Lỗi tại khách quan: Mất nhãn tiền hơn 400 tỉ, nguy cơ thiệt hại 40 triệu USD!

Chỉ 3 ngày sau khi dự án cầu Nhật Tân dính 'sao quả tạ' từ trên trời rơi xuống với hơn 400 tỉ đồng phát sinh, tới lượt Dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội bị đòi 40 triệu USD 'nguy cơ gây thiêt hại cho ngân sách Nhà nước'- đánh giá của Thanh tra Chính phủ.

Một đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội.

Và 40 triệu USD này được liên danh nhà thầu danh Huyndai E&C-Ghella S.p.A (JV) đòi bổ sung vào giá hợp đồng do họ phải chờ mặt bằng quá lâu, y hệt như những gì vừa xảy ra tại dự án cầu Nhật Tân.

Nguyên do, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội ký hợp đồng khi hoàn toàn chưa có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu để thi công các hầm và ga ngầm.

Sự chậm trễ đến mức ngay đến thời điểm thanh tra, mặt bằng vẫn chưa bàn giao đầy đủ. Thậm chí, các ga 9, 10, 11 đang “điều chỉnh quy hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng” và có nghĩa là cũng chưa có mặt bằng để bàn giao.

Và chưa kể chi tiết “quá trình điều chỉnh hợp đồng tư vấn trọn gói dự án tăng thêm trên 6,5 triệu euro”.

Nhà thầu bị thiệt hại do sự chậm trễ của chủ đầu tư, họ đòi hỏi là lẽ đương nhiên, theo các thông lệ quốc tế và theo cả các quy định của pháp luật Việt Nam.

Tại dự án này, khoản 40 triệu USD có thể là “nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (NSNN)”, nhưng đối với những dự án như dự án Cầu Nhật Tân, thiệt hại hiện hữu chứ không còn là nguy cơ nữa.

Trước HĐND thành phố 3 hôm trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã phải công khai khoản hơn 400 tỉ đồng “phát sinh” cũng do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, gói thầu số 1 chậm 26 tháng, phát sinh chi phí 288 tỉ đồng. Gói thầu số 2, chậm tiến 27 tháng, phát sinh 157 tỉ đồng. Tổng cộng của sự châm trễ là khoản 445 tỉ đồng mà Hà Nội sẽ phải trả, bằng tiền thuế của dân.

Theo Tiền Phong, đại diện UBND TP Hà Nội giải thích, rằng: Đây là những... nguyên nhân khách quan.

Một thứ khách quan quá đắt đỏ. Phải trả bằng rất rất nhiều tiền. Và lặp lại từ dự án này sang dự án khác.

Câu hỏi tại sao cho sự lặp đi lặp lại này thật ra cũng không khó để trả lời.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) Bùi Trung Dung nhận xét thâm thúy: Lãnh đạo Chính phủ từng ký văn vản yêu cầu Hà Nội phải kỷ luật những cá nhân, tổ chức trực tiếp phụ trách công tác GPMB tại cầu Nhật Tân, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ và phát sinh chi phí. Tuy nhiên, đến nay, UBND Hà Nội mới trình phương án để huy động nguồn vốn trả nợ, còn chưa đưa ra thông tin về việc xử lý kỷ luật

Nguyên nhân, vì vấn đề trách nhiệm, kỷ luật không thấm tháp gì so với thiệt hại. Và nguyên nhân vì người ta còn có thể nêu nguyên nhân thiệt hại do... khách quan.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/loi-tai-khach-quan-mat-nhan-tien-hon-400-ti-nguy-co-thiet-hai-40-trieu-usd-618680.ldo