Nhọc như sống trên ốc đảo giữa lòng hồ Cấm Sơn

Chỉ cách Hà Nội gần 100km, cách trung tâm xã Sơn Hải 10km, nhưng thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lại biệt lập như một ốc đảo ở giữa lòng hồ Cấm Sơn. Ốc đảo này từng được biết đến là nơi không điện, không đường, không trạm y tế với hàng trăm cuộc chạy lụt khi nước dâng cao cuốn hết mùa màng.

Chèo thuyền vào đảo

Hôm chúng tôi đến Đồng Mậm, trời mưa rất to. Vừa nhìn thấy chúng tôi, cán bộ địa chính xã Sơn Hải đã phủ đầu: “Không vào Đồng Mậm bằng đường bộ được đâu, phải đi thuyền thôi”. Chả là, con đường xẻ núi, san đèo dài 20km vòng vèo từ xã đến thôn Đồng Mậm do một số nhà báo về đây công tác thấy khổ quá, mà vận động quyên góp cùng chính quyền và nhân dân xây dựng vẫn chưa hoàn thiện nên hễ mưa lại lầy lội, sạt lở. Cán bộ xã phải chạy đi, chạy lại cả giờ đồng hồ mới thuê được thuyền đưa chúng tôi vào thôn.

Con đường mới mở từ xã tới thôn Đồng Mậm. Ảnh: G.T

Đồng Mậm cực kỳ thiếu đất để sản xuất bởi 100% là rừng phòng hộ Cấm Sơn. Thế nên, cuộc sống khốn khó cứ đeo đẳng, bám riết khiến thanh niên trai tráng ở đây đều thoát ly ra thành phố kiếm việc. “Nếu xã tham mưu cho huyện và tỉnh, chỗ nào rừng phòng hộ sát với ruộng thì cho bà con trồng keo, bạch đàn, một giải pháp vừa thoát nghèo mà vẫn trồng rừng phòng hộ được thì cái thôn đẹp như tranh vẽ này, mới thoát khỏi bị xếp hạng trong 36 thôn nghèo nhất cả nước” - ông Phụ đề xuất.

Lắc lư vài giờ giữa hồ Cấm Sơn - công trình đại thủy nông lớn thứ tư của cả nước, thuyền rẽ vào một con lạch nhỏ, men theo dòng nước là những dãy núi trùng điệp với tán cây nguyên sinh um tùm. Chúng tôi lên bờ lại được tăng bo bằng chiếc xe máy trên con đường chuột chạy chỉ vừa bánh xe máy.

Nằm giáp với huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), thôn Đồng Mậm có 101 hộ dân, nhưng cả thôn vắng hoe do người dân đã thoát ly, hoặc đi chăn trâu, đánh bắt cá chưa về.

Vợ bí thư chi bộ thôn Đồng Mậm thấy nhà báo hỏi thăm vội chạy ra cái túi bóng treo sát mái nhà, lơ lửng giữa cửa móc ra một chiếc điện thoại loại Nokia “cục gạch”, bấm một hồi rồi than: “Không may rồi, hôm nay sóng yếu, phập phù.

Điện thoại chủ yếu để nghe đài FM thôi. Để tôi lấy xe máy đi gọi ông ấy về”. Ông Giáp Văn Phụ - Bí thư chi bộ thôn ngồi sau xe vợ đèo về, ông oang oang giải thích: “Ai biết được có khách, tôi đi chăn trâu ở dãy núi đằng kia”. Nói rồi, ông Phụ ào vào nhà giục vợ lấy hết 3 cái quạt máy ra bật đãi khách. Giọng tự hào, ông khoe: Đồng Mậm có điện rồi đấy, lần đầu tiên từ thuở khai thiên lập địa, người Đồng Mậm xem được tivi tại nhà, nấu được cơm bằng nồi điện, đi ngủ không phải dùng quạt tay… Sướng lắm”.

Theo lời kể của ông Phụ thì Đồng Mậm được hình thành từ 5-7 hộ dân làm nghề đánh bắt lòng hồ cách đây cả trăm năm. Đời này qua đời khác cứ thế sinh sôi cho đến ngày nay. Đồng Mậm có 101 hộ, 40% là người dân tộc Nùng. Không có đường bộ, từ bao đời nay việc đi lại của người dân chỉ dựa vào thuyền. Nhưng những năm gần đây, do mực nước hồ Cấm Sơn liên tục dâng cao, việc đi lại của người dân càng khó khăn hơn. Không đường, không điện, không trạm y tế khiến cuộc sống của người dân co cụm thành một ốc đảo.

“Mỗi khi đau ốm mà để ra được trạm y tế xã vất vả lắm. Ngày nắng không sao, hôm mưa bão thuyền không đi nổi, cố đi có khi chết đuối như chơi. Đêm hôm mà nhà nào có người ốm đau, xách đèn dầu đi tìm thuyền máy đã khổ, tìm được người chịu chở rồi, thắp đèn chạy trên lòng hồ sâu 80m còn sợ hơn. Cuộc sống hoàn toàn tự cung, tự cấp, ngoài phục vụ tại chỗ, có con gà, con lợn, mớ rau, con cá bà con lại chèo thuyền mang sang Hũng Lũng, Chi Lăng (Lạng Sơn) bán và mua về những vật dụng thiết yếu. Có thời điểm 90% dân số ở Đồng Mậm là hộ nghèo”-ông Phụ chia sẻ.

“Người dân Đồng Mậm chỉ biết làm nông nghiệp. Họ cấy lúa, nhưng nước mấy năm nay dâng cao, may lắm một năm được một vụ. Dân quay sang trồng vải thiều và sắn, nhưng đò giang cách trở, vải thiều muốn bán được phải cho lên xe thồ, rồi đưa xuống thuyền, chở vào trung tâm thị trấn. Chuyển đi chuyển lại, vải đến chợ thường mất tươi, giập nát nhiều, chỉ bán được giá bằng nửa so với nơi khác. Quả vải nơi khác bán 15-20 nghìn/kg, vải Đồng Mậm chỉ bán được 8-10 nghìn đồng” - ông Phụ thở dài.

Xếp hạng thôn nghèo

Để có sóng người dân thôn Đồng Mậm phải treo điện thoại trước cửa nhà. Ảnh: I.T

Cô giáo Nguyễn Thị Thạo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hải nhớ lại, gần 3 năm trước, Đồng Mậm nằm cách biệt, không có đường bộ. Tại điểm trường ở Đồng Mậm, cứ sáng thứ Hai, giáo viên lại chèo thuyền vào, chiều thứ Sáu lại chèo ra, vừa đi bộ vừa đi thuyền máy, khoảng 1 giờ mới vào đến nơi. Lo nhất là các em học sinh tiểu học, nhiều em phải đi thuyền tới trường, chèo tay thì 2 giờ đồng hồ mới tới lớp học. Những ngày sóng to, gió lớn, rét đậm, mưa bão, nhìn học trò tím tái, ướt lướt thướt trong giá rét giữa mênh mông sóng nước mà thấy thắt lòng.

“Nhiều nhà báo đến đây viết bài, xúc động khi nhìn cảnh trẻ em chèo đò đến trường, các nhà báo đã quyên góp nhuận bút, tiền lương, rồi kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ. Lúc đầu, các anh chị nhà báo và xã chỉ định mở con đường 16km, sau kéo dài thành 20km. Các nhà báo, nhà văn cứ gom góp dần, được vài chục triệu lại lên Đồng Mậm một lần. Đầu tiên, đường mở giúp dân trong thôn đi bộ được đến với nhau, rồi đường kết nối đến trung tâm xã” - cô Thạo kể.

“Có đường, có điện rồi, Đồng Mậm chắc không còn được gọi là ốc đảo nữa nhỉ?”. Nghe tôi hỏi, ông Giáp Văn Phụ lắc đầu: “Ở đây vẫn còn biệt lập với bên ngoài như khu Thùng Thình, Suối Khoan đều đi lại hoàn toàn bằng thuyền nên chúng tôi vẫn giống như một ốc đảo. Con đường mà các nhà báo xây dựng cho Đồng Mậm tuy chỉ mới san gạt xong, đèo cao đi lại khó khăn nhưng có con đường này với chúng tôi là tốt lắm rồi. Nhờ có đường mà người ta mới kéo được điện vào thôn”.

Tháng 9.2014 là một thời khắc trọng đại với người dân Đồng Mậm khi đường điện cao thế đã về tới thôn, chấm dứt cuộc sống tối tăm tồn tại qua bao đời. Từ việc có điện, bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân đã có một bước chuyển biến mới. Số hộ mua được xe máy chiếm tới 70%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 58%. Cả thôn có 2 ngôi nhà mới được xây dựng khang trang hơn.

Nhưng đời sống của người dân Đồng Mậm vẫn là nỗi trăn trở, day dứt của bất cứ ai khi đặt chân tới đây. Đi vòng quanh thôn, chứng kiến cuộc sống của người dân, chợt thấy nao lòng. Và những gì mình chứng kiến đủ để tôi hiểu rằng vì sao Đồng Mậm là 1 trong 36 thôn nghèo của toàn quốc.

Ngôi nhà bé như túp lều, lụp xụp của ông Nguyễn Văn Dũng mấy năm nay luôn hứng chịu bất hạnh. Ông Dũng trên 70 tuổi bị ngã sau một lần đi hái rau nay không còn sức lực để vực dậy. Con trai ông mất vì đuối nước, bỏ lại 2 đứa cháu nội. Ông còn một cô con gái năm nay ngoài 20 tuổi nhưng bị thiểu năng trí tuệ. Không chỉ ông Dũng mà người dân ở Đồng Mậm đang đứng trước bao khốn khó khi ruộng dần mất do nước hồ dâng, nguồn hải sản đánh bắt ngày một cạn kiệt. Trải qua mấy đời mưu sinh trên lòng hồ Cấm Sơn, cuộc sống của những ngư dân như ông Hứa Văn Hải vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo.

Do ngư dân của 4 xã đánh bắt tràn lan dẫn đến nguồn hải sản trên hồ Cấm Sơn ngày một tận diệt. Ông Hải cho biết: “Đánh bắt đã vất vả nhưng tìm nơi tiêu thụ còn khó hơn. Người dân phải mang cá, thực phẩm đi thuyền, sau đó đi bộ 6km mới tới chợ Sông Hóa, gần thị trấn Đồng Bành, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn để bán. Đến mùa mưa đánh bắt không được, mà nước ngập còn làm chết hết lúa. Mỗi năm nông dân chỉ được 1 vụ chiêm thôi, có ruộng 3 năm không được thóc ăn. Người dân chỉ trông chờ vào vụ vải nhưng năm nay vải cũng mất mùa”. Ở Đồng Mậm không có sóng điện thoại và sóng truyền hình nên muốn gọi điện phải đi thuyền ra giữa hồ hứng sóng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nhoc-nhu-song-tren-oc-dao-giua-long-ho-cam-son-687857.html