Những bộ phim xuất sắc về căn bệnh HIV/AIDS

Đã gần 40 năm khi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS bùng phát thành dịch trên toàn cầu, nhưng ảnh hưởng nó để lại trong cộng đồng, xã hội vẫn là điều ám ảnh đáng sợ với nhiều người. Những thước phim cảm động về HIV/AIDS sẽ giúp bạn hiểu rõ căn bệnh đáng sợ này để thấu hiểu, đồng cảm và san sẻ hơn với những người có H.

1. Parting Glances

Phải mất 5 năm sau khi công bố HIV/AIDS là bệnh dịch, các nhà làm phim mới dám mạnh dạn đề cập và đưa căn bệnh này lên màn ảnh. Bộ phim đầu tiên làm về HIV/AIDS là Parting Glances ra mắt năm 1986 của đạo diễn kiêm nhà biên kịch Bill Sherwood người Mỹ.

Sau bộ phim đình đám Parting Glances, Bill Sherwood không bao giờ có thể làm một bộ phim nào khác vì ông đã qua đời do căn bệnh liên quan đến AIDS vào năm 1990. Theo đánh gia của các nhà phê bình phim, chỉ cần tác phẩm điện ảnh duy nhất là Parting Glances cũng đủ giữ cho sự nghiệp của Bill Sherwood sống tiếp hàng thập kỷ nữa.

“Parting Glances” mô tả cuộc sống của những người đồng tính ở thành phố New York với những chi tiết dí dỏm, hài hước. Không chỉ là bộ phim giải trí đơn thuần, Parting Glances còn khắc họa chân dung của nhóm người nhiễm HIV sống trong những năm 90. Họ phải đấu tranh giữa tư tưởng “chạy trốn” và dũng cảm thừa nhận bệnh tật, “chiến đấu” với dư luận xã hội.

2. Dallas Buyers Club (Câu lạc bộ Dallas Buyers)

Chắc chắn một số người sẽ chỉ trích bộ phim Dallas Buyers Club vì đề cập quá nhiều đến một người đàn ông chuyển giới dị tính, để lại cho khán giả nhiều ám ảnh và nỗi buồn kéo dài. Phim kể về một người đồng tính nam bị AIDS phải chịu tác động khủng khiếp do bệnh tật gây ra. Thời đó, khái niệm “sống chung với HIV” chưa tồn tại nên người có H phải sống trong sự kỳ thị của xã hội.

Nhân vật trong phim vì không nhận được nhiều hỗ trợ y tế, đã thất vọng và đấu tranh với những người tạo ra thuốc AZT (một loại thuốc giúp người bệnh đối chọi với bệnh HIV), sáng lập ra Câu lạc bộ Dallas Buyers để bán thuốc cho bệnh nhân bị HIV và cuối cùng chết vì bệnh này.

Phim Dallas Buyers Club ra mắt công chúng năm 2013, được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật năm 1986 về gã “cao bồi” Ron Woodroof nghiện rượu, nghiện ma túy.

Phim dựng nên một hình tượng Ron đáng ghét nhưng lại có tính cách đặc trưng của cao bồi miền Tây nước Mỹ: mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, cá tính và đặc biệt có bản năng sinh tồn nhạy bén. Sau một tai nạn nghề nghiệp, Ron được đưa tới bệnh viện và mới biết mình bị HIV dương tính. Ron đã phải vật lộn khó khăn và chiến đấu với sự sợ hãi về cái chết mà HIV mang lại.

Ban đầu, Ron không tin kết luận của bác sĩ vì nghĩ chỉ có “lũ đồng tính” mới bị căn bệnh đáng sợ đó. Nhưng nghĩ lại, những ông bạn thô lỗ của mình đều là người đồng tính luyến ái, Ron mới thật sự sợ hãi. Ron phải trốn chạy khỏi thế giới của dân đồng tính, chuyển giới (những người Ron từng thèm muốn được làm bạn) và tìm kiếm tất cả các cách để được sống. Xin vào danh sách được thử nghiệm thuốc AZT không được, Ron hối lộ nhân viên ăn trộm thuốc, rồi sang tận Mexico tìm kiếm thứ thuốc chữa HIV mà anh nghĩ rằng có tác dụng tốt hơn AZT.

Bộ phim hé lộ thực trạng xã hội những ngày đầu đại dịch AIDS xuất hiện, để lại trong mỗi khán giả cảm xúc lẫn lộn giữa sự sống và dũng cảm đối diện với cái chết.

3. Love! Valour! Compassion! (tạm dịch: Tình yêu! Dũng cảm! Lòng trắc ẩn!)

Bộ phim Love! Valour! Compassion! do Tony đóng vai chính, ra mắt công chúng năm 1997. Phim nói về một nhóm người đồng tính ở New York cùng nhau trải qua quãng thời gian khó quên tại một ngôi nhà ở vùng ngoại ô trong 3 tuần mùa hè. Phim khắc họa sự biến đổi nội tâm của các nhân vật xung quanh các vấn đề: tình yêu, sự dũng cảm và lòng thương hại. Nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, những nhân vật cũng không thể thoát khỏi “bóng ma” của AIDS. Bộ phim sẽ đem lại tiếng cười nhưng cũng lấy đi của khán giả những giọt nước mắt, đặc biệt là trong cảnh cuối phim.

4. Longtime Companion (Người đồng hành lâu năm)

Được phát hành năm 1990, Longtime Companion là một trong những bộ phim về AIDS gây tranh cãi nhiều trong lịch sử kiểm duyệt phim của Hollywood. Lý do khiến phim gây tranh cãi không phải do những cảnh nóng táo bạo (phim không hề có cảnh 18+ thực sự nào) mà do “ngôn ngữ thô tục tràn lan”. Phim lấy bối cảnh năm 1981, nói về ảnh hưởng của căn bệnh thế kỷ khi trở thành đại dịch trong một nhóm bạn hầu hết là người đồng tính sống ở thành phố New York.

Bộ phim bị chỉ trích khá gay gắt vì xuất hiện yếu tố phân biệt chủng tộc khi tập trung khắc họa những người đàn ông da trắng giàu có, còn những người Mỹ da màu thường hiện lên với những hành vi xấu xa. Tuy nhiên, phim cũng mang nhiều giá trị vì cho thấy một nỗ lực từ sớm khi khắc họa chân dung người bị AIDS để mỗi khán giả nhận ra rằng loại bệnh này đã là vấn đề chung của nhiều người khác.

Craig Lucas phụ trách viết kịch bản phim và phần đạo diễn do Norman Rene đảm nhiệm. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên tài năng, gồm những người được đề cử giải Oscar và đoạt giải Quả cầu Vàng như Bruce Davison, Campbell Scott và Mary-Louise Parker.

5. Precious

Bộ phim Precious đã mang lại cho đạo diễn Lee Daniels nhiều giải thưởng danh giá: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất… được đánh giá là đề cập thẳng thắn tới tình trạng HIV. Phim ra mắt công chúng năm 2009, dựa theo tiểu thuyết “Push” (Vươn lên) của tác giả Sapphire.

Nhân vật chính trong phim tên là Precious (do Gabourey Sidibe thủ vai) thường xuyên bị cha đẻ hành hạ, ngược đãi và xâm hại tình dục. Khi cha chết vì bệnh liên quan đến AIDS, Precious quyết tâm không đi chẩn đoán tình trạng sức khỏe vì đã coi cái chết là bản án cho gia đình mình. Mẹ của Precious (do Mo’Nique thủ vai) cũng nhiễm HIV, thậm chí bà chẳng thèm phủ nhận điều đó. Do vậy, Precious cũng coi cái chết của cha là một sự trả giá vì những tội lỗi ông đã gây ra cho cô.

Ở tuổi 16, khi còn đang học trung học, Precious đã sinh đứa con thứ hai. Trớ trêu thay đó lại là đứa con của mình với người cha ruột. Precious đã phải đối mặt với những khủng hoảng tinh thần và vật chất khi đang phải chăm sóc đứa con đầu bị down lại biết mình mang thai. May mắn, đứa con thứ 2 của Precious lại khỏe mạnh, không bị HIV. Đứa trẻ thứ 2 ra đời cũng là lúc sự ngược đãi, lăng mạ, thờ ơ và tuyệt vọng trong Precious bị phá vỡ.

Bộ phim là minh chứng cho những người nghèo khổ, bệnh tật thấy rằng vẫn còn có hy vọng và sự giúp đỡ thành tâm trong cuộc sống này; bị nhiễm H không liên quan tới ước muốn làm cha mẹ và những người có H vẫn có khả năng đạt được ước mơ của mình.

6. Philadelphia

Philadelphia (1993) là bộ phim tuyệt vời nói về HIV/AIDS. Thông điệp mà bộ phim mang lại là: Khi chúng ta chấp nhận và hiểu được những con người khác nhau trong cuộc sống, chúng ta trở thành người tốt hơn. Phim có sự tham gia của nam diễn viên Tom Hanks, Antonio Banderas và là tác phẩm điện ảnh đạt doanh thu phòng vé cao nhất từ trước tới nay khi nói đề cập đến những người bị AIDS, đặc biệt là những người bệnh đồng tính.

Đến nay, các nhà sản xuất vẫn còn e ngại khi chiếu những cảnh quay nhạy cảm trên phim, đặc biệt là cảnh thân mật giữa hai nhân vật chính bị đồng tính. Dù được sản xuất từ lâu nhưng bộ phim vẫn còn nguyên giá trị vì giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về căn bệnh thế kỷ cũng như virus gây bệnh.

Phim xoay quanh vấn đề HIV/AIDS, đồng tính luyến ái, chứng ghê sợ đồng tính luyến ái và các thái độ khác đối với người đồng tính. Bộ phim lấy ý tưởng từ câu chuyện của luật sư Andrew Beckett tại công ty luật lớn nhất ở Philadelphia. Mặc dù anh đang sống với người yêu là Miguel Alvarez, nhưng anh là người đồng tính và nhiễm bệnh AIDS. Anh giấu những người trong công ty biết việc này. Khi công ty phát hiện ra sự việc, Andrew bị sa thải vì nỗi sợ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ và sự kỳ thị người đồng tính. Andrew quay lại kiện ngược công ty và đối mặt với tay luật sư đầy định kiến Joe Miller. Trong quá trình tranh tụng, chính Joe nhận ra nỗi kỳ thị với người đồng tính và những bệnh nhân AIDS của mình có điều gì đó không đúng.

7. Gió qua miền tối sáng

Đây là một trong những bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam khai thác một đề tài nhạy cảm của xã hội thời bấy giờ - HIV/AIDS. Phim được sản xuất năm 1998 với mục đích tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS. Phim lột tả số phận các nhân vật một cách chân thật, cảm động dù nằm trong dòng phim tuyên truyền khá khô khan nên có sức thuyết phục lớn.

“Gió qua miền tối sáng” xoay quanh vấn nạn nhức nhối của xã hội Việt Nam những năm 90 khi các ông chồng mang bệnh HIV về cho gia đình. Qua đó, phim đưa ra bài học cảnh tỉnh về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng như cái giá đắt trả cho những phút giây đam mê lạc thú và có thể phải đánh đổi bằng nhiều phận đời. “Gió qua miền tối sáng” đã thành công khi tác động được tới nhận thức và cảm xúc của người xem.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-bo-phim-xuat-sac-ve-can-benh-hivaids