Nhóm Ngũ Long Canh Thìn vượt lên rủi may số phận

Năm anh em chúng tôi cùng tuổi Canh Thìn (sinh năm 1940), đến năm 2000 vừa tròn 60 năm và năm ấy cũng là năm Canh Thìn. Thường vào những năm tuổi, người ta hay gặp hạn, nhưng những người có bản mệnh vững vàng, gia đình tốt phúc thị, vận hạn rồi cũng sẽ qua đi. Năm ấy tôi ngẫu hứng nghĩ ra việc lập nhóm "Ngũ Long Canh Thìn" và liệt kê hàng loạt những người tuổi Canh Thìn, rồi tự lựa chọn, cuối cùng còn năm người.

Người thứ nhất là Lê Phức, khi ấy đang giữ chức Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam . Người thứ hai là Đại tá Quân đội Nguyễn Huy Toàn, từng tham gia chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Miền Nam , đến thời điểm ấy đã cho xuất bản được hàng chục đầu sách. Người thứ ba là một nhà giáo, nhà khoa học cũng có uy tín, rất "lợi khẩu", đó là PGS - TS Khoa học Hà Đình Đức - người hễ "nhúng" vào sự kiện nào, dù là "võ mồm" hay bằng văn bản kiến nghị khẩn lên thượng cấp là y như rằng dự án ấy, công trình ấy lập tức bị đình lại hoặc điều chỉnh (chẳng hạn dự án xây dựng Trung tâm văn hóa cao ngất ngưởng che lấp Đền thờ và tượng vua Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm, khi biết tin dự án đã được phê duyệt, đang chờ ngày thi công, ông đã kiến nghị khẩn cấp, cuối cùng dự án ấy đã phải dừng và nhờ thế, ngôi nhà "Khai trí Tiến đức" mới có cơ hội tồn tại tới hôm nay). Người thứ tư là Nguyễn Thọ Ninh, một trong những thành viên sáng lập Viện Kinh tế sinh thái - Viện Nghiên cứu dân lập đầu tiên ở Việt Nam . Trước khi tham gia nhóm "Ngũ Long", Nguyễn Thọ Ninh tham gia Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Giáo sư Trần Xuân Hỷ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trong năm thành viên, tôi là con rồng Canh Thìn xấu trai nhất. Từng trực tiếp làm báo và chụp ảnh trên đường Hồ Chí Minh thời chống Mỹ, năm 1974, tôi được điều về làm phóng viên, biên tập viên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, rồi chuyển qua làm Thư ký tòa soạn Báo Người Hà Nội. Tại Đại hội III và IV Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tôi trúng cử Ban chấp hành, được bầu vào Ủy viên Ban thư ký, trực tiếp phụ trách Tạp chí Nhiếp ảnh (1988 - 1995). Trước khi nghỉ hưu, tôi là chuyên viên Vụ Văn hóa - Văn nghệ -Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Trên đây là những dòng "trích ngang" của năm thành viên nhóm Ngũ Long Canh Thìn. Còn tôi, với vai trò "người sáng lập", đặt ra lệ luật sinh hoạt không thường kỳ. Cứ hai - ba tháng một lần, do một thành viên đứng ra tổ chức tại nhà riêng hay nhà hàng tùy ý, với tiêu chí "vui là chính", đến gặp nhau phải "tay bắt mặt mừng" thực sự, thông tin cho nhau những công việc đã làm một cách tự nhiên, không làm theo kiểu "giao ban" như ở nhiều cơ quan nhà nước.

Lại nói về cái hạn năm tuổi, ấy vậy mà có thật. Ba con Rồng bị tai nạn xe máy. Con rồng Lê Phức trượt chân ngã, bị sai khớp phải nằm bất động hàng tuần không đến cơ quan được. Còn tôi, tôi nghĩ rằng: nên tập trung cao độ vào công việc, tai nạn ắt sẽ qua. Một hôm tôi đang trải chiếu xuống nền gỗ sàn nhà của cơ quan nằm đọc sách, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi đứng lên, vừa kịp nghe tiếng nói trong điện thoại từ phía bên kia: "Alô, em họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp đây!" thì nghe một tiếng "rắc" và tiếng réo sắc lạnh. Chiếc quạt trần đứt dây đang rơi xuống, phát ra tiếng nổ chát chúa như một tiếng bom. Nếu tôi còn ở nguyên vị trí cũ thì chắc chắn chiếc củ quạt trần rơi đúng vị trí đỉnh đầu tôi! Nếu không có điện thoại thì tôi đâu còn trên cõi đời này nữa. Nhờ có cú điện thoại của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp mà tôi thoát hiểm!

Từ trái sang: "Con rồng Canh Thìn" Nguyễn Thọ Ninh, "Con rồng Canh Thìn" Đinh Công Hiệp, "Con rồng Canh Thìn" Hoàng Kim Đáng.

Năm 2005, con rồng Lê Phức đột ngột ra đi trong lúc sự nghiệp đang rực sáng (trước khi mất, ông giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam). Như vậy, nhóm Ngũ Long Canh Thìn thực chất chỉ còn bốn! Tuy đã giỗ hết nhưng những buổi họp mặt, chúng tôi vẫn không quên nhắc đến Lê Phức và để 1 cái bát, 1 đôi đũa, xem như Lê Phức vẫn "sinh hoạt" với nhóm Ngũ Long vậy!

Tuy nhiên, không thể để thiếu mãi được. Theo đề cử của con rồng Nguyễn Thọ Ninh, chúng tôi bổ sung được con rồng Canh Thìn Đinh Công Hiệp. Đinh Công Hiệp từng là một cán bộ Công an, đã tham gia phá nhiều vụ án hình sự; trong đó phối hợp với Công an Hà Nội điều tra phi vụ: Chiếu ấn tín của Vua Bảo Đại ở Bảo tàng Cách mạng không cánh mà bay! Năm 1967, Đinh Công Hiệp chuyển ngành. Đinh Công Hiệp từng là Phó Viện trưởng Viện Tư liệu phim, rồi Phó Giám đốc hãng phim truyện Ngọc Khánh. Đinh Công Hiệp đã tham gia làm các phim về Đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, phim về "Những mốc son lịch sử về các đại hội Đảng"... Khi về hưu, Đinh Công Hiệp đã hai khóa là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Việt Nam và là Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam .

Kể từ năm Canh Thìn (2000) tới nay, ngoại trừ trường hợp Lê Phức đã mất, những thành viên còn lại trong nhóm Ngũ Long của chúng tôi đều hoạt động rất xông xáo. Con rồng Huy Toàn từng được mời làm cố vấn lịch sử cho bốn chương trình "Tiếp lửa truyền thống vang mãi khúc quân hành" do Báo Quân đội nhân dân và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Đặc biệt, năm 2010, nhân Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Huy Toàn vừa được mời làm cố vấn, vừa trong Ban tổ chức chương trình "Thăng Long hồn thiêng sông núi". Ông còn là chủ biên công trình sách "1000 Anh hùng, Mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản. Cho đến nay, Huy Toàn đã có 38 đầu sách được xuất bản. Có hai cuốn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ, chuyên gia rùa Hồ Gươm Hà Đình Đức cũng là nhân vật đóng nhiều vai trò trong Ban tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 31/8/2011, Hà Đình Đức còn được vinh danh trong nhóm cứu chữa rùa Hồ Gươm và nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái "Vì tình yêu Hà Nội". Hà Đình Đức là người từng chụp được đám mây hình Rồng bay lên từ trên đỉnh tượng đài vua Lý Thái Tổ trong những ngày Đại lễ Kỷ niệm được tổ chức bên Hồ Gươm.

Con rồng Canh Thìn Nguyễn Thọ Ninh hiện đang tham gia nhóm nghiên cứu các khả năng đặc biệt của con người cùng với nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải và đang hoàn chỉnh kịch bản phim truyện 5 tập về đề tài "Người Hà Nội" cho hãng phim Sao Khuê. Năm 2002, Thọ Ninh đi Thái Lan làm phim "Bác Hồ ở Thái Lan". Cũng năm 2002, Thọ Ninh còn là thành viên sáng lập "Trung tâm UNESCO điện ảnh Việt Nam" và trực tiếp làm Giám đốc trung tâm.

Con rồng Canh Thìn Hoàng Kim Đáng từ bấy đến nay cũng ra được nhiều bộ sách. Đặc biệt năm 2010 Hoàng Kim Đáng có hai công trình sách chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó cuốn sách ảnh lớn "Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh" vừa được Hội Xuất bản Việt Nam tặng liền hai giải: Sách đẹp và sách hay 2011.

Buổi họp cuối năm Tân Mão, trước khi bước vào Xuân Nhâm Thìn, 5 con rồng Canh Thìn chúng tôi vẫn thấy còn mạnh khỏe, minh mẫn và vẫn còn ước mơ, hoài bão để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp của mình để xứng đáng với phiên hiệu nhóm "Ngũ Long" đang hiện hữu tại Kinh đô Thăng Long - Hà Nội

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/tulieuvanhoa/2012/1/56739.cand