Những bức ảnh lịch sử của một nhà báo liệt sĩ

Với cụm tác phẩm 5 ảnh, gồm "Lửa vây máy bay Mỹ", "Nữ pháo binh Ngư Thủy", "Đưa xe tăng vào trận", "Xốc tới" và "Đánh chiếm cứ điểm 365", nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng là một trong số 18 tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 5 mới đây. Những bức ảnh lịch sử của ông đã ghi lại sự thật vĩ đại về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng thời, cho thấy tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của một nhà báo chiến trường.

Bộ 5 tác phẩm ảnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà báo, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng.

Nhiếp ảnh gia "tay ngang"...

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới về nhà báo chiến trường Lương Nghĩa Dũng, anh Lương Xuân Trường - con trai liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng chia sẻ: "Bố tôi đến với nghiệp nhiếp ảnh thuộc diện "tay ngang", bởi ông vốn là một nhà giáo dạy chuyên lý. Ông đến với nghề báo, làm phóng viên ảnh vì yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, song với tài năng và sự dũng cảm, dấn thân, ông đã để lại di sản là hàng nghìn bức ảnh tràn đầy giá trị sử liệu".

Trong bộ 5 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt này, nhiều người rất ấn tượng với bức ảnh "Nữ pháo binh Ngư Thủy" - thể hiện nét đẹp đầy nữ tính của hai cô dân quân Ngư Thủy (Quảng Bình) với đầu trần, thấp thoáng những chiếc cặp ba lá bằng thép ẩn hiện trên mái tóc, hối hả bắn trả tàu chiến Mỹ trong trận đánh ngày 7-2-1967. Nhưng là người trực tiếp chọn ảnh trong kho tư liệu ảnh của bố, anh Lương Xuân Trường lại chia sẻ một câu chuyện khác, rất xúc động: "Lục kho tư liệu tìm lô ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365 (30-3-1972), tôi và nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chợt thấy một bức ảnh bộ đội ta đang tấn công vào cứ điểm. Vụ tấn công diễn ra trong khoảng 30 phút, thì bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ở khoảng phút thứ 10. Trong khói lửa mù mịt, vẫn có thể nhìn thấy ở góc ảnh có hình ảnh thi thể một người lính với vết máu còn mới, chắc chỉ vừa qua đời. Ông Chu Chí Thành cầm bức ảnh, nói với người lính trong ảnh bằng sự trang trọng và chân thành: "Xin phép ông, dù ông ở phía nào cũng xin dùng bức ảnh này". Bức ảnh lột tả rõ sự khốc liệt của chiến tranh".

Hy sinh năm 1972 khi mới 38 tuổi, trong 6 năm theo nghiệp nhiếp ảnh "tay ngang", nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã để lại di sản gồm hơn 2.200 bức ảnh chiến trường. Tôi ngồi lật giở những trang sách ảnh "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn", lặng im đọc những dòng chia sẻ của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành - nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: "Dồn dập trong 6 năm, Lương Nghĩa Dũng đi hàng vạn cây số, khi thì bám xe vận tải quân sự, khi thì đạp xe, khi thì đi bộ. Có thể nói, Lương Nghĩa Dũng thuộc những nhà nhiếp ảnh chiến tranh lớn của thế kỷ XX - những nhà nhiếp ảnh sinh ra để sẵn sàng đem tính mạng của mình đổi lấy những bức ảnh máu lửa, chân thật".

Trách nhiệm với quá khứ

Có biết bao câu chuyện cảm động quanh nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Trước hết là câu chuyện về nghị lực của người vợ đã vượt bao vất vả, quyết tâm thực hiện di nguyện của chồng về trách nhiệm nuôi 4 con thơ được học hành đến nơi đến chốn. Đó cũng là câu chuyện về tình đồng đội, đồng nghiệp thắm thiết, gắn bó. Anh Lương Xuân Trường kể: "Tôi vốn học thương mại, năm 1992, bạn bè của bố vào nhà chơi, "nhặt" về, cho học ảnh. Khi đó tôi còn chưa biết máy ảnh là gì. Lúc mới vào Thông tấn xã Việt Nam, tôi được giao sắp xếp tư liệu ảnh của bố, qua đó, như được "đi lại" theo từng bước chân ông đi. Ở khía cạnh nào đó, ông chính là người thầy đầu tiên về ảnh của tôi...".

Nhiếp ảnh gia, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng từng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước, nay được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 - chính là sự ghi nhận, trân trọng của Nhà nước đối với những đóng góp vô cùng giá trị của một nhà báo chiến trường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với gia đình liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, di sản lớn nhất ông để lại chính là sự tôn trọng của xã hội, bạn bè với ông và giá trị đích thực nhất là con cháu lớn lên, hiểu rằng cha, ông mình là "người sống tử tế, có giá trị sống đàng hoàng, qua đó xây dựng niềm tự hào về truyền thống gia đình".

Anh Lương Xuân Trường tâm sự: "Tôi rất muốn làm thêm một cuốn về tổ ảnh quân sự 3 người của bố, gồm: Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm. Cũng rất muốn viết về nhóm tác giả đặc biệt trong nghề ảnh, ví như bức ảnh "Cầu người" của bác Phạm Văn Thính - một biểu tượng không thể thay thế trong lịch sử nhiếp ảnh về thanh niên xung phong. Nung nấu viết, bởi đó cũng là vấn đề trách nhiệm với quá khứ, với cuộc sống này".

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/871259/nhung-buc-anh-lich-su-cua-mot-nha-bao-liet-si