Nhớ về Nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đã 70 năm trở về với đất mẹ, nhưng tên tuổi của ông luôn được nhắc đến trong lịch sử dân tộc, lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam.

Giữa những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về ngôi nhà tưởng niệm nhà báo - liệt sỹ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam - Trần Kim Xuyến, tại thôn Trung Thượng, xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Bước chân vào nhà tưởng niệm Trần Kim Xuyến, mỗi kỷ vật đều nhắc nhở về nhà báo quả cảm đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, khiến niềm tự hào, khâm phục dâng trào trong mỗi PV trẻ chúng tôi. Dâng nén hương thơm lên bàn thờ, chúng tôi cúi đầu tưởng nhớ liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tiếp đón chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cưu - em họ nhà báo Trần Kim Xuyến, người trông nom nhà thờ, nhà tưởng niệm - kể: "Trước kia, việc thờ cúng liệt sĩ Kim Xuyến được làm tại nhà thờ chung của dòng họ. Tuy nhiên, nhà thờ đã qua nhiều đời, bị xuống cấp. Nhà tưởng niệm này nằm trên mảnh đất 50 mét vuông do vợ chồng tôi hiến tặng, xây bằng nguồn hỗ trợ của TTXVN và chính quyền địa phương, cũng có một phần do anh em họ hàng góp thêm vào".

Bà Nguyễn Thị Cưu - em họ nhà báo Trần Kim Xuyến là người trông nom nhà thờ, nhà tưởng niệm của nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Nhà tưởng niệm nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến trưng bày những hiện vật, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời hoạt động của ông; trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bên ấm nước chè xanh, bà Cưu kể, ngày bà về làm dâu thì ông Trần Kim Xuyến đã rời quê hương để tham gia hoạt động cách mạng. Không có nhiều cơ hội gặp ông, nhưng bà được nghe rất nhiều người già trong làng kể, ngay từ nhỏ ông đã thông minh, nhanh nhẹn hơn người.

Nhà tưởng niệm với nhiều kỷ vật liên quan đến nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Theo tìm hiểu, nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có 3 anh chị em. Khi ông lên 10 tuổi, cũng là thời điểm chứng kiến khí thế sục sôi của Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh cũng như nhìn thấy sự dã man, độc ác của kẻ thù. Bởi vậy, ông sớm hiểu được nỗi thống khổ của người dân mất nước.

Trong suốt 4 năm học tại trường Quốc học Vinh, tỉnh Nghệ An, ông đã bí mật tiếp xúc với cách mạng, đọc sách bí mật của Đảng. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm ở tòa sứ tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc).

Làm việc trong công sở Pháp, ông càng nhận rõ bộ mặt của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Được giác ngộ cách mạng, ông được phân công hoạt động ở vùng Bắc Giang và Hà Nội.

Năm 1944, ông bị bắt và giam vào nhà tù Hỏa Lò. Ngày 9/3/1945, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Và nhiều tư liệu về cuộc đời hoạt động của ông được lưu giữ cẩn thận tại nhà lưu niệm.

Là một cán bộ cốt cán, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt, tham gia chuẩn bị phục vụ lễ Tuyên ngôn Độc lập, ra mắt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội); được Bác Hồ chỉ thị tham gia thành lập Đài phát thanh Quốc gia.

Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành các cơ quan thông tấn, cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin của chính quyền cũ. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Kim Xuyến có nhiệm vụ tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam sơ tán ra hậu phương. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Ông bình tĩnh đưa tài liệu đến chỗ kín đáo. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, thì ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Nói về nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến, ông Lê Nhật Tân, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Sơn bày tỏ: “Sơn Mỹ là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, không những vậy, nơi đây còn sinh ra nhà báo, liệt sỹ đầu tiên của nền Báo chí CMVN; đây là điều mà địa phương rất tự hào. Ông là tấm gương của lòng dũng cảm, đầy khí chí của một người cách mạng. Chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tấm gương của ông một cách rộng rãi, để thế hệ con cháu biết đến và noi theo”.

Để tưởng nhớ ông, vào sáng 17/6, chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, TTXVN đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến.

Ngân Hà - Khánh Linh

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nho-ve-nha-bao-dau-tien-cua-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam-0129794.html