Như là người bạn lớn

Một trong những đúc kết của nhà giáo đã qua 32 năm công tác, từ vị trí giáo viên trực tiếp đứng lớp đến nhà quản lý giáo dục, là để thành công trong nghề dạy học, giáo viên không chỉ là người thầy yêu nghề, tận tâm, mà còn luôn ở bên học sinh như một người bạn lớn.

Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn kết (quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những tấm gương nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành giáo dục Thủ đô năm 2016.

Cô đã có 11 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, sau đó là 7 năm làm cán bộ phụ trách chuyên môn Tiểu học tại Phòng GD-ĐT quận Hà Đông trước khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn kết, ngôi trường trọng điểm của quận với bề dày dạy tốt học tốt.

Đối với nhà giáo Đặng Thị Phúc, 32 năm dạy học trôi qua thật nhanh với rất nhiều kỷ niệm. Cô tâm sự về những ngày đầu tiên vào nghề của mình: Đến với nghề sư phạm, đã có lúc tôi cảm thấy khó khăn vất vả vì vừa ra trường lại phải đi dạy học xa nhà, nhưng được sự động viên khích lệ của đồng nghiệp đi trước, các anh chị, bạn bè và gia đình, tôi thấy mình có thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu. Nhưng theo cô, điều quan trọng nhất giúp mình vượt qua những khó khăn của cuộc sống và tiếp bước trên con đường đã lựa chọn cho đến hôm nay chính là lòng yêu nghề, sự tận tâm với trò, yêu thương học trò và niềm vui có được khi hằng ngày tiếp xúc với các em.

“Chính các em và những kết quả mà các em đạt được là nguồn động viên, giúp tôi cố gắng hơn nữa trong công việc của mình” - cô chia sẻ.

Nói về nghề dạy học trong dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, nhà giáo Đặng Thị Phúc luôn quan niệm nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. “Bởi từ bàn tay, khối óc, sự chỉ bảo của thầy cô sẽ là động lực chắp cánh cho những ước mơ hôm nay và mai sau của các em học sinh”.

Hình ảnh trung tâm trong những chia sẻ của nhà giáo Đặng Thị Phúc luôn là các em học sinh. Nhà sư phạm nhiều kinh nghiệm này chia sẻ: “Với học sinh tôi luôn tôn trọng ý kiến của các em, không áp đặt theo tư duy suy nghĩ của người lớn. Đối với học sinh tiểu học, giáo viên ngoài vai trò là người hướng dẫn còn là người giúp đỡ các em như người bạn lớn, cần khen ngợi, khích lệ kịp thời khi các em có hành động tích cực, phân tích cặn kẽ để các em hiểu khi mắc lỗi. Khi đã hiểu ra vấn đề các em sẽ tự nguyện tự giác làm theo lời thầy cô và bố mẹ với niềm say mê, yêu thích.

Trước mỗi bài học cô luôn suy nghĩ để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất và mong muốn mỗi giờ dạy của mình đều đem đến cho học sinh niềm hứng khởi và khơi dậy niềm ham học tập, yêu thích bộ môn, giúp các em tự khám phá, phát huy năng lực cá nhân, tìm tòi sáng tạo.

Cô tâm niệm “có thầy giỏi mới có trò giỏi’, do vậy trong vai trò là nhà quản lý cô luôn xác định yếu tố nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện chính là cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của giáo viên. Cô cho biết, cùng tập thể sư phạm nhà trường, cô luôn nỗ lực để phát huy tính dân chủ, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ nghiệp vụ, quan tâm đời sống giáo viên và nhân viên… Trường Tiểu học Đoàn kết nhận được sự tin tưởng của nhân dân có con em đi học trên địa bàn, nhiều năm liên tục luôn đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Bản thân cô năm 2008 đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, năm học 2015-2016 được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Đạt được thành tích cả trong công tác chuyên môn và vai trò quản lý, nhưng phần thưởng và niềm vui lớn nhất đối với nhà giáo Đặng Thị Phúc vẫn là những gì có được qua nhiều năm tháng trực tiếp đứng lớp: “Từ sự yêu thương gắn bó với học trò qua từng tiết dạy, tôi đã nhận được sự kính trọng và tin tưởng ở các em học sinh”.

Ngày 20-11 đến rồi đi, còn ngày ngày nhà giáo Đặng Thị Phúc vẫn miệt mài làm công việc của mình với tâm niệm sẽ là một phần của thế hệ giáo viên hôm nay, những người “trực tiếp ươm mầm, vun xới và hết mình dạy học trò không chỉ bằng trí tuệ mà còn cả bằng lương tâm, trách nhiệm, bằng tình yêu thương của đạo làm thầy”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/31293102-nhu-la-nguoi-ban-lon.html