Những bê bối của hãng hàng không United Airlines

United Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhưng cũng… 'tệ' nhất nước Mỹ mới đây vừa thêm một scandal mới trong bộ sưu tập bê bối của mình khi 3 nhân viên an ninh 'hành hung' một khách hàng gốc Việt trên chuyến bay của hãng.

Ngày 9 và 10-4, các trang mạng xã hội lớn nhỏ, đặc biệt là ở các nước châu Á rộ lên những đoạn video được ghi lại và đăng tải bởi nhiều hành khách trên chuyến bay mang số hiệu 3411 của hãng United Airlines, xuất phát từ Chicago đến Louisville, Kentucky, Mỹ. Đoạn video ghi lại hình ảnh 3 nhân viên an ninh “nói chuyện” với một khách hàng gốc Á, sau đó dùng bạo lực ép ông này ra khỏi vị trí của mình, mặc cho người đàn ông bé nhỏ la hét và chống trả trong vô vọng.

Một nhân chứng kể, trong lúc bị lôi đi, mặt ông này va vào tay vịn ghế máy bay, khiến miệng ông chảy máu. 10 phút sau đó, người đàn ông chạy ngược lại với gương mặt vẫn chảy máu, quần áo xộc xệch, mắt kính suýt rơi ra, luôn miệng nói: "Họ sẽ giết tôi, tôi muốn về nhà". Các nhân viên an ninh tiếp tục xuất hiện và đưa ông ra khỏi máy bay lần thứ hai, nhưng trên một chiếc cáng. Nạn nhân sau đó được xác định là một bác sĩ gốc Việt có tên David Đào, 69 tuổi.

Vì đâu nên chuyện?

Sự việc bắt đầu khi các ghế trên chuyến bay đã được lấp đầy thì hãng thông báo cần chuyển gấp 4 nhân viên của hãng đến Louisville để phục vụ một chuyến bay khác và đề nghị 4 hành khách trên máy bay “nhường” chỗ. Hãng United Airlines đã đề nghị bồi thường và chọn “ngẫu nhiên” 4 người, gồm 2 cặp đôi. Một cặp đôi đồng ý nhưng cặp kia có người chồng kiên quyết không muốn chuyển chuyến do có lịch hẹn với bệnh nhân vào ngày hôm sau.

Theo CNN, tại Mỹ, nhiều hãng hàng không cho phép đặt thừa chỗ nhằm đảm bảo số hành khách tối đa trên mỗi chuyến bay, đề phòng trường hợp nếu có khách hủy vé thì vẫn có thể sắp xếp hành khách khác vào chỗ đã bị hủy.

Khi chuyến bay bị quá tải, quy định liên bang yêu cầu các hãng hàng không thực hiện hai bước: Thứ nhất, xác định xem có hành khách nào tự nguyện nhường chỗ hay không. Tiếp đó, trường hợp nếu không có hành khách nào muốn rời chỗ, các hãng hàng không được phép sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để buộc hành khách rời khỏi máy bay.

Do đó, tuy các hãng hàng không có quyền “yêu cầu” các thượng đế của mình chuyển chuyến bay, nhưng hành xử như trường hợp mới đây của United Airlines là hoàn toàn thiếu chuyên nghiệp nếu không muốn nói là thô bạo.

Việc yêu cầu hành khách chuyển chuyến khác nên được tiến hành sớm, trước lúc hành khách lên máy bay chứ không phải khi họ đã yên vị tại chiếc ghế mà mình đã bỏ tiền và công sức để đặt mua.Trong khi hàng không được coi là một trong những loại hình vận tải “không rẻ”, hành khách đáng được sử dụng những dịch vụ có chất lượng tương đương, phong cách phục vụ và ứng xử thân thiện đến từ nhân viên hãng thì đều này hoàn toàn ngược lại trong trường hợp hành khách gốc Việt bị “ngược đãi” bởi nhân viên an ninh của hãng United Airlines.

Một trong những hãng hàng không “tệ” nhất nước Mỹ

Sau khi video đầu tiên về vụ việc “thô bạo” với khách hàng được lan truyền trên mạng và gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng xã hội, đặc biệt là ở các nước châu Á, Giám đốc điều hành của United Airlines, Oscar Munoz đã lên tiếng xin lỗi nạn nhân, nhưng “quên” không nói đích danh ông này. “Tôi rất tiếc về sự việc xảy ra. Tôi xin lỗi sâu sắc đối với khách hàng, người đã bị ép buộc rời khỏi ghế ngồi và đến toàn thể những hành khách trên máy bay. Không ai đáng bị ngược đãi như vậy”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông này vẫn đang “bao biện” cho những hành vi của nhân viên với những lời xin lỗi quá “sáo rỗng”. Đến nay, trên mạng đã có một “lá đơn trực tuyến” kêu gọi ông Munoz từ chức với hơn 22.000 chữ ký. Thậm chí trên mạng xã hội của Trung Quốc, sự vụ này đã thu hút sự chú ý của hơn 480 triệu người dùng Weibo bởi nhiều người cho rằng, cách hành xử của nhân viên với ông David Đào bắt nguồn từ lệnh cấm nhập cư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới ký hồi tháng trước.

Vừa dính scandal "bạo hành" khách hàng trên máy bay, United Airlines ngay lập tức hứng chịu gạch đá từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các nước châu Á. Tuy nhiên, hành động "thô bạo" này của hãng có vẻ như chẳng bất ngờ gì khi United Airlines luôn góp mặt trong danh sách những hãng hàng không tệ nhất của Mỹ và thế giới.

Không chỉ có Travel and Leisure "thân ái" xếp United Airlines vào top những hãng hàng không tệ nhất thế giới trong hai năm 2015 và 2016 với vị trí cao, Fox News từng xếp hạng hãng này trong danh sách các hãng hàng không có dịch vụ kém nhất thế giới, dựa vào nhiều tiêu chí như cách đối xử của nhân viên mặt đất, nhân viên hàng không, và đặc biệt là dịch vụ liên lạc qua điện thoại hoặc email.

David Đào không phải “đầu tiên” và “duy nhất”

David Đào, 69 tuổi, đã bị gãy mũi, chấn thương xoang, chấn động não đáng kể và mất hai răng cửa sau khi các nhân viên hàng không Chicago kéo ông ra khỏi máy bay. David Đào đã bắt đầu thủ tục pháp lý chống lại hãng hàng không United Airlines.Tuy nhiên, ông Đào không phải là người đầu tiên bị United Airlines đối xử tệ.

Một cụ bà có tên Paz Orquiza, 94 tuổi, mua vé hạng thương gia trên chuyến bay của United Airlines từ Los Angeles về Melbourne, Australia sau chuyến thăm người thân tại Mỹ. Thế nhưng, cụ bà này lại bị hãng “đổi” chỗ sang ghế thường vì lý do không ai “chăm sóc” cho cụ.

Bà Paz bị mắc một số bệnh tuổi già, bao gồm viêm khớp nghiêm trọng, vì vậy, gia đình đã cố gắng mua cho bà tấm vé hạng thương gia để chuyến đi kéo dài 16 tiếng của cụ được phục vụ chu đáo và thoải mái. Người thân của cụ bà cho biết, phi hành đoàn thậm chí còn không cho phép chị Rose, con gái của cụ bà đi theo trên cùng chuyến bay với ghế phổ thông, được chăm sóc mẹ mình với những hành động rất nhỏ như hạ lưng ghế hay mở hộp đồ ăn, trừ khi chịu chi tiền để được ngồi cùng khoang.

Tồi tệ hơn, chẳng một nhân viên nào của hãng chịu “đưa tay” giúp đỡ cụ già ốm yếu với lý do trong trường hợp này, chẳng còn cách nào khác là chuyển bà cụ từ khoang thương gia xuống khoang phổ thông để con gái cụ tự chăm sóc cụ, mặc dù giá vé của cụ đáng được hưởng sự thoải mái và dịch vụ cao cấp hơn. Sau khi gia đình có ý kiến, hãng này cũng chỉ bồi thường 400 bảng nhưng dưới dạng “phiếu quà tặng” và hoàn tiền 690 bảng, một cách ứng xử không làm hài lòng gia đình cụ bà.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhung-be-boi-cua-hang-hang-khong-united-airlines-436898/