Những băn khoăn đằng sau 40 dự án thủy điện ở Quảng Nam

Vừa qua, vấn đề thủy điện (TĐ) xả nước gây 'lũ chồng lũ' là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Với Quảng Nam, một trong những địa phương có nhiều TĐ nhất cả nước cũng tác động nhiều điều. Để giải bài toán TĐ cũng rất khó, vì vừa có lợi ích lẫn tác hại. Vấn đề đặt ra là việc cân bằng, hài hòa lợi ích đó như thế nào, để mang lại lợi ích nhất?

Thủy điện xả lũ là một trong những nguyên nhân khiến người dân miền Trung chịu cảnh “lũ chồng lũ” vừa qua. Ảnh: T.G

Thủy điện xả lũ là một trong những nguyên nhân khiến người dân miền Trung chịu cảnh “lũ chồng lũ” vừa qua. Ảnh: T.G

Tỉnh có hơn 40 dự án thủy điện

Theo quy hoạch TĐ tỉnh Quảng Nam, có trên 40 dự án (DA) đã được phê duyệt, với tổng công suất trên 1.583,36MW; điện lượng bình quân trên 6,254 tỷ kWh/năm. Có 10 DA TĐ thuộc bậc thang hệ thống Vu Gia- Thu Bồn (thủy điện lớn). Ngoài ra, có 36 DA vừa và nhỏ góp phần điện năng không nhỏ. 10 DA đã tham gia ý kiến thiết kế cơ sở (công suất theo DA đầu tư 118,9MW); 9 DA nghiên cứu lập DA đầu tư… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt được quy trình vận hành đối với trên 20 hồ chứa TĐ.

Nói về việc tác động TĐ, một cán bộ kinh nghiệm trong phòng quản lý điện năng của sở Công thương Quảng Nam cho biết: “Với TĐ, chắc chắn là có tác động hai mặt”. Theo ông này lí giải, mặt tích cực bổ sung nguồn năng lượng lưới điện quốc gia; điều tiết nước, cấp nước cho vùng hạ du; hiện nay một số TĐ đang đầu tư công nghệ CDEM (khí phát tải giảm hiệu ứng nhà kính); ngoài ra, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền núi…

Trái lại, trong mùa mưa lũ thì ảnh hưởng mực nước (lũ lụt) cho vùng hạ du nếu TĐ không thực hiện việc xả lũ theo đúng quy định; ảnh hưởng không nhỏ đến tái định cư (phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, văn hóa, đất sản xuất…). Bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng, tác động đến tâm lí, dân sinh (như TĐ Sông Tranh 2)…

Hiện với tỉnh Quảng Nam, việc quy hoạch trên 40 TĐ lớn, vừa và nhỏ cơ bản phù hợp với nguồn thủy năng; vấn đề là quản lí, khai thác như thế nào cho hiệu quả, tránh xây dựng TĐ kiểu ồ ạt, khó kiểm soát. Bởi thế, tỉnh Quảng Nam đã giản đầu tư TĐ để tránh ảnh hưởng dòng chảy cũng là cách phân kỳ hợp lí.

Cần rà soát lại các dự án thủy điện

GS.TS Nguyễn Thế Hùng.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về thủy điện, thủy lợi lâu năm tại Việt Nam cho rằng: TĐ bên cạnh mặt tích cực như có điện, điều hòa dòng chảy, tưới tiêu hoa màu, đồng ruộng… thì cũng có tiêu cực. Ngoài việc ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh thì thủy dịch, phù sa lắng đọng dưới lòng hồ, khi mùa lũ về, nước chảy qua tràn, giảm lượng phù sa lớn, ảnh hưởng đến việc sản xuất ở hạ du.

Làm TĐ khiến có vùng tăng lũ, có vùng lại giảm lũ lụt nên không có phù sa. Còn chỗ khô hạn thì không có nước để tiêu diệt các loại côn trùng, phá hoại cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, TĐ chặn dòng đã ngăn hệ sinh thái tự nhiên; những vùng có nguy cơ động đất thì có khả năng tăng nhiều hơn; có nguy cơ vỡ đập…

Đối với quy hoạch TĐ Quảng Nam, cần rà soát lại cái nào còn chưa thực sự hợp lí, không có lợi nhiều thì nên chăng giảm bớt. Hiện nay, ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, TĐ loại lớn thì hầu như không còn, chỉ quy hoạch TĐ vừa và nhỏ. Đây cũng là xu hướng phát triển trên thế giới, vừa hợp lý, dễ thực hiện và khi có sự cố cũng dễ bề xử lý, khắc phục.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng quan ngại, hiện nay có tình trạng tính toán khống số liệu (ví dụ như công suất, lượng thủy văn…) để được dễ phê duyệt, dự án khả thi. Bởi vậy, trước khi ký duyệt, cơ quan chức năng phải có đoàn độc lập giám sát về địa hình, thủy văn, số liệu, tình hình thực tế nếu thấy có lợi ích thì mới thực hiện…

Thế mới thấy vai trò của người khảo sát thiết kế hết sức quan trọng, đặc biệt trong TĐ, thủy lợi vì liên quan đến tính mạng của đông đảo người dân (nếu xảy ra sự cố).

“TĐ được xem là loại năng lượng trắng không gây ô nhiễm nhiều nhưng cần phải quy hoạch hợp lý, đảm bảo tính lợi ích hài hòa. Hiện nay, trên thế giới, đang có xu hướng sự dụng năng lượng sạch tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều… Việt Nam chúng ta cũng cần có tầm nhìn để phát triển nguồn năng lượng sạch, nhưng cũng đảm bảo lợi ích quốc gia, nhân dân”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận.

“Ở Việt Nam, điện không thiếu, nhưng khâu tiết kiệm điện của chúng ta còn nhiều vấn đề. Người dân chưa ý thức việc tiết kiệm điện có vai trò lớn đến mức nào. Nên chăng, việc phát động tiết kiệm điện cần phải thực hiện rốt ráo, sâu rộng hơn nữa”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Đức Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-ban-khoan-dang-sau-40-du-an-thuy-dien-o-quang-nam-20161121093457587.htm