Những bãi rác ủ bệnh, bốc mùi trên thế giới

Gần 40% lượng chất thải trên thế giới được tập kết tại các bãi rác khổng lồ, chủ yếu ở các nước nghèo, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe người dân.

Mbeubeuss là một trong những bãi rác lớn nhất trên thế giới ở thành phố Dakar, Senegal. Bãi rác này đã tồn tại 45 năm, là một nơi hôi thối và ô nhiễm, luôn ngập chìm trong làn khói mù mịt dày đặc từ hoạt động đốt rác của người dân trong thành phố, những người sống bằng nghề phân loại, đốt và tái chế rác. Ảnh: Cctv-africa

Mbeubeuss phản ánh sự tăng trưởng trong tiêu thụ tại đất nước Senegal, sự mở rộng và thay đổi của thủ đô Dakar. Khi các quốc gia Tây Phi đã trở nên giàu có và việc buôn bán chất thải phổ biến khắp thế giới, rác thải đổ về và xuất khẩu ở Mbeubeuss cũng thay đổi. Trước kia, nơi đây đa phần chứa rác thải sinh hoạt và nông nghiệp thì giờ đây, mỗi ngày bãi Mbeubeuss phải tiếp nhận 475.000 tấn rác thải mỗi năm từ các thiết bị điện tử và các chất thải hóa học như tủ lạnh cũ hay máy tính, nhựa và sơn... Ở khu vực này, người ta vẫn xây dựng các trường học, trung tâm y tế, thậm chí là các thánh địa tôn giáo. Ảnh: Guardian

Một công nhân Ấn Độ tìm kiếm đồ bằng nhựa trong bãi rác ngoại ô thành phố Mumbai. Hiện nay, hàng chục bãi rác lớn nhất trên thế giới có xu hướng mở rộng quy mô, ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 60 triệu người và làm ô nhiễm nhiều sông, hồ, đại dương. Đây không chỉ là vấn đề mang tính chất địa phương mà còn là thách thức với cộng đồng quốc tế vì các bãi rác này tập trung chủ yếu ở các nước nghèo, nơi thiếu những nguồn lực tài chính và nhân lực quản lý. Ảnh: Getty 

Xe tải xả rác ở Brasilia, Brazil. Những bãi rác khổng lồ trên thế giới đều có chung một vấn đề. Rác thải phân tán rộng rãi, không được che phủ hoặc chôn chặt và dễ dàng bị đốt cháy. Chúng tiếp xúc trực tiếp với mọi điều kiện thời tiết và không được kiểm soát bằng các hệ thống xử lý kịp thời. Ảnh: Guardian

Bãi chôn rác thải ở Bantar Gebang, Indonesia. Một nửa dân số thế giới không được tiếp cận với các phương pháp thu gom và xử lý rác thải một cách an toàn. Ảnh: Getty

Người dân ăn uống ngay cạnh rác thải ở bãi Duquesa, thuộc Santo Domingo, Cộng hòa Dominica. Vấn đề từ những bãi rác lớn trên thế giới không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư lân cận mà còn đến những người làm công việc liên quan đến rác thải. Họ thường đến những địa điểm này để tìm rác có khả năng tái chế mà không được trang bị các vật dụng bảo hộ cần thiết, thậm chí còn sống tại những bãi rác hoặc nhặt nhạnh thức ăn thừa ở đây. Ảnh: Guardian

50 bãi rác thải lớn nhất thế giới phân bố chủ yếu ở các thành phố có tốc độ phát triển nhanh thuộc các nước nghèo hoặc các quốc gia có thu nhập thấp. 18 bãi rác nằm ở châu Phi, 17 ở châu Á, 2 ở châu Âu, 8 ở Nam Mỹ và số còn lại ở Trung Mỹ. Các chuyên gia cho rằng những bãi rác khổng lồ này giống như bom nổ chậm. Những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất phát sinh từ rác thải là các bệnh liên quan đến ruột, dạ dày, da, đường hô hấp, hệ thống di truyền và các bệnh truyền nhiễm khác. Ảnh: Guardian

Hình ảnh từ bãi rác Trutier, Port-au-prince, Haiti. Người dân sống xung quanh các bãi rác thường bị tiêu chảy, đau đầu, đau ngực, kích ứng da, mũi và mắt, thương hàn hay viêm loét dạ dày. Và những người làm việc trong các bãi rác là đối tượng dễ mắc những bệnh này hơn cả. Ảnh: Guardian

Rác thải ngổn ngang ở bãi rác Olusosun ở Nigeria. Costas Velis, giảng viên của Đại học Leeds của Anh, cho biết các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các nước tài trợ cho việc xử lý rác thải cần phải được cảnh báo về vấn đề của các bãi rác không được chôn lấp. Chúng tiềm tàng rất nhiều mối nguy hại như khả năng thải ra một lượng đáng kể loại khí nhà kính hay khiến người dân ở các khu vực xung quanh hít phải khói nhựa cháy, chịu đựng sự ô nhiễm tầng nước ngầm. Ảnh: Guardian

Một bãi rác thuộc ngoại ô thành phố Tegucigalpa, Honduras. Theo các học giả, mục tiêu cuối cùng là chôn lấp tất cả các bãi rác khổng lồ, mặc dù để thực hiện được điều này còn phải phụ thuộc vào cơ sở kỹ thuật và nguồn tài chính. Trước mắt, với những địa điểm thiếu các nguồn lực thực hiện việc chôn lấp trong thời gian ngắn, cần áp dụng các biện pháp quản lý xả thải tạm thời. Ảnh: Guardian

Mai Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-bai-rac-u-benh-boc-mui-tren-the-gioi-post676347.html