Nhóm giá thuốc, dịch vụ y tế tác động mạnh lên CPI tháng Mười

CPI tháng Mười tăng 0,83% so với tháng Chín và tăng 4,09% so với cùng kỳ đồng thời tăng 4% so với tháng 12/2015, khiến CPI bình quân mười tháng của năm so với cùng kỳ tăng 2,27%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười tăng 0,83% so với tháng Chín và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, CPI tháng này đã tăng 4% so với tháng 12/2015 đồng thời CPI bình quân mười tháng của năm so với cùng kỳ tăng 2,27%. Thông tin này được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 28/10.

Giá dịch vụ y tế tăng mạnh

Theo Báo cáo thống kê, 9/11 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức giá tăng. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất (+10,07%), tiếp đến là nhóm giao thông tăng 2,02%. Nhóm có mức tăng thấp nhất là thiết bị và đồ dùng gia đình (+ 0,04%). Bên cạnh đó, tháng này có hai nhóm giảm giá là văn hóa, giải trí và du lịch (-0,02%), bưu chính viễn thông giảm (-0,12%).

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, cho biết các nguyên nhân làm tăng CPI, tháng này do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao, bên cạnh đó giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh bị ảnh hưởng của mưa lũ đặc biệt ở các tỉnh miền Trung, khiến sản lượng rau xanh trên thị trường giảm đã làm chỉ số giá tại nhóm thực phẩm tăng 0,26%.

Thêm vào đó, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng (bao gồm chi phí tiền lương) đã khiến chỉ số giá tại nhóm này tăng 13,28%, góp phần làm tăng CPI khoảng 0,5%.

Ngoài ra, việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng ( ngày 5/10 và 20/10) cũng khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,14%, góp phần tăng CPI là 0,17%.

Kế đến là việc điều chỉnh giá gas (từ ngày 1/10) tăng 15.000 đồng/bình 12kg, nguyên nhân là do giá gas nhập khẩu trong tháng Mười đã tăng 47,5USD/tấn (chốt ở mức 355 USD/tấn) và làm cho chỉ số giá gas tăng 4,21% so tháng Chín.

Chỉ số giá vàng, tỷ giá trái chiều

Chỉ số giá vàng trong nước giảm 1,69%, biến động theo xu hướng giá vàng thế giới.

Theo bà Ngọc, giá vàng thế giới giảm là do USD đã tăng lên gần mức cao nhất trong chín tháng qua, trước những dự báo giá USD sẽ ngày càng tăng bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới.

Như vậy, bình quân giá vàng trong nước (ngày 15/10) dao động quanh mức 3,54 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Trên thị trường, chỉ số giá USD đã tăng 0,07%. Trong tháng, USD đã tăng so với các đồng tiền chủ chốt khi số liệu kinh tế Mỹ công bố khả quan.

Mặc dù USD tiếp tục tăng giá, song bà Ngọc cho biết, diễn biến tỷ giá trong nước là khá ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm.

Hiện nay, tỷ giá VND/USD trong tháng gần như ổn định, xoay quanh 22.011VND/USD.

Lạm phát cơ bản tăng thấp

Tháng Mười, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) chỉ tăng 0,07% so với tháng Chín và tăng 1,86% so với cùng kỳ. Như vậy, mười tháng của năm so cùng kỳ lạm phát cơ bản tăng 1,82%.

Như vậy, lạm phát chung tháng Mười đã có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Theo bà Ngọc, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, như giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

“Bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm 2015, với mức lạm phát chung tăng 2,27% và lạm phát cơ bản tăng 1,82%, độ doãng giữa hai chỉ số này hiện không lớn, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô,” bà Ngọc đánh giá.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhom-gia-thuoc-dich-vu-y-te-tac-dong-manh-len-cpi-thang-muoi/413185.vnp