Những ẩn ý sâu xa trong lời chúc mừng Donald Trump của Tập Cận Bình

Mặc dù lời chúc mừng của ông Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Trump mang những giai điệu lạc quan, người ta sẽ cần phải cảnh giác với những thay đổi từ ngữ rất nhỏ trong đó.

Tranh cãi nảy sinh trong những ngày đầu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, khi hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng đến Tổng thống Mỹ mới đắc cử, Donald Trump.

Tuy nhiên, phía ê kíp tranh cử của nhà tỷ phú khi đó đã phủ nhận Trump đã nói chuyện hoặc nhận lời chúc mừng từ ông Tập. Các quan chức Trung Quốc đã từ chối đưa ra bình luận sau báo cáo nói trên.

Thông điệp chúc mừng của ông Tập Cận Bình gửi đến Trump phản ánh một sự mất bình tĩnh.

Cuối cùng, hãng Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã kết thúc mọi tranh cãi bằng xác nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc điện đàm với người đồng nhiệm tương lai của mình vào hôm thứ Hai.

Trong cuộc gọi, ông Tập kêu gọi "sự tôn trọng lẫn nhau" và nhấn mạnh rằng "hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất" đối với Trung Quốc và Mỹ.

Theo Wall Street Journal, văn phòng Trump đã xác thực cuộc điện đàm trong một tuyên bố sau đó.

Theo tuyên bố này, ông Trump đã tái khẳng định tình cảm thân thiết với nhà lãnh đạo Bắc Kinh và nói rằng ông tin tưởng "hai nhà lãnh đạo sẽ có một trong những mối quan hệ mạnh mẽ nhất để đưa cả hai quốc gia cùng phát triển".

Mặc dù sự hiểu lầm ban đầu đã được xóa bỏ, giới quan sát vẫn xem xét kĩ lưỡng từng câu chữ mà ông Tập Cận Bình sử dụng trong cuộc điện đàm chúc mừng.

Cần phải nhớ rằng ông Trump từng tuyên bố sẽ "trừng phạt" Trung Quốc bằng việc nâng mức thuế lên 45% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia này và gắn mác Trung Quốc như một đất nước thao túng tiền tệ.

Những phát ngôn của ông Trump liệu có thể trở thành hiện thực hay không là điều còn chưa biết trước, nhưng dường như Tổng thống tân cử nước Mỹ sẽ áp dụng trong một mức độ nào đó.

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại, sự leo thang căng thẳng chưa được giải quyết với Nhật Bản và một số các quốc gia láng giềng về vấn đề Biển Đông.

Và bây giờ Trump mang đến sự không chắc chắn cho mối quan hệ Mỹ-Trung bởi sự khó đoán và sự nghiệp dư của ông về chính trị.

Theo học giả Han Ze từ trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, để hiểu được ý nghĩa ẩn trong thông điệp chúc mừng ông Tập Cận Bình, chúng ta phải so sánh ngôn từ mà ông thường dùng trước đó trong các phát ngôn với Mỹ.

Chính sách mà Trump dành cho Trung Quốc được dự báo sẽ rất khó đoán.

Đầu tiên, trong thông điệp chúc mừng đầu tiên của ông Trump, ông Tập đã tránh đề cập đến một cách rõ ràng khái niệm “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” mặc dù có nói những câu từ hàm nghĩa về thuật ngữ này.

Ông Tập nhúng khái niệm nói trên vào trong cuộc điện đàm như một sự bày tỏ rằng Trung Quốc muốn tránh "cái bẫy Thucydides" và kỳ vọng bản thân sẽ được đối xử như một quốc gia ngang hàng trong trật tự quốc tế.

Cái bẫy Thucydides là khái niệm được đặt tên cho công trình nghiên cứu của nhà sử học Hy Lạp Thucydides nói về nguồn cơn gây ra cuộc chiến Peloponnesian ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên xảy ra giữa 2 thành phố Sparta và Athens.

Theo đó, sự lớn mạnh của Liên đoàn Peloponnesian ở thành phố Sparta (thế lực mới nổi) đã khiến triều đình Hy Lạp ở Athens (cường quốc muốn giữ nguyên trạng) bị ám ảnh bởi nỗi lo mất quyền lực. Điều này đã khiến cả hai lâm vào một cuộc nội chiến kéo dài và hậu quả là một thời đại hoàng kim của Hy Lạp đã sụp đổ.

Thuật ngữ “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Trung Quốc sử dụng chính là sự ám chỉ Trung-Mỹ cũng giống như Sparta và Athens, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi việc va chạm với quyền lực lớn nhất hiện tại là Mỹ và ngược lại sử mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng là mối đe dọa đối với Trung Quốc.

Bởi vậy cả hai cần phải có một hình thái mới trong quan hệ, mà ở đó Washington và Bắc Kinh cần thấu hiểu, kìm chế lẫn nhau, cũng như phải đối xử, chia sẻ lợi ích, lắng nghe tiếng nói của nhau trên một vai trò ngang hàng. Nếu không cả hai sẽ lâm vào thế đối đầu và tự kéo nhau sụp đổ.

Thucydides đã từng nói một câu nổi tiếng: “Sức mạnh của Athens và nỗi sợ hãi mà điều đó gây ra ở Sparta là điều khiến cuộc chiến trở nên không thể tránh khỏi”.

Ông Tập từng nhắc đến thuật ngữ “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” nhiều lần mỗi khi ông gặp Tổng thống Barack Obama với mong muốn rõ ràng là người đồng nhiệm Mỹ cũng sẽ tôn trọng và chấp nhận khuôn mẫu này.

Tuy nhiên Mỹ vẫn muốn mọi thứ đi theo khuôn khổ ban đầu và sớm bác bỏ ý niệm của Trung Quốc đang phát triển trong những năm gần đây. Ngược lại, Washington bày tỏ một sự nghi ngờ xen lẫn chỉ trích.

Washington có thể không thể nắm bắt được tầng ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong cụm từ của ông Tập Cận Bình. Đồng thời những tác động tới đồng minh và các đối tác an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng là mối lo ngại khiến Washington ngập ngừng trong việc hỗ trợ một ý tưởng được định nghĩa bởi Trung Quốc.

Trung Quốc cảnh báo về cái bẫy Thucydides.

Mặc dù vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn không ngừng phổ biến cụm từ “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” ở cả trong nước lẫn ở nước ngoài.

Do đó, điều đáng chú ý nhất trong cuộc điện đàm với Trump là lần đầu tiên ông Tập không sử dụng thuật ngữ này trong một tương tác chính thức với Mỹ.

Điều này có thể ngụ ý rằng Bắc Kinh đã loại bỏ tạm thời hoặc không còn đủ nhiệt tình để hỗ trợ cho tính chất quan hệ kiểu mới này do phải tập trung nhiều hơn trong đối phó với những vấn đề thực tế và vượt qua khó khăn.

Điểm chú ý thứ hai, đây là lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước Trung Quốc nói về việc giải quyết khác biệt giữa hai nước trong một thông điệp chúc mừng.

Ông Tập nói, "Trung Quốc hy vọng sẽ làm việc với Mỹ để kiểm soát sự khác biệt dựa trên tính xây dựng", theo Tân Hoa Xã.

So với ông Tập Cận Bình, người tiền nhiệm của ông là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ít khi đề cập đến sự "khác biệt" một cách trực tiếp như vậy.

Ví dụ, ông Hồ luôn đề cập đến "một loạt các lợi ích chung và cơ sở cho sự hợp tác" trong các thông điệp chúc mừng các đối tác mới của ông trong năm 2004, 2008, và 2012, mà không hề nhắc đến sự "khác biệt" của cả hai.

Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng hai bên phải tăng cường phối hợp và hợp tác, nhưng mặt khác, ông cũng mặc nhiên thừa nhận sự khác biệt là một vấn đề gai góc và do đó hai nước cần phải làm thế nào để quản lý những khác biệt đó dựa trên một sự hợp tác mang tính xây dựng.

Trung Quốc và Mỹ có quan điểm rất khác nhau về các vấn đề như chính sách tiền tệ, thuế, an ninh mạng, và tranh chấp lãnh thổ. Hơn nữa, Trump đang tìm cách để nhanh chóng rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, có thể gây ra sự bối rối với Trung Quốc. Trước đó việc ký kết giữa chính quyền Obama và Trung Quốc trong hợp tác biến đổi khí hậu luôn được coi là một trong những thành tựu lớn nhất giữa hai nước.

Ý nghĩa ẩn giấu trong lời chúc mừng ông Tập Cận Bình đến Trump đã phản ánh sự không chắc chắn của Trung Quốc về phía Tổng thống Mỹ mới đắc cử. Ông Trump có thể dễ dàng lật đổ khuôn khổ và cam kết vốn được thiết lập và xây dựng bởi ông Tập Cận Bình và Obama.

Tỷ phú Trump được coi là một câu đố khó tìm lời giải đối với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Mặc dù nhà tỷ phú này đã không chính thức phác thảo một chính sách dành cho Trung Quốc, nhưng cố vấn của ông đã gửi nhiều thông điệp dành cho Bắc Kinh thông qua các kênh khác nhau.

James Woosley, cố vấn cấp cao của ông Trump, gọi sự bác bỏ của chính quyền Obama đối với dự án Ngân hàng đâu tư hạ tầng châu Á của Trung Quốc như là một "sai lầm chiến lược", trong một bài viết trên tờ South China Morning Post.

Tuy nhiên, một bài báo gần đây được công bố trên tờ Foreign Affair của hai cố vấn khác của Trump - là Alexander Gray và Peter Navarro, lập luận rằng, "xoay trục châu Á không hiệu quả khi ông Obama nói lớn tiếng, nhưng chỉ mang theo một cây gậy nhỏ".

Hai nhân vật này xác nhận Mỹ sẽ theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc bằng cách vận dụng chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh", đây vốn là cốt lõi của chính sách đối ngoại thời cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Mặc dù mang những giai điệu lạc quan trong lời chúc mừng của ông Tập Cận Bình gửi đến Trump, người ta sẽ phải cảnh giác với những thay đổi từ ngữ dù rất nhỏ nhặt nhưng lại phản ánh sự không chắc chắn của Trung Quốc và một thái độ mất bình tĩnh đối với ông Trump.

Không còn gì để hoài nghi khi chính sách biệt lập của ông Trump có thể cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội định hình và thiết lập lại trật tự khu vực ở Đông Á.

Tuy nhiên, mọi chuyện cũng có thể khác khi trên thế giới này chưa ai đoán trước được suy nghĩ của ông Donald Trump.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-an-y-sau-xa-trong-loi-chuc-mung-donald-trump-cua-tap-can-binh-a306633.html