Như cánh chim tự do

Hành trang của những người chơi lướt ván diều khá đơn giản: chỉ một con diều, một tấm ván lướt sóng và một tinh thần mạnh mẽ, không ngại khó nhưng niềm vui thì không thể đo đếm một khi được cưỡi trên những cơn gió, đạp sóng để lướt đi tự do như cánh chim trời.

Với ưu thế bờ biển dài và đẹp, Việt Nam được đánh giá là thiên đường của môn lướt ván diều, đặc biệt là Cô Tô, Mũi Né, Vũng Tàu, Cần Giờ. Đây được xem là các bãi tập trung của những tay chơi thích phi trên các con sóng nhờ sức kéo của con diều đủ màu căng phồng trên đầu. Có nhiều môn thể thao nước như mô tô nước, dù lượn, đua thuyền buồm... nhưng môn lướt ván diều khiến nhiều người yêu thích bởi cảm giác phấn khích, hào hứng pha lẫn chút e dè khi treo lửng lơ trên những con diều. Bên cạnh việc tập luyện cho sức khỏe, môn chơi này còn cuốn hút ở chỗ mang chút hơi hướng nghệ thuật bởi người chơi chẳng khác gì người nghệ sĩ tự do trình diễn trên nước.

Một trong những người đầu tiên đem môn lướt ván diều về VN, đặc biệt trong giải KTA vô địch lướt ván diều châu Á vừa diễn ra ở Mũi Né (Bình Thuận) là ca sĩ Lương Bằng Quang. Anh còn được mời làm trọng tài cho cuộc thi quy tụ những vận động viên sành sỏi, lão luyện. Có một điều khá bất ngờ, ca sĩ Lương Bằng Quang đến với môn chơi này bằng các video chia sẻ trên mạng, tập theo hướng dẫn nhưng anh lại khuyên những người có ý định theo đuổi môn này không nên học theo cách của anh mà cần phải có huấn luyện viên. Anh chia sẻ: “Những ngày đầu tự mua diều, ván lướt đem ra biển tập tôi bị “trầy vi tróc vảy” mới có thể đứng vững trên các con sóng. Mất hơn 1 tháng mới làm quen với các kỹ thuật. Sau đó tôi mới nhận ra, không nên tự tập, nếu có một vị huấn luyện viên chuyên nghiệp đứng kế bên “đỡ” cho mình những ngày đầu thì không gặp phải những va chạm, chấn thương hoàn toàn có thể tránh được. Nhiều người ví học lướt ván diều giống như người ta học cưỡi ngựa, phải cầm cương, điều khiển cho đi đúng hướng. Có khác chăng người chơi cưỡi trên các con sóng, nếu có người hướng dẫn kỹ thuật thì mình sẽ không lo sợ”.

Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, khi muốn đi chơi, anh chỉ cần đem theo hành trang gọn nhẹ, một con diều, ống bơm diều, một tấm ván lướt sóng, đai an toàn, áo phao, bộ trang phục gọn nhẹ và cùng đồng đội ra biển căng diều. Anh nói thêm: “Ngoài yếu tố tự nhiên, biển phải có sóng và đủ gió để căng diều nâng vận động viên lên cao thì người chơi phải có sức khỏe tốt, ưa mạo hiểm, đặc biệt là không sợ... đen da. Cứ nhìn mình, phơi nắng cả ngày ngoài biển vầy khó mà trắng được”.

Theo anh, để chơi lướt ván diều trước tiên phải học cách lướt ván trước, học tư thế để có thể đứng thăng bằng, điều chỉnh tấm ván dưới chân di chuyển, sau khi thành thục thì học cách điều khiển diều. Ở vùng có gió yếu, nên chọn các con diều lớn để đón nhiều gió trong khi với vùng biển gió lớn, thay diều nhỏ để tránh bị gió thổi đi quá xa. Một khi đã nhuần nhuyễn các kỹ thuật cơ bản, người chơi mới có thể học nhào lộn nâng cao. Hầu hết các bãi biển của VN đều chơi lướt ván diều được, tuy nhiên trước khi chơi cần tránh những nơi đông người, tránh các bãi đá ngầm hay vùng biển bị ngư dân cột lưới vì khá nguy hiểm nếu vướng vào. Anh cho biết thêm: “Sau 1 tháng tập các kỹ thuật cơ bản cho thuần thục, các bạn có thể tập nâng cao, học các động tác nhào lộn đưa từ lý thuyết chuyển qua thực hành. Nếu lỡ lúc nhào lộn mà có té nước, uống nước thì cũng đừng sợ hãi, bình tĩnh, kiên trì rồi sẽ chinh phục được con diều và con sóng. Các anh em chơi lướt ván diều đều nhận định, chưa uống nước biển thì chưa thể thành tài được”.

Nếu ra biển đúng vào ngày “gió lên”, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn những người chơi đầy phấn khích phô diễn các động tác kỹ thuật trên biển, người thì chạy lướt trên trên sóng với tốc độ cao, người thì nhào lộn trên không, kẻ thì cắt kéo xoay vòng như vũ công đang nhảy cùng bạn diễn.

Thiên An
Ảnh: Trần Thế Phong

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nhu-canh-chim-tu-do-685976.html