Những bệnh thường gặp ở tuổi dậy thì của bé gái

Đối với những bé gái tuổi dậy thì thường rất dễ gặp phải những loại bệnh như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những thông tin ngay dưới đây nhé!

Những bệnh liên quan đến tâm lý

+ Stress

Khi rơi vào trạng thái stress, các bạn sẽ cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, suy nghĩ nhiều… Nguy hiểm hơn, stress ở lứa tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự tử.

Vì thế, điều này cần được phòng tránh và phát hiện từ sớm để có thể điều trị kịp thời.

+ Rối loạn tâm lý

Tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Vì thế, chúng ta thường dễ bị tác động bởi chuyện học hành, bài vở, nhất là khi bước vào mùa thi. Không những thế, một số bạn còn thường xuyên phải thức khuya hay phải nhờ đến sự trợ giúp của café để tỉnh táo hơn.

Điều này càng khiến cho sức khỏe của chúng mình bị suy giảm, tinh thần mệt mỏi, lo âu, rối loạn tâm lý… Bên cạnh đó, việc ăn uống và sinh hoạt thất thường ở lứa tuổi này cũng dễ khiến chúng ta mắc bệnh hơn.

Các biểu hiện dễ thấy nhất của căn bệnh rối loạn tâm lý là biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, học tập giảm sút… Nặng hơn, một số trường hợp còn có cả các biểu hiện như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác,…

+ Trầm cảm

Trầm cảm là căn bệnh rối loạn tâm thần thường gặp với nhiều triệu chứng như hay buồn bã, không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, mất hi vọng vào tương lai…

Khi bị trầm cảm, các bạn thường tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Thậm chí, rất nhiều bạn chỉ quan tâm tới thế giới “ảo” và sống trong thế giới này. Điều này khiến cho cuộc sống của các bạn trở nên nhàm chán, u ám, thiếu niềm tin…

+ Rối loạn hành vi

Ở tuổi dậy thì, những định hình về xã hội xung quanh chưa thể toàn diện như người trưởng thành. Các bạn có thể bị tác động chỉ từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu.

Khi mắc phải căn bệnh này, các bạn trẻ thường có hành vi xâm phạm sớm và rất khó thích ứng với xã hội. Một số trường hợp có thể thích ứng với các hoạt động xã hội nhưng vẫn có hành vi chống đối, phạm pháp. Việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp khắt khe từ bản thân người bệnh và những người xung quanh. Do đó, cách tốt nhất là chúng mình hãy phòng tránh ngay từ đầu nhé.

Những bệnh về sinh lý:

+ Thống kinh

Nguyên nhân gây thống kinh là do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu (trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát); do thiếu vi chất hoặc do các bệnh lý khác (gọi là thống kinh thứ phát).

Thống kinh không nguy hiểm, nhưng nó khiến các em thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin

+ Rong kinh, rong huyết

Sở dĩ có tình trạng này là do khi mới vào tuổi dậy thì, hoạt động của hệ nội tiết chưa ổn định, như estrogen tăng cao nhưng lại không có hiện tượng phóng noãn; progesteron không được tiết ra cân đối với estrogen. T

ất cả khiến cho nội mạc tử cung dày lên mãi nhưng mạch máu không tăng trưởng kịp, không đủ máu nuôi dưỡng, bị hoại tử, bong ra từng mảng nhỏ, gây chảy máu dài.

+ Thiếu máu nhược sắc

Theo thống kê, có khoảng 20%-25% thiếu nữ bị thiếu máu nhược sắc, hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở thiếu nữ vào khoảng 2,4 ml/ngày (gấp đôi bé trai).

Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Những em gái có vấn đề bất thường về kinh nguyệt như đã nêu trên thì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt càng nặng hơn nữa. Chứng thiếu máu nhược sắc còn do các bệnh đường ruột, do bị nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc (80%-100% lứa tuổi học sinh bị nhiễm giun).

Nguồn Phụ Nữ Today: http://www.phunutoday.vn/nhung-benh-thuong-gap-o-tuoi-day-thi-cua-be-gai-d155407.html