Nhộn nhịp mùa len trâu đồng bằng sông Cửu Long

Vào mùa nước nổi, nhiều người chăn trâu kinh nghiệm được các chủ trâu thuê mướn chăm sóc mỗi tháng được trả công từ 2 đến 3 triệu đồng...

Khi mùa lũ về, các cánh đồng ngập sâu trong nước, thời điểm này nhiều đàn trâu khắp nơi được lùa về các đồng trống ở huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp) gặm cỏ và những gốc rạ còn sót sau mùa lúa, tạo nên phong cảnh thi vị ở miền sông nước Nam bộ.

Trên cánh đồng xã Thường Phước 1, Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền gần 100 con trâu đang thong thả gặm từng ngọn cỏ, cứ thế đàn trâu len lỏi từ đồng này đến đồng khác tìm kiếm thức ăn. Nếu trâu không len lỏi khắp nơi kiếm cái ăn, người nuôi phải tốn rất nhiều chi phí mua thức ăn cho trâu.

Anh Lê Thanh Lâm, ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cho biết: “Đất bây giờ ngập hết rồi, bắt buộc phải chạy đồng khác tìm chỗ sinh sống. Thời điểm bây giờ rơm đắt đỏ lắm, một công 50.000 đồng, mướn người ta cuộn 1 cuộn rơm cũng mất từ 8 đến 9.000 đồng. Còn mua thì 33.000 đồng mỗi cuộn. Khoảng tháng 10, không có rơm buộc phải mua rơm cho trâu ăn, một ngày 7 con trâu ăn khoảng 5 cuộn rơm”.

Vào mùa nước nổi, nhiều người chăn trâu kinh nghiệm được các chủ trâu thuê mướn chăm sóc mỗi tháng được trả công từ 2 đến 3 triệu đồng tùy số lượng đàn trâu len thuê. Anh Huỳnh Văn Mạnh ngụ ấp 1, xã Thường Phước 2 cho biết: “Tôi cũng đam nghề chăn trâu ông già truyền lại. Bà con thích mến mình rồi gửi trâu mình giữ, tháng cũng được 3 triệu. Xoay sở xăng xe cộ, ăn uống cũng đỡ tốn tiền nhà”.

Gắn bó với nghề len trâu, người len trâu phải ăn ngủ ngay trên cánh đồng. Trong khoảng thời gian 3 tháng, người nuôi phải lùa trâu ra đồng ngay từ sáng sớm và chờ đến khi mặt trời lặn thì gom trâu lại cột tại cánh đồng. Sau khoảng 3 tháng chăn thả, người nuôi lại cột trâu về bãi ở nhà và cho ăn rơm khô.

TÂN HỢP

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhon-nhip-mua-len-trau-dong-bang-song-cuu-long-post201000.html