Những bất cập trong kỳ thi năm 2017: Kém nhất là khâu ra đề thi?

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM, sau 3 năm tổ chức kỳ thi 3 chung, năm nay, khâu ra đề là khâu có nhiều bất cập yếu kém nhất.

Khâu ra đề là khâu có nhiều bất cập yếu kém nhất

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, sau 3 năm tổ chức kỳ thi 3 chung, năm nay, khâu ra đề là khâu có nhiều bất cập yếu kém nhất. Việc những thí sinh được 29, 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 nguyên nhân chủ yếu là do đề thi chưa có sự phân hóa hợp lý. Nhìn vào phổ điểm thi của thí sinh và điểm chuẩn của các trường, có thể thấy đề thi năm nay chỉ phân hóa tốt ở mức điểm từ 15 - 25 điểm. Nhưng sau mức 25 điểm, tức là thí sinh đạt từ 8 - 10 điểm mỗi môn thi, thì đề thi lại không thể hiện được khả năng phân hóa của mình. Dẫn đến tình trạng hàng nghìn điểm 10 và các trường top trên rất khó đưa ra mức điểm chuẩn trúng tuyển.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Việc các thí sinh chỉ chênh nhau từ 0,12 điểm cũng có thể từ đậu thành rớt và các trường phải đẩy điểm chuẩn lên mức trên cả tuyệt đối đồng thời xét thêm nhiều tiêu chí phụ khắt khe đã khiến nhiều thí sinh dù đạt điểm cao nhưng vẫn không thể đỗ vào trường mình mơ ước. Đây là thiệt thòi lớn và gây bức xúc trong kỳ thi năm nay.

Kỳ thi có thực sự thành công như kết luận của Bộ GD&ĐT?

Theo ông Nghĩa, nếu không có việc những thí sinh được điểm cao trượt nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội, các trường y dược, thì kỳ thi năm nay có thể nói là tạm ổn. Nhưng Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ những bất cập còn tồn đọng, như:

- Bộ cần phân tích kỹ hơn những số liệu của kỳ thi năm nay. Đơn cử như năm nay có đến 300.012 thí sinh thay đổi nguyện vọng so với đăng ký ban đầu, đạt 70%. Như vậy, có nhất thiết phải cho các em đăng ký nguyện vọng trước khi biết điểm thi hay không? Hiện vẫn còn nhiều thí sinh đang thắc mắc tiền đăng ký xét tuyển trước đây có được hoàn lại hay không, gây ra một sự bức xúc không hề nhỏ trong công chúng.

- Bộ cần cân đối lại mức điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Đơn cử như đại học Y Hà Nội có đến 95% thí sinh trúng tuyển được cộng điểm ưu tiên, những thí sinh ở khu vực 3 chỉ chiếm 5% số thí sinh trúng tuyển. Nếu kỳ thi vẫn tiếp diễn như vậy trong các năm sau thì học sinh thành phố sẽ càng ít cơ hội đỗ vào những trường top trên.

Trao đổi với phóng viên về việc có nên tiếp tục xét 2 mục đích tốt nghiệp và đại học trong cùng một kỳ thi hay không, ông Nghĩa cho biết: "Kỳ thi THPT quốc gia có hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mục tiêu xét tốt nghiệp dễ dàng đạt được với tỷ lệ rất cao, vì ngoài điểm thi còn dựa vào kết quả học tập ở lớp 12. Vậy, chỉ còn mục đích thứ hai là xét tuyển vào cao đẳng, đại học lại chưa được trọn vẹn".

P.V (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/y-te-giao-duc/nhung-bat-cap-trong-ky-thi-nam-2017-kem-nhat-la-khau-ra-de-thi