Những bước đột phá vượt bậc của ngành thông tin và truyền thông

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện, hiện cả nước có gần 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình.

Mạng lưới viễn thông ngày càng hiện đại và được mở rộng. Ảnh minh họa: Viettel

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện, hiện cả nước có gần 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; gần 18.000 nhà báo đã được cấp thẻ.

Bên cạnh đó còn có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm với số lượng sách xuất bản hàng năm khoảng 24.000 cuốn, góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

Sau 71 năm, lĩnh vực viễn thông và Internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 126 triệu thuê bao, tỉ lệ phủ sóng di động trên toàn quốc đạt 95%, trên 44 triệu người sử dụng Internet trên toàn quốc; tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2015 đạt gần 526.132 tỷ đồng.

Công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm. Mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được hoàn thiện, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước thông suốt trong mọi tình huống.

Mặt khác, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và trở thành một nền tảng không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Lĩnh vực CNTT đang có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; kim ngạnh xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ đô la Mỹ; tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2015 đạt hơn 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, mạng lưới bưu chính đã được củng cố, hiện đại hóa và mở rộng phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân. Mạng bưu chính công cộng hiện nay có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 8.184 điểm bưu điện - văn hóa xã; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng từ khi thành lập Bộ đến nay, 5 lĩnh vực Bộ được giao quản lý đều phát triển tốt và trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước.

Các xuất bản phẩm của Việt Nam được ra với thế giới nhiều hơn, sách của chúng ta được nhiều bạn bè thế giới biết đến hơn. CNTT có thể nói là bước tiến ngoạn mục về khoảng cách, chúng ta có một bước phát triển mới về CNTT, đặc biệt là công nghệ phần mềm nằm trong top 15 nước phát triển nhất thế giới. Mặc dù các vấn đề khác chưa được đảm bảo nhưngnhư thế cũng là thành quả rất đáng ghi nhận, ông Lê Doãn Hợp khẳng định.

Để ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong 71 năm qua, vào tháng 9/2014, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định thành lập Ban Lịch sử - Truyền thống của Bộ để tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất lấy 1 ngày truyền thống chung của toàn ngành Thông tin và Truyền thông. Ban nghiên cứu Lịch sử truyền thống cộng với ý kiến của toàn thể lãnh đạo, cán bộ trong toàn Ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/8 hàng năm là ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Đây chính là ngày Bác Hồ đã kí Sắc lệnh đầu tiên vào năm 1945 thành lập các Bộ, Ngành trong cả nước lúc đó, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Trước sự kiện này, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên toàn ngành Thông tin và Truyền thông có một ngày truyền thống riêng, khẳng định sự trưởng thành, phát triển và hội nhập sâu rộng của ngành. Sự kiện này là dịp để ôn lại những kỉ niệm của ngành Thông tin và Truyền thông, tri ân những thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông trong suốt thời gian qua.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu, thời gian tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Thông tin và Truyền thông phải phát huy truyền thống, phát huy tinh thần "Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển" để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh./

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-buoc-dot-pha-vuot-bac-cua-nganh-thong-tin-va-truyen-thong/22955.html