Nhớ sông quê…

Cái nơi mà mình hay nhắc đến không phải là nơi mình được sinh ra, cũng không phải là quê quán thường ghi trong lý lịch là nơi sinh của cha. Đó là nơi mình sống thời gian dài nhất, gắn chặt với tuổi thơ của mình, anh em mình. Đó là một cái làng ven rạch Cái Sơn, ven ô TP.Cần Thơ.

Con sông quê (ảnh minh họa)

Con sông quê (ảnh minh họa)

Giờ cái rạch cũng đã trở thành cái sông do 2 bên bờ năm nào cũng bị lở, xói mòn. Cái sông rộng hơn, lưu thông nhanh hơn nhưng cũng cuốn nhanh hơn những niềm vui của bọn trẻ.

Ngày đó, nước sông có lẽ sạch hơn bây giờ, bọn trẻ con tụi mình ngày nào cũng lao xuống tắm, người lớn giặt giũ, vo gạo, rửa rau, rửa cá... Nói chung đủ mọi sinh hoạt trong khu bếp và cả trong nhà tắm của các gia đình như hiện giờ diễn ra trên sông.

Nếu lấy cách sống khá tiện nghi hiện giờ áp vào cái thời đó và nhận xét thì: ôi thôi, gớm. Nhưng vào thời điểm đó, những chuyện này cực kỳ bình thường. Nhiều khi quá tiện. Ví dụ má vừa ngồi giặt đồ vừa có thể ngó tụi mình tắm. Một công đôi việc.

Cái sông còn là nơi nuôi sống nhiều gia đình. Hồi đó, sau giờ học mình hay đi câu cá lòng tong. Có bữa câu nhiều đủ ăn cho cả nhà. Ở bến sông nào có người rửa thịt heo, mỡ nó lan trên mặt sông, mấy con cá lòng tong khoái chí lên đớp đớp, canh me mấy chỗ đó là giật cá mỏi tay...

Rồi mùa nước lớn là lúc đi hớt tép bạc. Cái này mình không rành nhưng bọn con trai trong xóm thì khoái lắm. Bắt mấy con cá thòi lòi chặt nhỏ, tước cọng lá dừa, xiên vào miếng cá thòi lòi sống và khoanh nhẹ đầu cọng dừa, cắm xuống mé sông. Tép bạc đến thì lấy rổ xúc...

Cái món tép bạc nghĩ đến thôi là cái cảm giác ngọt thanh của nó dường như vẫn còn vương vấn...

Rồi khi nước ròng, cái trò móc đất sét lên chơi, nặn xoong, nặn nồi, tivi... rồi phơi khô cũng thích. Hồi đó làm gì có nhiều thiết bị như bây giờ nên các món nặn được cũng nghèo nàn như chính cuộc sống của các gia đình thời đó. Nhưng vui.

Bây giờ tiện nghi nhiều, đất sét hóa học đầy trong nhà sách nhưng được bao đứa trẻ mê mệt từ ngày này sang ngày khác. Quá nhiều thứ trò chơi được lập trình tính toán đã cuốn hết gần như toàn bộ thời gian của chúng rồi.

Cái trò nặn tròn “tu na” và đập xuống đất, cái “tu na” nào nổ banh ta lông ở giữa, lỗ thủng to nhất là đứa ấy thắng...

Tự dưng nhớ cái giai đoạn anh Hai và mình mỗi tối đi chài cá. Nhiệm vụ của mình khá đơn giản, xách cái thùng lẽo đẽo theo anh. Khi có cá dính vào chài thì gỡ ra. Nhớ cái cảm giác lúc đó hình như là mình luôn ước chài đừng bị dính vào chà, anh Hai phải lội ra gỡ cực lắm và chài bị rách về ba phải ngồi đan lại.

Vậy mà không ít lần anh Hai phải lội xuống nước buổi tối để gỡ lưới móc vào những cái cọc, đám cây làm chà âm thầm dưới đáy sông...

Tại sao tự dưng ngồi nhớ cái sông tuổi thơ?

Tại cái sông bây giờ nó chỉ còn đơn thuần là cái nơi chứa nước, là nơi tàu bè chở hàng đống khách du lịch ngồi thảnh thơi quăng cặp mắt tò mò lên 2 bên bờ (đôi khi mình cũng trong khung nhìn của họ). Sông không còn mang lại niềm vui cho bọn trẻ bởi vì ít đứa nào tắm sông nữa.

Bờ sông cũng không còn hiền hòa mà có thể sạt, lở bất kỳ khi nào, những rác thải sinh hoạt "hiện đại" đã khiến cho con sông dường như đang oằn mình chịu đựng, rồi chắc chắn nó sẽ phản ứng như kiểu kênh Nhiêu Lộc trước đây hoặc sạt lở nhanh hơn, 2 bờ sẽ ngày càng xa cách.

Tuổi thơ của bọn trẻ quê sẽ mất đi một góc đẹp mà thế hệ ông bà, cha mẹ chúng đã từng tận hưởng nhưng cũng chính họ đã vô tình góp tay trong việc làm cho tuổi thơ con trẻ ngày càng thu hẹp trong những khung nhà khô cứng, tâm hồn chúng cũng không được tắm mát nên có thể sẽ dần mất đi tình cảm với cái nơi gọi là quê hương...

Mà nói cái vụ đi câu mới thấy, hồi xưa vườn tược của bà con trong xóm, bọn trẻ con vô tư vào câu cá lòng tong, không ai la đuổi. Còn bây giờ, mỗi gia đình là một thế giới bất khả xâm phạm...
Phải chăng thời đó, người ít, sản vật thiên nhiên nhiều nên lòng người còn rộng mở?

Chớp mắt vài cái đủ để tạo vài nếp chân chim, người ở đâu mà ngày càng đông đúc. Nhưng người cũ thì không còn bao nhiêu nữa.

Thỉnh thoảng nghe quê nhà báo ai đó trong xóm đã mất, lòng buồn rười rượi như chính người thân của mình. Bởi, đã từ lâu rồi, những gì gắn với nơi này đều đã trở thành một phần của mình.

Thu Trang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/cau-chuyen-van-hoa-c-130/nho-song-que-49557.html