Những biểu tượng Đà Nẵng qua sản phẩm lưu niệm

Qua bàn tay khéo léo của Hứa Văn Minh (40 tuổi, trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, Đã Nẵng), những chiếc tăm tre đã trở thành sản phẩm lưu niệm là những biểu tượng của Đà Nẵng. Nói như anh, 'Đà Nẵng đã thu nhỏ trong nhà tôi'.

Qua bàn tay khéo léo của Hứa Văn Minh (40 tuổi, trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, Đã Nẵng), những chiếc tăm tre đã trở thành sản phẩm lưu niệm là những biểu tượng của Đà Nẵng. Nói như anh, “Đà Nẵng đã thu nhỏ trong nhà tôi”.

 Anh Minh

Anh Minh

Trong ngôi nhà nhỏ, anh Minh trưng bày cả một “bộ sưu tập” về những đặc trưng, biểu tượng văn hóa và là thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Anh Minh vốn là kỹ sư xây dựng, suốt ngày rong ruổi ở các công trình. Năm 2015, một lần nhìn thấy mô hình cầu Sông Hàn, anh có ý định sẽ biến nó thành một sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn. “Đà Nẵng là thành phố du lịch. Đa phần du khách đều thích thú với những cây cầu đặc trưng của thành phố. Còn nhớ, có lần một người bạn ở Hà Nội vào chơi, thích cây cầu Sông Hàn quay quá, nên cứ nhờ tôi chở đến xem cầu quay. Điều đó đã khơi cho tôi suy nghĩ: tại sao không biến những biểu tượng Đà Nẵng thành sản phẩm thương mại, vừa giới thiệu văn hóa lại thúc đẩy du lịch phát triển?” - anh Minh nói về động lực.

Từ đó, anh ngày đêm sáng tạo, cuối cùng sản phẩm đầu tay cũng ra lò. Đó là mô hình chiếc cầu Sông Hàn bằng tăm tre, có thể quay như cầu thật. Thế nhưng, vì là sản phẩm đầu tiên nên các chi tiết còn chưa rõ nét, không phác họa một cách chân thật nhất về cây cầu. Anh tiếp tục sáng tạo và cây cầu thứ hai trở thành sản phẩm hoàn chỉnh “sao y bản chính”. “Lợi thế của Đà Nẵng là du lịch nhưng nhiều sản phẩm lưu niệm mang tính đại trà, không phải là dấu ấn riêng của Đà Nẵng. Từ việc giới thiệu những mô hình như cầu Sông Hàn sẽ góp một phần làm đa dạng hơn cho đồ lưu niệm, tạo sức hút du khách trở lại thăm Đà Nẵng” - anh Minh nói.

... và mô hình cầu Sông Hàn cùng sản phẩm cầu vượt Ngã ba Huế được làm từ tăm tre.

Từ thành công ban đầu, 2 năm qua, đã có hàng trăm sản phẩm được anh Minh giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước. Điều làm nên “điểm nhấn” sản phẩm đó là tất cả đều làm bằng tăm tre. Theo anh Minh, cây tre luôn là đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Việc tận dụng tre cũng chính là hành động góp phần giúp những giá trị lịch sử bao đời khỏi lu mờ. Tre sau khi chọn sẽ được luộc với nước sôi nhằm đảm bảo cho độ bền, đẹp của sản phẩm. Trung bình mỗi tháng anh làm 10-15 sản phẩm. “Làm sao để từng đường nét, chi tiết phải được khắc họa rõ, làm bật lên giá trị của nó mới là điều quan trọng nhất. Chẳng hạn như cầu Rồng, độ uốn lượn, từng đường cong, vảy rồng phải thật chính xác thì “hồn” sản phẩm mới thuyết phục khách du lịch. Hay như cầu vuợt 3 tầng Ngã ba Huế, phải làm sao để khách du lịch nhìn vào đó mà cảm thấy như đang đứng trước cây cầu vượt lớn nhất Đông Nam Á” - anh Minh cho biết.

Ngoài các biểu tượng đặc trưng Đà Nẵng, anh Minh còn thử sức với những công trình, là biểu tượng văn hóa trong và ngoài nước như Ngọ Môn Huế, Văn miếu Quốc Tử Giám, Chùa Cầu, tháp Eiffel... Những sản phẩm này đều được anh ký gửi tại các gian bán đồ lưu niệm và bán tại nhà. Ngoài ra, với những khách có nhu cầu thiết kế mô hình bất kỳ công trình nhà ở hay kiến trúc nào anh đều nhận làm. Sắp tới, để sản phẩm đến nhiều hơn với du khách, anh sẽ “gom” thêm nhiều công trình, địa danh du lịch Đà Nẵng như: Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Công viên Biển Đông... thành những sản phẩm lưu niệm để giới thiệu đến du khách.

Phi Nông

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/114_163657_nhung-bieu-tuong-da-nang-qua-san-pham-luu-niem.aspx