Những bài học thuộc lòng một thuở

Dân miền Nam, ở lứa tuổi xấp xỉ hàng sáu như chúng tôi, cứ mỗi lần bạn bè tụ họp trà dư tửu hậu thì thường trao đổi với nhau về đủ thứ chuyện trên đời. Nếu có ôn lại quãng đời đi học xa xưa, thì lại thường hay nhắc đến thầy, bạn cũ…, với những kỷ niệm khó quên của tuổi học trò. Chúng tôi còn nhắc lại đến cả những bài tập đọc, học thuộc lòng đã được học cách nay chừng bốn, năm mươi năm về trước...

Thậm chí, có người còn thuộc hết cả một bài học thuộc lòng dài, đọc ron rót từ đầu đến cuối, như bài “Tình nhân loại”, được học vào khoảng những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước:

Tình nhân loại

Sau một trận giao tranh ác liệt,
Giữa sa trường xác chết ngổn ngang.
Có hai chiến sĩ bị thương,
Hai người hai nước hiện đương nghịch thù.
Họ đau đớn khừ khừ rên siết,
Vận sức tàn cố lết gần nhau.
Phều phào gắng nói vài câu,
Lời tuy không hiểu, hiểu nhau nỗi lòng:
Họ hai kẻ không cùng Tổ quốc,
Nhưng đã cùng vì nước hy sinh.
Cả hai ôm ấp mối tình,
Yêu thương đất nước, gia đình, quê hương.
Đêm dần xuống, chiến trường sương phủ,
Một thương binh hơi thở yếu dần.
Trước khi nhắm mắt từ trần,
Xót thương người bạn tấm thân lạnh lùng.
Anh cởi áo đắp trùm lên bạn,
Rồi tắt hơi! thê thảm làm sao!
Cho hay khác nghĩa đồng bào,
Nhưng tình nhân loại còn cao hơn nhiều!

Đặng Duy Chiểu
(Quốc văn mới)

Nghe xong bài này ai cũng kính nể trí nhớ tốt của người bạn, và đều tấm tắc khen hay. Tuy nhiên, hỏi tác giả của những bài học thuộc lòng cảm động và lý thú như trên thì không ai còn nhớ, chỉ biết lờ mờ nó nằm đâu đó trong những sách Quốc văn mà mình đã từng học qua hồi tiểu học.

Qua câu chuyện trà dư tửu hậu, tôi sực nghĩ những bài học thuộc lòng như thế, nằm rải rác trong các sách Quốc văn tiểu học giai đoạn 60-70 của thế kỷ trước, thuộc thế hệ tiếp sau Quốc văn giáo khoa thư của nhóm Trần Trọng Kim-Đỗ Thận... biên soạn (dạy trong những năm 40-50 mà gần đây Nxb Trẻ và vài nhà xuất bản khác có in lại), dường như là một kho tàng quý báu đang bị bỏ quên, chứ không đơn giản như người ta thường có thể tưởng. Nếu nay thu thập lại, chắc sẽ tìm thấy trong đó nhiều điều vẫn còn hứng thú và bổ ích, nhất là về phương pháp sư phạm, gắn với việc đào tạo con người toàn diện cả về đức lẫn tài.

Nghĩ vậy rồi, tôi nhắn nhe tìm tòi khắp nơi, gọi điện cho những bạn cùng trang lứa hoặc già hơn mà có quan tâm chuyện sách vở, để tìm lại cho được những cuốn Quốc văn tiểu học của một thời, nhưng kết quả gần như là một sự thất vọng. Thử tra tìm trên thư mục (phần lớn đã được số hóa đưa lên mạng internet) của một số thư viện lớn (như Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, Thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Thư viện Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh...), cũng không thấy. Cuối cùng, nhờ kiên nhẫn lục tìm lai rai trong các hiệu sách cũ ở Sài Gòn, trong tay tôi hiện chỉ vỏn vẹn có được chừng 10 quyển lớn nhỏ đủ cỡ, từ lớp Năm (tương đương lớp 1 bây giờ) đến lớp Nhất (tức lớp 5), của một số soạn giả quen thuộc như Hà Mai Anh, Nguyễn Hữu Bảng, Bùi Văn Bảo, Đặng Duy Chiểu, Thềm Văn Đắt, Cao Văn Thái..., nhưng hầu hết đều đã rách bìa, mất từ vài trang đến vài chục trang ở đầu hoặc ở cuối sách. Chỉ còn được 3 quyển nguyên vẹn nhưng chưa được vừa ý lắm, vì lẻ mẻ không đủ bộ. May sao, trong Thư viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh (tiền thân là thư viện của Viện Khảo cổ Sài Gòn) hiện vẫn còn lưu trữ tương đối đủ bộ Tiểu học nguyệt san (từ năm 1957 đến năm 1963) do Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn chủ biên để cung cấp tài liệu giảng dạy cho giáo viên bậc tiểu học, mà trong đó có sưu tập và chép lại khá đầy đủ những bài tập đọc, học thuộc lòng..., tương tự như những bài đã có trong các sách Quốc văn tiểu học của thời đó.

Như chúng ta đều biết, sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc, qua 2 lần cải cách giáo dục vào các năm 1950 và 1956, đã xây dựng một nền giáo dục kết hợp chuyên môn với chính trị (vừa hồng vừa chuyên), lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng, định hướng giáo dục vào hai mục tiêu: chuẩn bị tiến lên CNXH và xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh chi viện cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong khi đó, miền Nam, trong giai đoạn 1955-1963, chỉ thực hiện cải cách giáo dục theo hướng cải lương chủ nghĩa, bằng cách kế thừa và phát huy những truyền thống, lề lối và nội dung đã có trong chương trình giáo dục Việt Nam cũ ban hành năm 1945 mà ta quen gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (vì do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn chủ trì biên soạn).

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) nhóm họp tại Sài Gòn, đã định hướng triết lý giáo dục dựa trên ba nguyên tắc căn bản: nhân bản, dân tộc và khai phóng. Ba nguyên tắc này đã trở thành nền tảng cho triết lý giáo dục, được ghi cụ thể trong tập tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp 1967. Chương trình môn Quốc văn cấp tiểu học vì thế có thể nói vẫn lấy những nội dung giáo dục thiên về đạo đức chứa đựng trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư của nhóm Trần Trọng Kim biên soạn làm cơ sở rồi cải cách, thêm bớt một số nội dung mới cho phù hợp với hoàn cảnh và thời đại lúc đó.

Tinh thần chung của nền học vấn miền Nam lúc bấy giờ là phải học lễ trước rồi mới học văn sau, tức coi việc rèn luyện đức-trí là quan trọng như nhau, nhưng đức phải đi trước một bước, nên trường học nào vào thời đó cũng có câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo ở những vị trí quan trọng dễ thấy nhất và trong mỗi phòng học. Tinh thần trọng lễ nhờ thế không chỉ bàng bạc, quán xuyến trong tâm tưởng, đầu óc của mọi giáo chức từ tiểu học đến đại học, mà còn lan tỏa rộng khắp vào trong mọi giai tầng xã hội, tạo thành một phong khí học tập-ứng xử chú trọng rèn luyện cả đức lẫn tài để chuẩn bị điều kiện đầy đủ cho thế hệ tương lai trở thành những con người hữu dụng đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Cho nên có thể nói, nội dung đạo đức hàm chứa trong các sách Quốc văn tiểu học thời kỳ này ở miền Nam là vẫn duy trì nhưng có phát huy thêm và cải biên từ những bộ sách giáo khoa cũ thế hệ 1940, khá đúng với tinh thần đã được ghi trong câu nói của Khổng Tử mà cụ Trần Trọng Kim đã trích dẫn để in lên đầu quyển Sơ học luân lý (1914, có tài liệu nói 1919), vốn là cơ sở chỉ đạo tư tưởng của nền giáo dục cũ và sách giáo khoa môn Văn thời trước: “Người học trò ở trong nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường kẻ bề trên, làm việc gì thì cẩn thận, nói điều gì thì tín, rộng lòng thương người mà lại thân với kẻ có nhân. Hễ làm được những điều ấy rồi, mà còn thừa sức thì hãy học văn chương xảo kỹ” [Luận ngữ, thiên “Học nhi” đệ nhất], (xem Sơ học luân lý, Nxb Tân Việt, in lần thứ 2, 1950).

***

Về sách giáo khoa Quốc văn tiểu học, để phục vụ cho những mục tiêu như trên, thông thường các giáo chức lớp trước ở miền Nam khi biên soạn thì soạn luôn nguyên cả bộ từ lớp Năm (lớp 1) đến lớp Nhất (lớp 5), và ở trang bìa giả sách thường có đề câu “Soạn theo chương trình hiện hành của Bộ Quốc gia Giáo dục”, hoặc thậm chí còn nêu rõ hơn: “Soạn đúng chương trình tiểu học đã sửa đổi do Nghị định số... ngày... của Bộ Quốc gia Giáo dục”. Sách của họ thường mang những tên khác nhau như Việt văn toàn thư, Quốc văn toàn thư, Quốc văn toàn tập, Tiểu học quốc văn, Quốc văn mới, Quốc văn bộ mới, Quốc văn độc bản, Việt văn khóa bản, Việt văn tân khóa bản, Tân Việt văn, Việt ngữ, Việt ngữ độc bản, Việt ngữ bộ mới... Chuyên xuất bản loại sách này, được biết có một số nhà xuất bản (hoặc nhà in) nổi tiếng như Nam Hưng ấn quán, Sống Mới, Nam Sơn, Việt Hương, Cành Hồng...

Thời đó, khi trích giảng các bài thơ để làm bài học thuộc lòng, các nhà biên soạn sách tiểu học dường như không mấy chú trọng việc ghi tên tác giả, nên họ thường chỉ ghi sơ sài tên người sáng tác, một đôi khi mới ghi thêm xuất xứ cho biết trích dẫn từ sách báo nào. Một số trường hợp chỉ ghi tượng trưng X., XXX., H.H., không rõ bút hiệu hoặc tên thật là gì. Cũng không phân biệt tác giả những bài thơ là người đang sống và phục vụ trong chế độ nào, mà hễ thấy hay, bổ ích là chọn.

Theo chỗ chúng tôi được biết, ngoài những bài trích dẫn tác phẩm của một số nhà văn-nhà thơ cổ điển hoặc hiện đại đã nổi tiếng (như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương, Kiên Giang, Tế Hanh, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân...), một số soạn giả sách giáo khoa đã tự mình sáng tác luôn những bài thơ theo chủ đề giảng dạy để làm bài học thuộc lòng, như trường hợp nhà giáo Bùi Văn Bảo với bút hiệu Bảo Vân thường thấy xuất hiện trong những sách giáo khoa Việt văn tiểu học do ông biên soạn. Một vài tác giả khác, như Kình Dương, Chiêu Đăng, Như Tuyết, Thy Thy, Đề Quyên... dường như cũng gốc thầy cô giáo, chuyên sáng tác thơ cho bài học thuộc lòng. Phần còn lại là thơ của một số người làm thơ nghiệp dư, có bài đăng rải rác đâu đó trên một số báo, tạp chí đương thời, được các nhà biên soạn sách giáo khoa chọn đưa vào sách của mình.

Chỉ cần tôn trọng chương trình và lời hướng dẫn do Bộ Giáo dục vạch ra một cách tổng quát, các tác giả sách giáo khoa được tự do chọn bài để đưa vào sách, và giáo viên đứng lớp cũng có quyền chọn quyển sách giáo khoa nào mình ưa thích để giảng dạy. Nhờ vậy, nội dung sách giáo khoa phong phú, tuy vẫn có những nét chung nhưng mỗi người một vẻ, và trong điều kiện được tự do như thế, các giáo chức soạn sách cũng cố thi đua cạnh tranh nhau một cách tự giác để soạn ra những sách giáo khoa được nhiều người vừa ý, chấp nhận. Phần thưởng xứng đáng của họ là sách được nhiều người tin dùng, chứ không phải những mảnh bằng khen của nhà nước.

Bộ Giáo dục chỉ khuyến cáo các giáo viên bằng lời chỉ dẫn chung, như về Việt ngữ thì có nêu rõ: “Trong lúc dạy Việt ngữ, giáo chức nên nhớ rằng chương trình ấy không phải đứng tách hẳn chương trình của các môn học khác như đức dục, công dân giáo dục, sử ký, địa lý v.v... mà phải cố tìm cách cho chương trình các môn học ấy và khoa Việt ngữ có liên lạc với nhau (...). Đặc biệt chú ý về Việt ngữ: nên nhẹ về phần tầm chương trích cú, nghệ thuật vị nghệ thuật, và phải chú ý đề cao vấn đề nghệ thuật vị nhân sinh (phục vụ cho đạo đức con người, cho hạnh phúc gia đình, cho an ninh xã hội, cho độc lập, tự do)”.
Chương trình Việt ngữ tiểu học thời đó, thông thường gồm các phân môn sau:

- Ngữ vựng;

- Tập đọc và Học thuộc lòng;

- Chính tả, Văn phạm (chỉ dạy ở lớp Nhì và lớp Nhất, tức lớp 4 và lớp 5), Tập viết;

- Tập làm văn (chỉ không dạy ở lớp Năm tức lớp 1).

Môn Quốc văn rất được coi trọng, chẳng hạn lớp Năm (đến năm 1967 đổi gọi là lớp 1, tương đương với lớp 1 bây giờ), mỗi tuần học 25 giờ, trong đó đã có tới 9 giờ rưỡi dành cho môn này. Riêng về phân môn Học thuộc lòng, mỗi tuần học sinh từ lớp Năm (lớp 1) đến lớp Nhất (lớp 5) đều có bài học.

Chủ đề (hay chủ điểm) các bài Học thuộc lòng luôn đi theo chủ đề của các bài Tập đọc. Về tiêu chuẩn lựa chọn thì tuy có sự khác nhau chút ít tùy soạn giả hoặc tùy cấp lớp nhưng đều có thể hiểu đại khái: “Về bài Tập đọc và Học thuộc lòng, bài soạn nào cũng đi sát với chương trình cùng trình độ của học sinh theo những chủ điểm có liên quan tới nhiều môn khác” (Thềm Văn Đắt-Huỳnh Hữu Thanh, Việt ngữ bộ mới lớp Nhứt, “Lời nói đầu”, Nxb Nam Sơn, in lần thứ 6). Hoặc: “Về học thuộc lòng, chúng tôi chú trọng lựa chọn những bài văn vần có tính cách kích thích lòng yêu nước và tinh thần tranh đấu của nhân dân” (Đặng Duy Chiểu và một nhóm giáo viên, Quốc văn toàn thư lớp Nhì, “Lời nói đầu”, Nxb Sống Mới, 1959). Có soạn giả còn nêu rõ hơn: “Về văn vần dùng làm các bài Học thuộc lòng, chúng tôi đã hợp tác cùng một số thi sĩ để soạn riêng những vần thơ trong sáng, dễ hiểu, giàu nhạc điệu cho thích hợp với các em hơn” (Bùi Văn Bảo, Tân Việt văn lớp Năm (lớp Nhứt cũ), “Lời nói đầu”, Nxb Sống Mới, 1971)...

Khảo sát một số sách giáo khoa cũ còn tìm được, cũng như bộ Tiểu học nguyệt san do Bộ Giáo dục thời đó ấn hành, chúng ta thấy về hình thức, hầu hết chúng đều là những bài thơ lục bát, song thất lục bát hoặc thơ mới (với mỗi câu 8 chữ, 7 chữ, hoặc số chữ trong các câu không đều nhau), ít khi có thơ luật (với niêm luật chặt chẽ kiểu Đường luật), trừ một vài bài trích dẫn từ thơ cổ của người xưa như của Tản Đà, Nguyễn Khuyến...

Dân tộc Việt Nam sính thơ, có truyền thống về khối ca dao khổng lồ và thơ lục bát, nên ngay cả trong lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục cũng có thói quen sử dụng văn vần. Nhờ có vần điệu dễ nhớ dễ thuộc, những bài thơ như thế không chỉ được dùng để kêu gọi, thức tỉnh đồng bào về một việc gì đó mà còn thường được áp dụng trong những bài học về đạo đức, hoặc để phổ biến kiến văn đủ loại. Nếu đem so sánh những bài thơ học thuộc lòng trong các sách Quốc văn tiểu học giai đoạn 1954-1975 với Nhị thập tứ hiếu, Gia huấn ca, Đại Nam quốc sử diễn ca (giữa thế kỷ 19), với những bài thơ răn dạy đạo đức in trong bộ Thông loại khóa trình của nhóm Trương Vĩnh Ký (nửa sau thế kỷ 19), hoặc với những bài ca cổ động phong trào Duy Tân in trong tập Quốc dân tập độc (năm 1907, đầu thế kỷ 20) của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục (xem Thơ văn Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa, 1997), chúng ta sẽ thấy rất rõ giữa chúng với nhau là “nhất mạch tương thừa”.

Thử dẫn vài đoạn thơ như sau trong Quốc dân tập độc, sẽ chứng minh được hầu hết những bài thơ học thuộc lòng sưu tập lại từ các sách Quốc văn tiểu học nói trên là có cùng một “giọng”, chung một phong cách:

Đấng làm trai sinh trong trời đất,
Phải sao cho rõ mặt non sông.
Kìa kìa mấy bậc anh hùng,
Cũng vì thủa trước học không sai đường.
Cuộc hoàn hải liệt cường tranh cạnh,
Mở trí dân giàu mạnh biết bao.
Nước ta học vấn thế nào,
Chẳng lo bỏ dại nhẽ nào được khôn.
Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta,
Sách các nước sách Chi na,
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường.
.......
(“Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ”, sđd, tr. 110)

Hoặc:

Nước Nam ta từ đời Hồng Lạc,
Mấy nghìn năm khai thác đến nay,
Á Châu riêng một cõi này,
Giống vàng ta vẫn xưa nay một loài.
.......
(“Bài hát yêu nước”, sđd, tr. 111)

Hoặc:

Đạo vệ sinh phải nên biết trước,
Nghĩ rượu men là chất độc người.
Xin ai chớ lấy làm chơi,
Rượu ngon cấm tiệt nhớ lời Hạ vương.
.......
(“Bài hát răn người uống rượu”, sđd, tr. 135)

Để phổ biến kiến thức, các nhà Nho thuở trước dạy dân, cũng quen dùng cùng một thể loại văn vần, để giúp người học dễ thuộc nằm lòng:

Năm châu quanh mặt địa cầu,
Á Châu lớn nhất, Mỹ Châu thứ nhì.
Châu Âu, châu Úc, châu Phi,
Mỗi châu mỗi giống sắc chia rành rành.
.......

(“Bài hát kể đường đất nước ta”, sđd, tr. 115)

Về nội dung, những bài học thuộc lòng trong các sách Quốc văn tiểu học không kém phần phong phú, đa dạng. Đương nhiên chúng có tính hiện đại gần gũi với thời nay hơn so với các thế hệ trước, nhưng tựu trung vẫn chú trọng rèn luyện cho học sinh về nhân cách, đạo đức, óc cầu tiến, chí tiến thủ, niềm tin ở sự tiến bộ của khoa học, và nhất là lòng nhân ái, yêu thương-tôn trọng con người... Đa số bám theo những bài học luân lý, với những nội dung cụ thể được lặp đi lặp lại từ lớp tiểu học nhỏ nhất đến lớn nhất và thường xoay quanh một số chủ đề như:

- Bổn phận đối với bản thân như giữ vệ sinh cá nhân, rèn luyện thân thể, bồi dưỡng chí khí, óc mạo hiểm và những phẩm chất tốt đẹp khác, nhất là tính trung thực, thật thà... Việc rèn luyện phẩm đức phải đi đôi với quyết tâm từ bỏ các thói hư tật xấu...

- Khuyến học. Xác định động cơ học tập đơn giản “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời”...

- Lòng hiếu kính trước hết đối với ông bà, cha mẹ rồi đến các bậc tôn trưởng khác: anh chị, bà con cô bác, thầy cô giáo, người già cả...

- Cổ vũ tình yêu quê hương xứ sở, từ đó ra sức góp phần xây dựng tổ quốc giàu mạnh; đề cao lòng tự hào dân tộc, ca ngợi anh hùng dân tộc, kêu gọi bảo vệ tổ quốc chống xâm lăng; ca ngợi quê hương giàu đẹp, các thuần phong mỹ tục, và đề cao giá trị tiếng mẹ đẻ...

- Tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

- Lòng bác ái thương người yêu vật, tình đồng loại, đặc biệt tình cảm đối với tầng lớp lao động chân tay nghèo khổ và những người có hoàn cảnh khốn khó, cơ nhỡ.

- Ca ngợi giá trị-nét đẹp của lao động và lòng biết ơn những con người lao động, đặc biệt đối với dân quê cày ruộng và tầng lớp thợ thuyền, người buôn bán nhỏ và dân nghèo thành thị, từ em bé đánh giày đến người thợ hớt tóc, bác thợ mộc, thợ rèn...

- Các nghĩa vụ đối với tha nhân và với xã hội. Bổn phận và quyền lợi công dân.

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=41&News=5992&tabid=115