Những bộ phim siêu anh hùng bị giới phê bình ghét nhất

Dựa trên điểm số của chuyên trang Rotten Tomatoes, đây là những tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng bị giới phê bình ghẻ lạnh nhất sau khi ra mắt.

Barb Wire (1996) - 28%: Dựa trên loạt truyện tranh của hãng Dark Horse, đồng thời lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Casablanca, Barb Wire xoay quanh nhân vật nữ lính đánh thuê ở khu Steel Harbor trong bối cảnh giả tưởng nước Mỹ bị đặt dưới chế độ phát xít. Tuy có “quả bom sex” Pamela Anderson sắm vai chính, nhưng bộ phim nhanh chóng chìm vào quên lãng bởi chất lượng kém cỏi. Ảnh: Universal

Batman v. Superman: Dawn of Justice (2016) - 27%: Sau khi ra rạp hồi cuối tháng 3, Batman v Superman gây ra tranh cãi lớn: giới phê bình ghét bỏ bộ phim, còn người hâm mộ truyện tranh DC thì tìm đủ lý lẽ để phản bác. Phiên bản dài 3 tiếng của tác phẩm khá khẩm hơn một chút, nhưng vẫn chưa đủ xứng tầm với hai nhân vật siêu anh hùng nổi tiếng bậc nhất là Người Dơi và Siêu Nhân. Một điểm sáng hiếm hoi của bộ phim là sự xuất hiện của nữ siêu anh hùng Wonder Woman do Gal Gadot thể hiện. Ảnh: Warner Bros.

Suicide Squad (2016) - 27%: Tung ra hàng loạt trailer ấn tượng, Biệt đội Cảm tử được kỳ vọng là sẽ giúp người xem quên đi tác phẩm tẻ nhạt Batman v Superman: Dawn of Justice. Song, Suicide Squad thậm chí còn khiến người ta thất vọng hơn bởi mạch phim lủng củng và cách xây dựng nhân vật thiếu thuyết phục. Rốt cuộc, tác phẩm càng khiến vũ trụ phim siêu anh hùng của DC và Warner Bros. chìm sâu trong khủng hoảng. Ảnh: Warner Bros.

Green Lantern (2011) - 26%: Trước khi gặt hái thành công với Deadpool hồi đầu năm, tài tử Ryan Reynolds từng hứng chịu vô số chỉ trích khi hóa thân thành siêu anh hùng Green Lantern trong bộ phim cùng tên cách đây bốn năm. Tác phẩm thất bại tại phòng vé và khiến Warner Bros. cùng DC phải lên kế hoạch tái khởi động thương hiệu. Ảnh: Warner Bros.

Ghost Rider (2007) - 26%: Trước khi Robert Downey Jr. và Iron Man xuất hiện, các bộ phim dựa trên truyện tranh Marvel thường gây ra hoài nghi cho công chúng. Ma tốc độ chính là một ví dụ điển hình và diễn xuất của Nicolas Cage trong phim bị giới phê bình chê bai tơi tả. Ảnh: Columbia Pictures

Superman III (1983) - 26%: Sau thành công vang dội của Superman II (1980), không ai nghĩ phiên bản Siêu Nhân của tài tử Christopher Reeve lại có bước lùi tệ hại đến thế. Sự góp mặt của danh hài độc thoại Richard Pryor bị cho là thừa thãi và nhiều nhà phê bình chỉ trích đôi lúc ông không biết phải làm gì trước ống kính, khiến Superman III càng trở nên đáng quên. Ảnh: Warner Bros.

Blade: Trinity (2004) - 25%: Loạt phim về thợ săn ma cà rồng Blade khởi đầu ấn tượng năm 1998, có dấu hiệu đi xuống ở Blade II (2002), và trở nên không cứu vãn khi bước sang phần ba Blade: Trinity. Giới truyền thông kịch liệt chỉ trích nội dung bộ phim đến từ nhà biên kịch David Goyer. Đây cũng chính là người đứng sau phần kịch bản của Batman v Superman: Dawn of Justice sau này. Ảnh: New Line Cinema

Teenage Mutant Ninja Turtles (2014) - 22%: Bất chấp thắng lợi lớn tại phòng vé, cuộc trở lại của nhóm Ninja Rùa trên màn ảnh rộng không được lòng giới phê bình. Họ cho rằng cốt truyện phim không thực sự dành cho người lớn, còn tạo hình các người hùng thì có thể khiến không ít trẻ em cảm thấy sợ hãi. Ảnh: Paramount

Spawn (1997) - 19%: Loạt truyện tranh bạo lực nổi tiếng của Todd McFarlane và hãng Image được chuyển thể lên màn ảnh rộng vào cuối thế kỷ XX, thu hút rất nhiều ngôi sao sáng giá như Martin Sheen, John Leguizamo và Nicol Williamson. Nhưng Spawn rốt cuộc bị đánh giá là không thể truyền tải tinh thần của nguyên tác và vấp phải thất bại nặng nề. Ảnh: New Line Cinema

Ghost Rider: Spirit of Vengeance (2012) - 17%: Công chúng không thể ngờ rằng phần hai của Ma tốc độ còn có thể dở hơn cả phần đầu, bất chấp những nỗ lực của tài tử Nicolas Cage. Ghost Rider: Spirit of Vengeance ra rạp ngay trước The Avengers (2012), nên nó càng bị đem ra so sánh và chê bai. Giờ thì nhân vật chuẩn bị xuất hiện trong series phim truyền hình Marvel’s Agents of SHIELD với diện mạo hoàn toàn mới. Ảnh: Columbia Pictures

Howard the Duck (1986) - 15%: Nhân vật có phần kỳ quặc đến từ truyện tranh Marvel từng xuất hiện trong đoạn phim after-credits của bom tấn Guardians of the Galaxy (2014). Tuy nhiên, trong quá khứ, đây chính là “thủ phạm” khiến thế giới phim siêu anh hùng Marvel không được “bật đèn xanh” trong suốt nhiều năm trời, đồng thời cho thấy nhà sản xuất George Lucas đang dần mất đi vị thế tại phòng vé. Ảnh: Universal

The Spirit (2008) - 14%: Là fan của loạt truyện tranh gốc do Will Eisner sáng tác, nhưng đạo diễn Frank Miller lại thất bại trong việc chuyển thể The Spirit lên màn ảnh rộng. Mang dáng dấp của Sin City (2005), nhưng bộ phim bị giới phê bình chỉ trích vì phần nội dung ngô nghê, một chiều. Ảnh: Warner Bros.

Superman IV: The Quest for Peace (1987) - 12%: Sau thất bại của Superman III (1983), đây chính là dấu chấm hết dành cho nhân vật Siêu Nhân của Christopher Reeve. Dù các nhà sản xuất đã nỗ lực tái khởi động thương hiệu, Superman IV vẫn gặp vô số chỉ trích và khiến "người đàn ông thép" vắng bóng trên màn ảnh rộng trong suốt gần 20 năm sau đó. Ảnh: Warner Bros.

Steel (1997) - 12%: Steel là một nhân vật phụ trong loạt truyện tranh về Siêu Nhân. Trên màn ảnh rộng, ngôi sao bóng rổ Shaquille O'Neal là người khắc họa siêu anh hùng. Nhưng đây rốt cuộc chỉ là một nỗ lực kiếm tiền đáng thất vọng của Warner Bros. Phim thu vỏn vẹn 1,7 triệu USD, so với nguồn kinh phí bỏ ra là 16 triệu USD. Ảnh: Warner Bros.

The Crow: City of Angels (1996) - 12%: Đây lại là một tác phẩm nữa do nhà biên kịch David Goyer chắp bút, gây chút tò mò khi có sự tham gia của ngôi sao ca nhạc Iggy Pop. Song, khi cái chết của Brandon Lee - người sắm vai The Crow trong phần một, đã nguôi ngoai, City of Angels trở nên mất nhiệt. Cộng thêm sự chỉ trích của giới phê bình, bộ phim sớm rơi vào quên lãng. Ảnh: Miramax

Batman & Robin (1997) - 11%: Cả giới phê bình lẫn khán giả đều đánh giá rằng đây chính là bộ phim Batman tệ nhất từ trước tới nay, bất chấp có sự tham gia của George Clooney, Uma Thurman và Arnold Schwarzenegger. Cốt truyện phim bị đánh giá là quá trẻ con, còn các nhân vật thì luôn cư xử ngờ nghệch. Phải gần 10 năm sau đó, Người Dơi mới “tái sinh” qua tác phẩm Batman Begins (2005) của đạo diễn Christopher Nolan. Ảnh: Warner Bros.

Elektra (2005) - 10%: Là tác phẩm ăn theo Daredevil (2003), nhưng ngay cả bộ phim gốc đã thất bại, thì người ta làm sao có thể tin tưởng một phim spin-off từ đó? Nhưng hợp đồng buộc Jennifer Garner phải sắm vai đả nữ Elektra thêm một lần nữa và bộ phim bị cả công chúng lẫng giới phê bình quay lưng. Ảnh: Fox

Fantastic Four (2015) - 9%: Quá trình thực hiện phiên bản Bộ tứ Siêu đẳng năm 2015 gặp quá nhiều trục trặc, và hậu quả chính là một tác phẩm kém chất lượng, gặp thất bại nặng nề tại phòng vé dành cho Fox. Bản thân đạo diễn Josh Trank sử dụng mạng xã hội Twitter để chỉ trích đội ngũ nhà sản xuất đã can thiệp quá sâu vào bản phim chiếu rạp, và anh cho rằng đó không còn là tác phẩm của mình nữa. Ảnh: Fox

Catwoman (2004) - 9%: Sau khi thắng giải Oscar với Monster’s Ball (2001), minh tinh da màu Halle Berry liên tiếp gặp thất bại, và điểm đáy chính là bộ phim siêu anh hùng Catwoman. Miêu nữ trên màn ảnh bị thay đổi nguồn gốc và phục trang, khiến người hâm mộ phật ý. Nhưng bản thân chất lượng tác phẩm chỉ thuộc dạng yếu kém. Cá nhân Halle Berry còn phải “ẵm” một giải Mâm xôi vàng khi sắm vai chính. Ảnh: Warner Bros.

Supergirl (1984) - 7%: Cốt truyện lủng củng và diễn xuất kém cỏi của Faye Dunaway khiến Supergirl trở thành bộ phim siêu anh hùng bị giới phê bình ghét nhất. Tuy nhiên, có một thực tế rằng nếu nhìn nhận lại tác phẩm, nó có lẽ không tệ như số điểm đang phải hứng chịu trên Rotten Tomatoes. Ảnh: Warner Bros.

Tuấn Lương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-bo-phim-sieu-anh-hung-bi-gioi-phe-binh-ghet-nhat-post674535.html