nhỏ khác nhau, nhưng khi biểu diễn tại Trường Sa, chỉ mộc mạc với cây đàn oóc-gan và cây kèn thổi khiến tôi vô cùng hạnh phúc”.

Nhạc sĩ An Hiếu đã thực hiện được lời hứa với chính mình. 6 ca khúc anh viết từ khi đặt chân lên boong tàu đang được thực hiện phối khí, thu thanh một cách tốt nhất, để có thể hoàn thành một album nhỏ, tặng tận tay người lính đảo xa. Anh nói rằng, nếu những bài hát chỉ nằm trên giấy thì không có giá trị, nó phải được khán giả cảm nhận, yêu mến và đặc biệt là được vang lên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì khi đó tác phẩm âm nhạc mới thực sự “sống” với thời gian.

VIỆT KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-ca-khuc-viet-tren-boong-tau-508246