Nhức nhối nạn mỹ phẩm giả

(BVPL) - Hiện nay, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả đang lộng hành và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đến uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã cảnh báo rất nhiều, cơ quan chức năng tiến hành xử phạt không ít nhưng nạn mỹ phẩm giả vẫn ngang nhiên hoành hành, thậm chí ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi.

Người tiêu dùng có lẽ là người phải chịu nhiều hệ lụy nặng nề nhất đến sức khỏe cũng như làn da của chính mình khi mua phải mỹ phẩm giả. Bởi hầu hết các sản phẩm này đều chứa hóa chất độc hại, thành phần lột tẩy như: thủy ngân, chì, kẽm, cyanua, corticoide... và được sản xuất trong môi trường không đảm bảo. Trường hợp nhẹ thì bị kích ứng, ngứa ngáy, mẩm đỏ, nổi mụn… nếu nặng có thể dẫn đến tiêu chảy, ngộ độc, nôn ói, trụy tim mạch, giảm huyết áp hoặc khó thở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù nhà nước đã có chủ trương và thực hiện nhiều biện pháp mạnh để bài trừ nạn hàng giả, nhái nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn mua và sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng làm cho cuộc chiến này càng thêm khó khăn. Sở dĩ hàng giả, nhái thu hút được người tiêu dùng đến như vậy là vì giá thành của chúng rất rẻ, có khi chỉ bằng 1/3 so với hàng thật nên đôi khi người mua vẫn chấp nhận mạo hiểm. Bên cạnh đó, hầu hết hàng mỹ phẩm nhái, giả đều có bao bì in ấn đẹp, sắc nét, thậm chí một số sản phẩm còn được thêm tem giả, tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khiến người tiêu dùng nhầm lẫn không thể phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật.

Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP đưa ra quy định về khung hình phạt với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa. Cụ thể, mức hình phạt cao nhất đối với vi phạm này chỉ là phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Theo các chuyên gia, chế tài xử phạt còn quá thấp và chưa đủ sức răn đe. Chính vì thế mà nạn mỹ phẩm nhái, giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không những không giảm mà ngày càng gia tăng.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn đang là một vấn nạn và thực sự nhức nhối, các đối tượng vi phạm cực kỳ tinh vi. Có thể đưa ra một số lý do chính, trước hết là hệ thống văn bản vi phạm pháp luật liên quan đến việc này cũng chưa hoàn chỉnh, thậm chí còn có việc các văn bản chồng chéo và các chế tài chưa đủ mạnh, đủ tính răn đe đối tượng khi vi phạm và sự vào cuộc của nhiều địa phương cũng chưa quyết liệt. Sự phối hợp với các cơ quan chức năng nhất là các lực lượng ở các địa bàn, các địa phương nơi xảy ra (và nhất là địa bàn ở các tỉnh biên giới) còn chưa tốt. Hiện nay, kể cả người dân, suy nghĩ và thái độ đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn có những hạn chế”.

Lực lượng chức năng thu giữ 13.000 chai sữa non kích trắng giả tại Spa Venus.

Cuộc chiến chống mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ muốn đạt được hiệu quả tốt nhất đòi hỏi có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Trong đó, việc trước tiên cần làm là rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan, chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, tăng cường các chế tài đủ mạnh. Các cơ quan chức năng cần chú trọng kiểm soát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về hàng giả.

Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát nên quan tâm hơn đến vấn đề tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân không tiếp tay cho nạn sản xuất, buôn hàng hàng giả, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, nhái. Đối với người tiêu dùng để bảo vệ mình khỏi những tác hại không đáng có, trước khi quyết định mua mỹ phẩm làm đẹp cần trang bị cho mình kiến thức về cách phân biệt mỹ phẩm thật – giả, tuyệt đối không ham rẻ mà đánh cược sức khỏe của mình. Ngoài ra, khi phát hiện mỹ phẩm giả hãy thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng biết và xử lý.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước, để phòng tránh việc bị làm giả, làm nhái trước tiên cần phải chủ động hơn trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cũng như tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của doanh nghiệp mình. Tích cực phối hợp cùng với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và bài trừ các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các giải pháp như truyền thông về vấn đề hàng giả cho khách hàng nhận biết rõ để phân biệt mặt hàng của công ty mình nhằm đảm bảo quyền lợi.

Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp cho rằng: “Hiện nay, nhà nước đã có chương trình khá lớn về hỗ trợ cho doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc này còn đòi hỏi nỗ lực nhất định từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, quan trọng hơn nữa là tính chủ động của doanh nghiệp, chúng ta cũng phải biết rằng khi chúng ta có tài sản thì chúng ta phải biết cách bảo vệ nó”.

Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt với những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

PV

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/hang-that-hang-gia/201707/nhuc-nhoi-nan-my-pham-gia-2563560/