Những bệnh nguy hiểm, nhưng người dân lại lơ là

Gần đây, trên thế giới xuất hiện một số dịch bệnh mới nổi khá nguy hiểm như MERS-CoV, Ebola. Tuy chưa xâm nhập vào Việt Nam, song tâm lý của người dân là nơm nớp lo lắng và đề cao cảnh giác với những căn bệnh này. Trong khi đó, những bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm tại Việt Nam, dễ mắc và giết chết không biết bao nhiêu người như: Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản thì lại bị nhiều người lơ là, chủ quan.

Nhiều em bé bị di chứng thần kinh do viêm não Nhật Bản. Ảnh: M.P

TPHCM “đứng đầu bảng” về sốt xuất huyết

Mới đây, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 45.000 ca sốt xuất huyết, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 14 người đã tử vong. Số bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung. Đặc biệt, Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh, TPHCM “đứng đầu bảng” về bệnh sốt xuất huyết với hơn 10.000 ca mắc. Các tỉnh lân cận khu vực miền Đông Nam Bộ cũng thuộc “top” tỉnh thành có số ca mắc cao như Bình Dương, Đồng Nai. Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc và tử vong tương đương song khác biệt là năm nay dịch xuất hiện sớm hơn.

Bên cạnh sốt xuất huyết, các bệnh có nguồn truyền nhiễm xoay quanh con muỗi như viêm não Nhật Bản cũng luôn thường trực. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng số ca mắc từ tháng 6. Đặc biệt, trong đầu tháng 7, số ca mắc tăng rất nhanh. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7, TPHCM đã ghi nhận 456 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, số ca mắc trung bình ghi nhận trong 1 tuần ở tháng 6 là 346. TPHCM cũng ghi nhận rải rác số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại các quận huyện.

Với sự gia tăng dịch bệnh, nơi chịu áp lực nặng nề chính là các bệnh viện lớn tại TPHCM. Điển hình như tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, số liệu báo cáo của bệnh viện này cho thấy, tính từ đầu năm 2017 đến ngày 2.7, số ca truyền nhiễm nhập viện là 1.666 ca, trong đó, số bệnh nhân của các tỉnh khác là 733 ca, chiếm 44%. Tỷ lệ bệnh nhi từ các tỉnh đang tăng lên và bệnh viện phải chịu một áp lực rất lớn với lượng bệnh nhân chuyển về mỗi ngày. Nhiều giường bệnh tại khoa Sốt xuất huyết, Nhiễm – Thần kinh có đến 2-3 bệnh nhi nằm chung. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Bệnh viện được giao 1.400 giường nhưng thực kê là hơn 1.600 giường. Tuy đã kê thêm giường bệnh, song, số bệnh nhi nhập viện vượt quá số giường trên. Và bệnh viện rất khó từ chối những ca bệnh chuyển từ tỉnh khác lên.

Không chỉ gia tăng ở trẻ nhỏ, tình trạng gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết cũng xảy ra ở người lớn. Đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, anh Võ Thành Phương (19 tuổi, ở quận Tân Bình) phải điều trị theo phác đồ chống sốc. Bệnh nhân đã sốt 7 ngày và có biểu hiện tụt huyết áp, mạch nhẹ. Anh Phương cho biết: “Lúc có triệu chứng sốt mệt, nhức đầu, tôi nghĩ mình bị sốt siêu vi và đi truyền dịch. Truyền dịch mà không hết sốt cộng với tụt huyết áp nên tôi được đưa đi cấp cứu. Vô đây mới biết bị sốt xuất huyết”.

BS CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, thời điểm hiện tại có khá nhiều ca sốc sốt xuất huyết. Bệnh nhân thường là những ca đã sốt ở ngày thứ 4 và thứ 7 với những biểu hiện đau bụng, nôn ói, chảy máu. Với những ca này, bác sĩ phải theo dõi sát và nếu phát hiện diễn tiến nặng sẽ chuyển ngay xuống phòng Hồi sức tích cực. “Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm vì thường bị bỏ qua. Nhiều người thấy sốt cao nhưng quyết không đi khám bệnh mà tự ý mua thuốc uống, tự ý đi truyền dịch dẫn đến những biến chứng nặng, nguy hiểm”. Theo BS Nguyễn Thanh Phong: “Năm nay bệnh sốt xuất huyết khá lạ, mặc dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng lượng bệnh nhân đã tăng có lúc gấp đôi bình thường. Với tình hình vô mùa sớm và thời tiết thất thường như thế này thì diễn tiến bệnh có lẽ sẽ phức tạp”. Theo thống kê, tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, những tháng bình thường, trung bình có khoảng 40 bệnh nhân điều trị nội trú vì sốt xuất huyết.

Bệnh nhi nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: K.Q

Cho tiêm miễn phí nhưng phụ huynh vẫn từ chối

Bên cạnh sốt xuất huyết, một bệnh vô cùng nguy hiểm là viêm não Nhật Bản cũng bị người dân lơ là. Điều đáng nói, mặc dù hiện nay, vaccine viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ từ 12 tháng đến 3 tuổi. Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cũng thực hiện. Song, tại các bệnh viện của TPHCM vẫn luôn ghi nhận những bệnh nhân mắc căn bệnh này. Họ là những người chưa tiêm vaccine này. Trong số đó, không ít bệnh nhân phải chịu di chứng thần kinh nặng. Nhiều em bé phải sống đời sống thực vật.

Tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thời điểm này luôn ghi nhận khoảng 7-10 bệnh nhi điều trị tại đây. BS CKII Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đa phần các bé chưa được tiêm ngừa vaccine. Nhiều phụ huynh khi đề cập đến vaccine đã vô cùng ngạc nhiên vì họ thực sự không biết đã có vaccine ngừa bệnh. BS Khanh chia sẻ: “Tôi làm bác sĩ nhiễm gần 30 năm và vẫn thường nghe các câu hỏi khá “nhột” của bác sĩ nước ngoài như: “Viêm não ở mấy đứa nhỏ này do cái gì? Có vaccine rồi mà”… Ở các nước phát triển, bệnh viêm não Nhật Bản gần như được loại trừ nhờ vaccine.

Các bệnh nguy hiểm đều “xoay quanh con muỗi”

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, các bệnh truyền nhiễm hiện nay như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản đều có nguyên nhân truyền bệnh… xoay quanh con muỗi. Do vậy, những giải pháp khống chế bệnh phải tập trung vào vấn đề tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Việc phòng chống dịch không chỉ dựa vào riêng ngành y tế mà phải có sự chung tay và chủ động của người dân.

Bên cạnh đó, ở khối điều trị, đặc thù các bệnh viện lớn tại TPHCM là hơn 40% bệnh nhân từ các tỉnh đổ về. Đó cũng là lý do mầm bệnh từ 20 tỉnh thành phía Nam tập trung về. Do vậy, các bệnh viện phải làm sạch mầm bệnh, tránh lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, TPHCM phải tập huấn các tỉnh về điều trị an toàn và chuyển bệnh, hạn chế mầm bệnh về TP và nâng cao năng lực y tế tuyến dưới.

Th.S.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thì cho rằng để khống chế bệnh, bên cạnh việc phát hiện, xử lý các điểm nguy cơ cao bằng các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng thì cần hướng đến những biện pháp lâu dài như: nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết, tăng cường xử phạt hành vi làm lây truyền bệnh, nghiên cứu các biện pháp sinh học nhằm làm giảm sự sinh sản của loài muỗi vằn truyền bệnh...

Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện, cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc. Do đó, để xác định bệnh sốt xuất huyết, nhân viên y tế chú ý cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, lăng quăng, và phòng muỗi đốt. Để chủ động phòng bệnh, các gia đình cần chú ý đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng, thả cá vào nơi chứa nước để diệt lăng quăng, bọ gậy; thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên; thường xuyên thay nước bình hoa, đổ nước đọng ở khay nước tủ lạnh, đổ dầu hoặc muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạng; loại bỏ hoặc lật úp các vật phế thải (chai lọ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ); ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt ngay cả ban ngày. Người dân cũng cần phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng…

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi, di chứng thần kinh, tâm thần... Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm ngừa vaccine, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vaccine mũi 1 lúc một tuổi; mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Vũ Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suckhoe/nhung-benh-nguy-hiem-nhung-nguoi-dan-lai-lo-la-685786.bld