Nhớ Trần Bạch Đằng với xây dựng văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long

Cuối những năm 80 tình hình biến động ruộng đất ở ĐBSCL dẫn đến những hệ lụy phức tạp. Bức xúc trước đòi hỏi chính đáng của nông dân muốn được làm chủ mảnh ruộng đã” bị tập thể hóa”, đồng chí Trần Bạch Đằng viết một số bài báo phân tích nguyên nhân có lý, có tình về sai lầm của phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

Ông Trần Bạch Đằng.

* Nhân 90 năm ngày sinh Trần Bạch Đằng (15/7/1926-15/7/2016), ngày 12/7 đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ TP HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng dẫn đầu cùng các ông Lê Thanh Hải- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM cùng nhiều lãnh đạo thành phố đã đến thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ ông.

Năm 1971, tôi được tổ chức phân công về công tác tại Văn phòng Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (I.4), trực tiếp làm thư ký riêng của Phó Bí thư thường trực Khu ủy Nguyễn Thành Thơ (đồng chí Mai Chí Thọ – Năm Xuân là Bí thư).

Sau hội nghị Khu ủy mở rộng (1/1972), đồng chí Trần Bạch Đằng được điều lên nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam nên tôi không có điều kiện gần ông. Từ giữa năm 1974, tôi chuyển công tác về Hội Văn nghệ giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định, sau ngày thành phố giải phóng (30-4-1975) tôi mới có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với đồng chí Trần Bạch Đằng tại số nhà 79, đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay.

Những ngày đầu Sài Gòn - Gia Định (nay là TP HCM) giải phóng, với tư cách cán bộ lãnh đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, đồng chí Trần Bạch Đằng huy động cán bộ chúng tôi ngoài cương vị của mỗi người, không chỉ thu dọn vệ sinh môi trường ở những nơi Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và các Ban chuyên môn của Hội Văn nghệ giải phóng Miền Nam và Hội Văn nghệ I.4 tiếp quản.

Ở những tòa nhà này không chỉ là nơi làm việc của chế độ cũ mà còn có thư viện với rất nhiều loại sách, báo cần phải thu gom xử lý. Với cách nhìn của nhà chính trị làm công tác văn hóa, tư tưởng, đồng chí Trần Bạch Đằng yêu cầu chúng tôi phân loại trong đống sách báo ấy những tác phẩm nghiên cứu có giá trị phải lưu giữ và bảo quản như tập san nghiên cứu “Sử địa”, đặc biệt là sách nghiên cứu, biên khảo về lịch sử văn hóa, lịch sử, dân tộc học Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Đình Đầu, Tạ Chí Đại Trường...

Nhờ đó, tôi đã chọn được những bộ sách nghiên cứu rất thú vị. Gặp những tác phẩm có nhiều bản, tôi không ngần ngại nói với ông: “Chú Tư cho cháu một bộ!”. Ông cười, đồng ý. Nhờ những cuốn sách này, tôi hiểu thêm về vùng đất Phương Nam qua biên khảo, nghiên cứu công phu của các học giả Sài Gòn.
Những năm đầu thập niên 1980 tôi làm việc tại Hà Nội, thường sang Nhà khách Trung ương Đảng (8 Chu Văn An - Q. Ba Đình) thăm thủ trưởng cũ là đồng chí Nguyễn Thành Thơ lúc ấy đang làm Phó Ban cải tạo nông nghiệp Miền Nam.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Thời gian này, đồng chí Trần Bạch Đằng cũng ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó Ban Dân vận Trung ương và “lưu trú” tại số 8 Chu Văn An. Có lần, tôi được ngồi cùng hai ông nhớ chuyện những ngày ở căn cứ Khu ủy trên đất bạn Campuchia và ngày đầu về tiếp quản Sài Gòn – Gia Định. Chính trong cuộc vui đó, đồng chí Trần Bạch Đằng gợi ý tôi trở lại Sài Gòn.

Ông nói: “Mười Thơ chuẩn bị về làm Hội Nông dân, chú nên trở lại sống ở Sài Gòn. Thể nào Hội cũng phải có tờ bào!”. Đây chính cơ duyên để tôi trở lại TP HCM, trở thành người thành phố như hôm nay.

Đầu năm 1983, tôi chuyển từ tạp chí Folklore ở Hà Nội sang Ban trù bị Đại hội Hội Nông dân Việt Nam, công tác tại T.88 (Văn phòng Hội Nông dân VN ở TP HCM). Được tham gia công tác Hội Nông dân, tôi có dịp đi nhiều nơi trong vùng ĐBSCL.

Tôi hăm hở đi cơ sở, lấy tư liệu bắt tay viết tác phẩm nghiên cứu “Bước đầu tìm hiểu Văn hóa mới ở ĐBSCL”(NXB TP HCM – NXB Tổng hợp hiện nay ứng trước tiền bản quyền). Sách dày 130 trang đánh máy A4. Bản thảo đánh máy xong, trước khi đưa đến nhà NXB thành phố, tôi xăm xăm mang lại nhà riêng của đồng chí Trần Bạch Đằng ở góc đường Phan Kế Bính - Điện Biên Phủ (Q.1 - TP HCM) với ý định nhờ ông đọc và cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh.

Thấy tôi nghiên cứu về một đề tài mới, ông vui vẻ nhận lời. Đúng hẹn, một tuần sau tôi trở lại, vừa thấy tôi, ông bắt tôi ngồi xuống ghế, nói rổn rảng: “Chú duy ý chí lắm. Tại sao lại lấy cấp huyện làm nền tảng để xây dựng văn hóa mới cho ĐBSCL. Chú đã đọc “Chuyện thường ngày ở huyện” của một nhà văn Nga chưa? Phá tung ra, viết lại! Viết lại. Phải đi từ cơ sở. Phải xây dựng văn hóa mới từ chủ thể là chính người nông dân và phục vụ lại họ”.

Cuối những năm 80 tình hình biến động ruộng đất ở ĐBSCL dẫn đến những hệ lụy phức tạp. Bức xúc trước đòi hỏi chính đáng của nông dân muốn được làm chủ mảnh ruộng đã” bị tập thể hóa”, đồng chí Trần Bạch Đằng viết một số bài báo phân tích nguyên nhân có lý, có tình về sai lầm của phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

Dĩ nhiên, trong bối cảnh ấy, những thiết chế văn hóa mang tính bao cấp cùng hàng loạt Trung tâm nhà văn hóa cấp huyện bị đóng băng, không phát huy tác dụng, dần xuống cấp và hoang phế. Tập sách “Bước đầu tìm hiểu văn hóa mới ở ĐBSCL” mà đồng chí Trần Bạch Đằng góp ý phải viết lại theo một tư duy mới cũng gác đến hôm nay.

Càng chiêm nghiệm ý kiến góp ý của đồng chí Trần Bạch Đằng, tôi càng thấy tầm nhìn của một nhà chiến lược trên nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề xây dựng nền văn hóa ở ĐBSCL dưới góc độ đổi mới tư duy gắn với hội nhập quốc tế.

Khuynh Diệp
(Nguyên cán bộ Văn phòng Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - I.4)

87 tham luận tham gia hội thảo
“Đồng chí Trần Bạch Đằng - Người cộng sản kiên trung”

Sáng 14/7, Thành ủy TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng - Người cộng sản kiên trung” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Trần Bạch Đằng (15/7/1926-15/7/2016). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng dự hội thảo.

Hội thảo nhận 87 tham luận gửi về khẳng định tầm vóc của đồng chí Trần Bạch Đằng - một nhà cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, toàn diện. Cuộc đời cách mạng sôi nổi của ông đã ghi những dấu ấn sâu đậm đối với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Trải qua phong ba bão táp của hai cuộc kháng chiến, đương đầu với hiểm nguy, vượt qua khó khăn gian khổ, dù ở đâu, trên cương vị nào đồng chí cũng gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, khẳng khái đề xuất những giải pháp hay, biện pháp có hiệu quả góp phần vào thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng và cách mạng cả nước nói chung.

Trải qua các cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Phó Ban Dân vận Trung ương…, đồng chí Trần Bạch Đằng đã thể hiện tinh thần kiên trung, hoạt động đầy sung mãn trên nhiều lĩnh vực, với nghị lực của người chiến sĩ cách mạng. Với trí tuệ tinh thông, tư duy nhạy bén, sắc sảo, bản tính cần mẫn nghiêm túc trong công việc, thoáng đạt trong ứng xử, luôn tự học trong cuộc sống, trong chiến đấu, đồng chí Trần Bạch Đằng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh, phòng, chống những sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, trong đó có thái độ kiên quyết đấu tranh với tình trạng tham ô, tham nhũng là một trong những vấn đề đồng chí Trần Bạch Đằng dành nhiều thời gian để suy nghĩ và phản ánh qua nhiều trang viết.

Hơn 20 năm trước, đồng chí đã kiến nghị về việc ban hành một đạo luật phòng, chống tham nhũng làm cơ sở pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa và trừng trị quốc nạn này, một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Gần 10 năm sau, tháng 11/2005, kiến nghị này của đồng chí Trần Bạch Đằng mới trở thành hiện thực. Điều đó cho thấy sự trăn trở, mẫn cảm với thời cuộc của một bậc cách mạng lão thành, nhất là khi toàn Đảng đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Lam Hồng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/nho-tran-bach-dang-voi-xay-dung-van-hoa-dong-bang-song-cuu-long/110467