Những bí ẩn quanh cái chết của Quan Vân Trường

Trong Tam quốc diễn nghĩa, sau thế chân vạc đang được mở ra ở Tây Xuyên với chiến thắng của tập đoàn Lưu Bị - đánh chiếm Tứ Xuyên, đánh chiếm Hán Trung, rồi Lưu Bị lên ngôi... thì ở Kinh Châu, sau những trận thắng ban đầu, là sự thất thủ từ từ, từng bước, dồn dập và cực kỳ bi thảm của chín quận Kinh Tương, cùng với cái chết lẫm liệt của Quan Vũ (1), một trong những anh hùng vĩ đại nhất của thời Tam quốc, đồng thời cũng là một trong những con người lỗi lạc của lịch sử và ký ức của nhân dân Trung Hoa.

Quan Vân Trường – mãi mãi bất tử

Trước khi mất Kinh Châu, Quan Vân Trường (QVT) đã lập nhiều chiến công hiển hách: đánh chiếm Tương Dương, lấp các cửa sông Khoái Khẩu, khơi dòng Tương Giang làm tràn ngập 7 đạo quân Tào, chặt đầu Bàng Đức, bắt sống Vu Cấm, vây hãm Phàn Thành.

Nhưng đáng tiếc, do khinh địch và bị tên độc bắn trọng thương, lại sa vào phục binh Đông Ngô, QVT và con trai là Quan Bình bị bắt; không đầu hàng, không hòa nghị, và đã chết một cách kiêu hùng.

Cùng với cái chết của QVT, Kinh Châu - địa bàn chiến lược của Thục Hán bị tan vỡ, mối quan hệ đồng minh với Tôn Ngô bị phá bỏ, thế chân vạc dần dần bị suy yếu, tạo điều kiện cho nhà Ngụy, và sau này là nhà Tấn thôn tính Đông Ngô và Tây Thục, chấm hết thời Tam Quốc, và cũng là chấm hết những nỗ lực và hy vọng cuối cùng về sự phục hưng một nhà Đại Hán trong thời đại lúc bấy giờ và cũng là trong suốt lịch sử Trung Hoa.

Nhưng đối với những người say mê Tam Quốc, QVT mãi mãi bất tử. Và dù lịch sử thời Hậu Hán đã cách chúng ta hơn một nghìn bảy trăm năm, cái chết của QVT vẫn làm nhiều thế hệ người đọc phải đau đớn.

Quan Vũ.

Vượt qua mọi lý lẽ, bất chấp mọi thị phi, hình tượng QVT vẫn hiện lên uy nghi trong ký ức như một vị Thánh, một bậc Đại anh hùng trung nghĩa, trí dũng song toàn, một tượng trưng hoàn hảo và lớn lao nhất của lý tưởng về người quân tử theo đạo đức Khổng - Mạnh mà điểm nổi bật là tinh thần “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Phú quý không thể lung lạc, nghèo khó không thể thay đổi, uy vũ không thể khuất phục).

Một con người trung nghĩa, can trường và kiêu hãnh

Đối với một võ tướng rường cột như QVT, trong suốt cuộc đời chinh chiến, lòng trung nghĩa đã trở thành một phẩm cách tuyệt vời. Có lẽ, cội nguồn của phẩm cách đó được bắt đầu từ lòng trung thực và chung thủy - một lòng trung thực cao thượng và thủy chung như nhất.

Phải có ai đã nói rằng nếu không có lòng chung thủy, thì trên đời sẽ không có tình bạn, và có lẽ cũng không có tình yêu!

Theo vậy, chung thủy là một thuộc tính tình cảm nằm trong bản chất nhân loại - cao quý, sâu nặng, nhưng cũng có thể đặc biệt bi thảm và lầm lạc, nhưng QVT không lầm lạc.

Trên đất nước Trung Hoa rộng lớn mênh mông và tao loạn lúc bấy giờ, QVT sinh ra để bất tử, để lập chiến công và để chết cho sự thủy chung trọn nghĩa Vườn Đào và lời thề phục Hán.

Sự mua chuộc của đối phương, sự cám dỗ của vinh hoa, những hiểm nguy trong chiến trận; sự sa cơ, thất thế và cả cái chết cũng không làm ông nao núng. Không bao giờ ông từ bỏ lý tưởng phục Hán và thay đổi lời thề. Cuối cùng, QVT đã lựa chọn cái chết, như một sự tuẫn nạn.

Trong lịch sử nhân loại, tuẫn nạn chỉ có trong hành động của các Thánh. Trong các sử thi cổ đại, vào chính khoảnh khắc người võ sĩ hy sinh, linh hồn họ sẽ đi về cõi bất diệt và QVT là một trường hợp như vậy.

Nếu nghiên cứu cục diện Trung Hoa vào những năm cuối của thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khoảng 184, cho đến 219 – năm Kiến An thứ 21, thời điểm diễn ra sự kiện cái chết của QVT, sẽ thấy nhà Hán (ở trung nguyên) bấy giờ đã già cỗi, bi đát, suy vi (rồi sau này mất hẳn về tay nhà Ngụy); ở Tứ Xuyên, mặc dù tập đoàn Lưu Bị đã cố hết sức khôi phục và lập nên nhà Thục Hán, nhưng Thục Hán không thể tranh hùng, sau cũng nhanh chóng mất về tay Ngụy, Tấn.

Nhận trọng trách bảo toàn Kinh Châu, QVT đã không thể xoay chuyển được thời vận. Đa số các nhà bình luận, dựa vào truyện Tam Quốc đã cho rằng QVT đã quá kiêu ngạo và khinh địch. Nhưng điều đó chỉ nói lên những nguyên nhân chủ quan, rằng QVT chỉ là một võ tướng chứ không phải là một nhà chiến lược.

Giữ Kinh Châu và giữ luôn được dải đất Kinh Tương, vùng địa bàn quan trọng vì có thể thông sang cả ba miền Bắc, Tây và Nam Trung Quốc; trong tình thế bấy giờ, khi hầu hết lực lượng quân sự của Lưu Bị đã tập trung chiếm lĩnh Tây Xuyên, cho dù QVT có giỏi giang đến mấy, lâu dài cũng không thể giữ được.

Chống chọi một cách đơn độc cùng lúc với cả quân Ngụy và Ngô - một đằng là kẻ thù chính của sự nghiệp phục Hán; một đằng là quân đồng minh hay tráo trở, những chiến thắng ban đầu của QVT không bền vững; sự thất bại là không tránh khỏi.

Thất bại lịch sử

Trong phim Tam Quốc, chúng ta không thể nào quên tiếng quạ kêu thảm thiết bay ngang con tuấn mã của QVT, và làn tuyết xám ảm đạm phủ mờ chiến địa nơi hai cha con QVT bị mai phục và bị bắt – một trường đoạn khắc họa thật sâu nét trữ tình sử thi bi tráng!

QVT không xoay chuyển được thời vận. Bởi thời vận của nhà Hán như ông mong đợi - đã không tới; bởi nhà Hán từ lúc bắt đầu đến lúc sinh thời Quan Vũ, lịch sử đã đi qua 400 năm và vai trò của nhà Hán đã hết, trong khi lý tưởng phục Hán với bao nhiêu hào quang vĩ đại trong quá khứ, vẫn sống mãnh liệt.

Trung Hoa, cũng như hầu hết các dân tộc châu Á cổ đại, mà không phải chỉ cổ đại, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, quá khứ vẫn là một cái
gì đó được tôn thờ và luôn luôn sống giữa thực tại, làm mê hoặc thực tại (2); và dường như qua bao nhiêu thế kỷ, con người vẫn đi xuyên không gian và thời gian hằng tìm kiếm cho mình những ảo vọng, những lý tưởng về thực tại, trong khi thực chất, những lý tưởng đó, ảo vọng đó lại ở phía sau thực tại và thuộc về quá khứ.

Bị cầm tù bởi tư tưởng trung quân phục Hán, ngoài cái chết, thực sự QVT không còn con đường nào khác!

Mối kết giao giữa Quan Vân Trường và Tào Tháo

Một câu hỏi đặt ra là: tại sao QVT từng có thể kết giao với Tào Tháo, mà không thể kết giao với Tôn Quyền, trong khi Tôn Quyền đang hùng cứ ở Giang Đông và thật lòng muốn giao hảo?... Có lẽ ở đây, lịch sử đã chạm vào giới hạn của những giá trị.

Cái chết khốc liệt xảy ra cũng bởi sự va chạm của các giá trị. Chính Tôn Quyền đã giết QVT, chứ không phải Tào Tháo.

Dưới con mắt của QVT, Tôn Quyền, con chuột mắt biếc râu tía như sự miêu tả của La Quán Trung, liệu có phải thuộc về một tộc Đại Hán thuần chủng? Cho dù, Tôn Quyền xuất thân từ một dòng họ có thế lực, nhưng chính hành động sát hại QVT đã đẩy ông từ hàng hào kiệt xuống hạng một tiểu nhân; cũng như việc mai phục để bắt và giết bằng được QVT, tuy có làm một gã vô danh như Lục Tốn nổi danh, nhưng trong con mắt của người Trung Quốc, trước QVT, Lục Tốn chẳng là gì.

Quan Vân Trường trong phim Tam Quốc.

Bởi thực tế, "một kẻ tầm thường bé mọn vẫn luôn luôn mai phục chờ thời, và thực tế, không phải một kẻ lớn nhất mới có thể đánh bại được kẻ lớn nhất "(R.Perot).

Nhưng, về phương diện giá trị, một người hùng mạnh ngay khi bị suy sụp vẫn còn hơn những kẻ hèn yếu khi nó vùng lên.

Tào Tháo khác hẳn Tôn Quyền. Là người anh hùng chí lớn bao trùm thiên hạ, kính trọng và yêu quý nhân tài, không khi nào Tào Tháo lợi dụng tình thế để bức hại QVT.

Ngược lại, Tào Tháo cam kết thực hiện ý nguyện của QVT, hết lòng trọng thị và đã trao tặng ngựa quý, đã cùng văn võ hội mừng – “ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, khi lên ngựa thưởng một nén vàng, khi xuống ngựa thưởng một nén bạc, lại xin ấn phong hầu...”.

Tam quốc chí kể rằng, ngay cả khi QVT đã chết, Tào Tháo vẫn nhớ, một hôm sai bưng đầu QVT để trước mặt và hỏi: Tướng quân lâu nay vẫn mạnh khỏe chứ? Lúc ấy, đầu QVT mới cảm ứng mở bừng mắt, môi mấp máy, râu tóc dựng cả lên...

Về một phương diện nào đó, có thể nói mối tình hay mối ân tình của Tào Tháo và QVT trong Tam quốc mới là mối ân tình đẹp nhất, vì nó vượt lên trên lợi ích của phe phái, vì nó, trong một thời đại hỗn loạn đang cần trật tự sắp đặt lại, đã dành cho con người một vị thế đẹp nhất, xứng đáng với tinh thần thượng võ.

Và ngay từ thời cổ đại, đất nước Trung Hoa, bất chấp bạo lực và sự phi nghĩa, những con người chân chính đã biết sống và tự bảo toàn trong các giá trị.

*

Tam quốc diễn nghĩa, một tác phẩm miêu tả sự suy kiệt và hưng vong của một triều đại mà hay như vậy, lớn lao như vậy, với cách đó, nó cũng nói lên rằng Trung Hoa, từ cổ xưa là một đất nước vĩ đại; vì đã gìn giữ được cho dân tộc Trung Hoa và nhân loại những giá trị trường tồn.

Nhưng số phận của QVT là vậy và lịch sử, không chỉ Trung Hoa đã từng diễn ra những bi kịch đáng tiếc như vậy. Phải chi lịch sử vẫn cứ lặp lại như một định mệnh hay có thể khác được chăng?

Những con người ưu tú như QVT trong thời đại ngày nay và mai sau có thể tránh được những bi kịch như vậy không? Và cái mà độc giả hình dung như là những con đường bỏ ngỏ, như là những ngã rẽ của lịch sử, của số phận liệu có hiện ra như một phép lạ cứu thoát nhân vật, hay như một logic thông minh hơn của lịch sử và tư tưởng có thể làm thay đổi cả số phận lịch sử nhân loại, và vì thế, làm thay đổi cả số phận nhân vật?

Theo Hoàng Thúy Hương (tạp chí Hồn Việt)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/nhung-bi-an-quanh-cai-chet-cua-quan-van-truong-131891