Nhớ nhà văn 'đậm chất Nam Bộ' Lê Văn Thảo

Nhà văn Lê Văn Thảo đã ra đi nhưng có lẽ hình ảnh giản dị , nụ cười ấm áp cùng với những tác phẩm của ông sẽ còn sống mãi trong lòng độc giả.

Chất Nam Bộ từ tính cách

Nhà văn Lê Văn Thảo sống trong Nam, tôi ở ngoài Bắc nên vì công việc, khi nào cần tôi chỉ có thể gọi điện hoặc trao đổi với ông qua email. Nhưng ngay cả lúc ông là chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ông cũng có không ít chuyến ra Hà Nội vì công việc, nhưng tôi vẫn chưa được một lần ngồi cùng với ông trò chuyện hay đơn giản chỉ là một độc giả đã từng đọc tác phẩm của ông.

Vậy mà, chẳng phải vì những lý do này, nhà văn Lê Văn Thảo từ khi còn đương chức này nọ ở hai Hội Nhà văn lớn ông vẫn dành cho tôi – một đứa phóng viên quèn sự gần gũi, tận tình hiếm thấy.

Tôi nhớ có một lần điện thoại hỏi xin ông kết quả giải thưởng Hội Nhà văn TP. HCM, ông cười và tỏ ra khá ngạc nhiên trong điện thoại rằng cuộc họp vừa mới kết thúc, sao tôi biết được nhanh vậy, ông còn chưa kịp ký vào kết quả để công bố. Thế rồi ông hứa ký xong kết quả ông sẽ chuyển ngay cho tôi. Quả thật, chỉ ít phút sau ông đã gửi.

Không chỉ lần đó, ở nhiều lần khác, cứ có bất cứ điều gì cần ông trả lời, ông cũng đều nhiệt tình giải đáp. Nếu ông đang bận thì ông chỉ nói ngắn gọn cần gì cứ cứ gửi email cho ông. Với nhiều nhà văn khác, phải đến một mức thân thiết họ mới có thể sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi qua email một cách nhanh nhất.

Biết ông tên thật là Dương Ngọc Huy, vậy mà tên bút danh lại chả có gì liên quan – Lê Văn Thảo. Vì thắc mắc này, có lần tôi còn hỏi ông, tại sao họ của ông là Dương mà ông lại đổi họ Lê và chọn bút danh bằng một cái tên nghe khá yểu điệu “Thảo”. Ông giải thích, ông tên thật là Dương Ngọc Huy, còn Lê là họ mẹ, ông muốn lấy họ mẹ để đổi tên tiện cho việc hoạt động cách mạng , tham gia kháng chiến của ông . Ông chọn tên Thảo vì đây là tên một người bạn gái đã để lại cho ông ký ức sâu đậm.

Mặc dù đã biết ông lâm trọng bệnh nhưng khi nghe tin ông đã ra đi, tôi bỗng nhớ lại những lần được trò chuyện, trao đổi với ông, như thể ông và tôi cũng khá thân thiết chứ không phải là hai thế hệ khác nhau và được ràng buộc chỉ đơn giải vì công việc. Có lẽ đấy là tính cách của ông, tính cách của anh Hai Nam Bộ như lời một nhà văn từng nói về nhà văn Lê Văn Thảo; gần gũi, giản dị, nhiệt tình, giúp được ai điều gì thì giúp đến cùng, không so bì, câu nệ.

Nhà văn Lê Văn Thảo bên một số tác phẩm của mình. Nguồn nhavantphcm.vn

Đến văn chương...

Tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo cũng đậm chất Nam Bộ từ tính cách, con người, cảnh vật... được thấm vào ngòi bút của ông một cách tự nhiên, chân thực. Văn của ông không hoa mỹ, cầu kỳ mà giản dị nhưng vẫn có sức cuốn hút, giàu chất nhân văn và ám ảnh.

Vào tháng 4 vừa qua, Hội Nhà văn TP. HCM đã tổ chức tọa đàm “Lê Văn Thảo – Tác phẩm và cuộc sống”, tại đây nhiều tham luận cũng như ý kiến chuyên môn đã ghi nhận đóng góp của văn chương của nhà văn Lê Văn Thảo.

Nhà văn Triệu Xuân cho rằng; đọc văn Lê Văn Thảo, tôi càng thêm tha thiết tin yêu vào đất và người xứ này: Người Nam Bộ có tình cảm trong sáng chân chất, mộc mạc nhưng mãnh liệt, ý chí và nghị lực phi thường… Những người nông dân miệt vườn mà tôi đã từng tiếp xúc thật sự là một thế giới của vẻ đẹp giản dị trong tâm hồn, tính cách hào phóng, cả đời không thèm lụy bất cứ điều gì, vui buồn lộ cả ra ngoài nhưng lại rất sâu sắc…

Còn nhà văn Trần Nhã Thụy lại nhận xét, những câu chuyện của nhà văn Lê Văn Thảo tưởng chừng ai cũng có thể kể được nhưng chẳng ai kể hay bằng Lê Văn Thảo. Có những nhà văn may mắn gặp được vài câu chuyện độc đáo để viết ra tác phẩm và thành công, đến khi không còn may mắn gặp những chuyện độc đáo nữa thì ngòi bút sẽ nhạt. Nhưng nhà văn Lê Văn Thảo thì khác, ngay cả với những chuyện có vẻ rất bình thường, nhạt nhòa dưới ngòi bút của ông lại trở lên đặc biệt, hấp dẫn lạ thường.

Nhà văn Lê Văn Thảo có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng độc giả như: Đêm Tháp Mười, Ông cá hô, , Một ngày và một đời, Con mèo, Cơn dông, Sóng nước Vàm Nao, Lên núi thả mây...

Tháng 6/2015 ông phát hiện mình bị bạo bệnh và điều trị. Trong buổi tọa đàm văn học “Lê Văn Thảo – Tác phẩm và cuộc sống “ ông cũng không tham dự được vì sức khỏe yếu. Đến 21/10/2016 nhà văn Lê Văn Thảo đã qua đời tại nhà riêng.

Nhà văn Lê Văn Thảo sinh năm 1939. Ông cũng từng giữ chức vụ Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 7 (2005-2010), Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa 4 và 5 (2000-2010), Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM.

Về giải thưởng văn học, nhà văn Lê Văn Thảo từng nhận giải A tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2012 nhà văn Lê Văn Thảo được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Nhà văn Lê Văn Thảo đã ra đi nhưng có lẽ hình ảnh giản dị , nụ cười ấm áp cùng với những tác phẩm của ông sẽ còn sống mãi trong lòng độc giả.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nho-nha-van-dam-chat-nam-bo-le-van-thao-215853.html