Nhớ tháng 12 năm ấy

Những ngày cuối năm 1972 không thể nào quên, người dân Hà Nội vợi đi nhiều vì sơ tán về các vùng lân cận. Nếu đứng ở ngã tư Quán Sứ - Tràng Thi (cạnh cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam - TNVN) thì nhìn rất rõ Nhà hát Lớn vì rất vắng người. Nhưng nếu ngước mắt nhìn lên cao thì thấy trên các nóc nhà cơ quan, bệnh viện, trường học... những chiến sĩ tự vệ và cả dân quân đang tập trung cao độ hướng tầm nhìn 8 hướng, cảnh giác với lũ giặc trời và sẵn sàng nhả đạn.

Nhạc sĩ Dân Huyền.

1. Khi tiếng kẻng hối hả vang lên là tiếng “gừ gừ” nghe đều đều như tiếng xay lúa, càng lúc càng to dần. Rồi mặt đất bắt đầu rung lên, liên hồi, kéo theo những tiếng nổ rền. Đó là sự xuất hiện của máy bay B52. Đêm nào cũng vậy, con “ngáo ộp” cứ lừ lừ đến và gây tội ác. Xen giữa những đợt ném bom đó, cứ khoảng 15 - 20 phút chúng lại cho 1 hoặc 2 chiếc máy bay F111, loại “cánh cụp cánh xòe” bay rất thấp, tiếng gầm rú man rợ. Chỉ một chiếc như thế cũng đủ cho cả thành phố thức giấc. Chúng cứ thế nên mọi người ngủ luôn dưới hầm. Đến sáng hôm sau, tin tức mà ai cũng muốn biết là chúng thả bom nơi nào? Điều quan trọng hơn nữa là có mấy chiếc B52 bị ta bắn rơi, bao nhiêu phi công Mỹ bị bắt.

Ngày ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nguyễn An và tôi được phân công ở lại Hà Nội để thay đổi các chương trình ca nhạc và văn học nghệ thuật khi cần, phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở cả hai miền Nam Bắc. Chúng tôi ăn ngủ và làm việc dưới căn hầm nhà 2 tầng phía sau cơ quan. Chúng tôi lúc nào cũng như con thoi chạy qua chạy lại giữa 58 Quán Sứ và 39 Bà Triệu, nơi biên tập và nơi truyền âm phát sóng…

Phòng thu “dã chiến” lúc đó đặt ở tầng 1 gần cổng chính của Đài. Đúng là “bận thì bận mà vui càng vui” như lời một bài dân ca thời ấy. Chứng kiến một không gian hào hùng đầy khí phách của Hà Nội, chúng tôi không ai bảo ai mỗi người đều cố gắng viết bài hát để thể hiện tình cảm của mình và đó cũng là trách nhiệm của một công dân với thời cuộc. Một cuộc thi đua thầm lặng nhưng không kém phần sôi nổi đã diễn ra.

Anh Phạm Tuyên viết rất nhanh bài “Hà Nội những đêm không ngủ” thể hiện tình cảm của người ở lại với người đi sơ tán đang tạm xa Thủ đô. Còn anh Nguyễn An cũng vừa hoàn thành xong bài “Tiếng hát của Hà Nội hôm nay” để báo tin với quân và dân cả nước rằng, mặc cho bom đạn Mỹ tàn phá Thủ đô ta, nhưng người Hà Nội vẫn vững vàng và luôn ngân vang tiếng hát chiến đấu và chiến thắng.

Bản nhạc “Cánh cụt cánh què” của nhạc sĩ Dân Huyền.

2.Tối hôm 22/12, tôi đang ngồi nghe lại chương trình ca nhạc ngày thành lập quân đội thì Tổng biên tập Trần Lâm đến. Ông hỏi đã xong được bài nào chưa? Anh Tuyên và anh An lần lượt khoe ngay và hát luôn. Ông Lâm rất vui và nhắc chúng tôi cần có thêm bài khái quát nói về trận “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội và cũng đừng quên có thêm những bài “châm biếm” không lực Hoa Kỳ. Rồi anh “phân công” luôn cho tôi viết. Anh nói vui: “Đặt hàng đấy, cố lên nhé!”. Tôi đáp lễ bằng nụ cười “quyết tâm” nhưng không giấu được sự lo lắng về trình độ, bởi đây đâu phải là “đặt hàng” mà là “mệnh lệnh của trái tim”.

Viết châm biếm rất khó. Phải chọn được giai điệu, tiết tấu vừa vui nhộn vừa dễ hát. Phần lời cũng phải vận dụng được ngôn ngữ dân gian. Lúc đầu tôi định viết về B52, lấy chất liệu từ điệu “Bà Rí” (Bà rằng, Bà rí…), nhưng chất này tôi đã sử dụng trong bài “Với nhiều, cỏ ít” rồi. Lục lại trí nhớ hồi đi về Phú Thọ (đất Tổ Hùng Vương) thủ thành hát Xoan, hát Ghẹo, tôi bỗng nghĩ ngay đến điệu “Trống quân Đức Bác” (Trống quân, trống quýt, trống cò – Đứa nào lấy tớ, tớ cho quan tiền…). Tôi đang ngồi vào đàn để tìm những nốt nhạc dí dỏm nhất thì anh Tuyên bước vào nói như reo: “Ta bắn rơi F111 rồi!”.

Được dịp, tôi “bám” lấy nó rồi chạy vội lên phòng tin thời sự hỏi lại, mới biết tự vệ nhà máy xay Lương Yên trận địa dọc sông Hồng đã hợp đồng bắn hạ được máy bay “cánh cụp cánh xòe”. Thế là tôi “vớ” ngay bốn chữ ấy biến nó thành “cánh cụt, cánh què”. Như có động lực mới, cả lời và nhạc cùng lúc cứ thế mà “tuôn” ra:

“Cánh cụp, cánh cụp cụp với lại cánh xòe xòe
Bị đạn tầm thấp ta ghè hàng xâu
Mỹ khoe Mỹ mạnh Mỹ giàu (ái chà chà)
Cả cánh lẫn đầu xuống tận bùn đen
Giặc lái kinh hoàng mặt mũi nhọ nhem
Hễ đến đất này thì xác chúng bay nhiều thêm…”

Viết xong lời một, tôi vừa đàn vừa hát cho anh An nghe. Anh An nói nên thêm lời hai cho đủ ý và phong phú. Hễ “phang” thì phang cho “đã”. Viết mau lên để sáng mai xe giao liên đem cả 3 bài lên đoàn ca nhạc thu cho kịp. Thế là suốt đêm hôm ấy tôi hoàn thành xong lời hai…

Tôi thở phào nhẹ nhõm, chép lại toàn bài và không quên ghi: Tốp nam hát. Sáng dậy nộp cho anh Tuyên để gửi lên Hòa Bình kịp dàn dựng.

Sáng 28/12 chúng tôi nhận được băng ghi âm 3 bài hát từ nơi sơ tán của đoàn ca nhạc gửi về. Trong chương trình ca nhạc 11h30 trưa hôm đó và các chương trình tiếp theo đã được truyền đi kịp thời trên làn sóng của Đài TNVN cùng những bài hát của các nhạc sĩ khác. Bài hát “Cánh cụt cánh què” của tôi do nhạc sĩ Văn Cước phối khí, hai nghệ sĩ Đăng Khoa và Hữu Nội trình bày.

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 20 ngày, tôi lại được lệnh cùng một bộ phận biên tập của Đài đi sơ tán cách Hà Nội hơn 300 km. Trong hành trang mang theo, tôi không quên những lá thư của thính giả đề nghị được nghe lại bài hát “Cánh cụt cánh què”. Thấm thoắt đã 44 năm tròn sau trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội anh hùng, đã bắn rơi 32 máy bay của Mỹ có cả B52 và F111 trong 12 ngày đêm rực lửa.

Khánh Thảo
(Ghi theo lời kể của nhạc sĩ Dân Huyền)

Từ khóa

tháng 12 năm ấy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/nho-thang-12-nam-ay/141413