Nhớ nhà báo Hoàng Tùng: Nhân dân là đối tượng phục vụ

Mỗi người nhớ Hoàng Tùng theo một cách. Tôi nhớ câu của ông: Nhân dân là đối tượng phục vụ, không phải để tuyên truyền những điều rỗng tuếch. Vì chân lý, vì lý tưởng thì có mất hết, có chết cũng không lui.

Nhà báo Hoàng Tùng.

Nhà báo Hoàng Tùng.

Tôi về làm Ban Thư ký biên tập Báo Nhân Dân năm 1982. Đó là lúc vị Tổng Biên tập đầu tiên, nhà báo lừng danh Hoàng Tùng sắp thôi chức Tổng Biên tập, chuyển giao chức vụ cao cả này cho nhà báo Hồng Hà. Tuy nhiên, ông vẫn là Bí thư Trung ương Đảng, vẫn làm việc tại nhà hầm của báo, vẫn trực tiếp viết và duyệt những bài báo quan trọng.

Tháng 2-1985, tôi về Bình Lục dự kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nguyễn Khuyến. Ông cùng đi trong chuyến ấy và có bài nói chuyện với đồng bào và các học giả tại sân từ đường họ Nguyễn. Tôi được ông trực tiếp duyệt tin, bài tại “hiện trường”. Và không biết ông về già dễ tính hơn, hay tôi cẩn trọng từ trước, bài không bị sửa mấy và ký ngay Tg (tức Tùng) lên đầu bên trái bản thảo. Trên một đoạn đường của “ngõ trúc quanh co” của đất Yên Đổ, vừa nhai miếng trầu của một bà lão quê đưa tới, ông vừa bảo tôi: “Nếu Nguyễn Khuyến làm quan thì chỉ là một người tầm thường; thậm chí có tội trong thời buổi ấy. Về quê, ông sâu sắc hơn tư tưởng thân dân, học lời ăn tiếng nói nhân dân để trở thành một nhà thơ lớn và bất tử với dân tộc. Văn học có sức mạnh ghê gớm, khó có gì sánh được. Nhưng để sống được với đời bằng văn thì không dễ chút nào. Phải là người đặc biệt lắm. Với văn chương, tớ cũng ngoại đạo, không dám mò vào. Các cậu dân Văn Tổng hợp đừng mơ mộng, ảo tưởng. Chết đấy! Cố gắng mà học, mà rèn lấy nghề báo”!

Về sau, khi ông về hưu hẳn rồi, tôi có vài lần đến nhà riêng của ông ở số 6 Đường Thành để đặt bài, lấy bài; đôi khi chỉ để thăm và được nghe ông nói chuyện. Có lần, hỏi về nghề báo, ông lại dọa: “Làm báo à? Nói láo vừa thôi, không thì giấy trắng mực đen còn đấy. Hậu thế nó cho chết”.

Bài học về con chữ

Trong làng báo Việt Nam, Hoàng Tùng chiếm ngôi vị số một về chính luận. Đọc bài viết của ông, thấy rất dụng công trong việc tu từ, đặc biệt trong việc đặt tít. Những tít bài của ông thường rất giản dị, gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân, thể hiện rất rõ chủ đề, tư tưởng và gây ấn tượng. Chẳng hạn, “Mở rộng chiến tranh là con đường chết của Mỹ” (ND, 23-3-1965); “Sự bối rối của một kẻ mạnh” (ND, 22-4-1967); “Một thế giới quá thừa phương tiện chiến tranh” (ND, 7-3-1992); “Té ra vẫn còn lắm chuyện” (ND, 11-5-1992)… Chuyện ông biên tập cũng thú vị. Có vị cán bộ cấp vụ viết bài “Phong trào đấu tranh của Phật giáo chống Mỹ - Diệm”, ông sửa thành “Cửa từ bi nổi giận” làm tác giả phục lăn. Một ông khác viết xã luận “Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp”, ông phê bên lề: “Trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm này”. Có ông còn bị phê “Viết như c…” .

Khi ông viết một cách giản dị, tôi thấy rất dễ vào lòng người. Bài “Cách mạng và đổi mới” (ND, 15,16-8-1988), ông mở đầu: “Chúng ta đã 42 lần kỷ niệm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám”. Vậy thôi, mà ta thấy có gì quan trọng, rất mới đang chờ đợi ở phần sau. Quả vậy, lúc này là năm 1988, đường lối Đổi mới đã được Đại hội VI vạch ra nhưng nhiều vấn đề cụ thể chưa sáng tỏ; đất nước còn trong cơn khủng hoảng. Bài viết này dựa trên thực tiễn cách mạng, bằng lý luận sắc bén, đã giải quyết được nhiều vấn đề về tư tưởng và định hướng phát triển của đất nước. Trong chính luận, ông có nhiều câu ngắn, mệnh đề đăng đối, có tính chân lý như “Người ta hơn nhau ở chí lớn, không phải bạc vàng” (Tiến lên với khí thế mới, ND, 2-2-1965); “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính” (Tít xã luận ND, ngày 5-3-1979). Ông cũng là người mở rộng biên độ của chính luận, với những xúc cảm trữ tình ngoại đề, những trích dẫn văn chương như trường hợp “Tống cựu nghênh tân” (ND, 15-2-1961); điều mà ngày nay e ngại hoặc ít người làm được.

Điều đặc sắc và đóng góp lớn nhất của Hoàng Tùng là ở những bài xã luận có sức lay động cả nước, mang sức mạnh binh đoàn trong những thời điểm quan trọng của lịch sử.

Những năm đầu của thập niên 1960, Mỹ áp dụng chiến tranh đặc biệt với mục tiêu tìm diệt, Mặt trận dân tộc giải phóng mới ra đời, lực lượng vũ trang còn mỏng; thế giới không tin Việt Nam có thể thắng Mỹ. Lúc này cần thiết phải củng cố lòng tin, trước hết cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta; Hoàng Tùng đã viết bài xã luận mang tính khẳng định cao: Sự thất bại của bọn xâm lược Mỹ là không thể tránh khỏi (ND, 16-2-1962). Ông viết: “Thời đại mà bọn đế quốc chỉ dùng mấy vạn quân là có thể xâm lược được một nước, một loạt nước hàng chục, hàng trăm triệu dân đã qua lâu rồi… Khi hàng chục triệu nhân dân cả nước đã kiên quyết đứng dậy cầm vũ khí chống bọn xâm lược, thì dù dã man, tàn bạo đến đâu, bọn cướp nước cũng không thể thắng nổi”.

Ngày 17-2-1979, bọn cầm quyền phản động Trung Quốc huy động nhiều quân đoàn với hơn 50 vạn quân, nhiều xe tăng và máy bay, ồ ạt sang đánh nước ta trên toàn tuyến biên giới. Ngày 18-2-1979, Hoàng Tùng có bài xã luận “Kiên quyết giáng trả bọn xâm lược dã man, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Xã luận Báo Nhân Dân là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Ngày ấy, tôi còn là một quân nhân, được điều động từ nam ra bắc, trực tiếp tham gia chiến đấu ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua Báo Nhân Dân, chúng tôi lắng nghe những bài xã luận ấy như những lời hịch cứu nước; thấy rõ được tình hình và thái độ dứt khoát của chúng ta, nhanh chóng vượt qua cái phân vân ban đầu là vì sao một nước XHCN, một nước anh em láng giềng lại cất quân xâm lược nước ta.

Sao mà bây giờ thèm một giọng văn như thế trên báo Nhân Dân!

Nhiều người cho rằng, văn của Hoàng Tùng ít thấy dấu ấn tình cảm riêng. Nhưng đọc kỹ, đọc sâu thì thấy phải có tình cảm sâu sắc, hừng hực của cá nhân thì mới có thể viết được những bài chính luận có lửa như vậy. Cũng có khi ông trần tình tâm can của mình, khi ấy, ta thấy ông giống như một nghệ sĩ vô cùng dồi dào cảm xúc, nặng nỗi thương đời: “Cũng lúc giao thừa, cũng tống cựu nghênh tân, nhưng lời cầu nguyện của người này mâu thuẫn với lời cầu nguyện của người khác: kẻ này muốn giàu thêm thì người khác phải nghèo thêm; bọn bóc lột muốn vơ vét thêm của cải xã hội thì người lao động thoát làm sao nổi cảnh khốn cùng, tống làm sao được cựu, nghênh làm sao được tân. Tiếng pháo giao thừa làm phấn chấn những kẻ giàu có, xúng xa xúng xính trong những bộ quần áo lộng lẫy, ở trong nhà cao cửa rộng, sơn hào hải vị chẳng thiếu thứ gì, thì lại làm mủi lòng những người ở trong những túp lều chật hẹp, trống trải bốn bề, gió lùa vào buốt tận xương, bàn thờ tổ tiên lạnh ngắt, con nhỏ không một manh áo mới” (Tống cựu nghênh tân, ND, 15-2-1961). Ông viết là viết chuyện xưa; tưởng sẽ không còn cảnh ấy; đâu ngờ những dòng ấy còn xúc động, còn là trăn trở trong thế kỷ 21, khi ông đã qua đời?

Tôi còn học được ở Hoàng Tùng và các vị tiền bối ở Báo Nhân Dân cách không ngừng suy nghĩ; cách tìm chân lý ở thực tiễn. Bài “Cách mạng và đổi mới” viết năm 1988, ông đặt ra một câu hỏi gay gắt: Vì sao bước vào thời kỳ mới, sự phấn khởi cách mạng lại mất đi hoặc giảm sút? Ông cho rằng, hiểu rõ động lực, người ta sẽ thấy nguy cơ to lớn như thế nào khi để mất hoặc làm suy yếu chúng. Đây là một chân lý sơ đẳng nhưng người hiểu sai, làm sai nhiều hơn người hiểu đúng, làm đúng. Đây là lúc cho phép ông nghĩ đến con người cá nhân, hài hòa trong tập thể; tập thể cũng phải vì cá nhân; đó mới là nhân văn, mới khơi dậy nguồn động lực: “Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội là sự thống nhất giữa lý tưởng và lợi ích của cả cộng đồng và từng người”. Và ông khẳng định, làm gì thì làm, nói gì thì nói “Điều quan trọng nhất là ngày nay nhân dân lao động phải thật sự nắm quyền cai quản đất nước, cai quản mọi hoạt động xã hội với tư cách người chủ thật sự”. Ông nhấn mạnh: Nhân dân là đối tượng để phục vụ chứ không phải là đối tượng tuyên truyền những điều rỗng tuếch. Ở tầm vĩ mô, ông khẳng định tư tưởng độc lập, sáng tạo mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra: “Mỗi dân tộc phải xuất phát từ những đặc điểm kinh tế xã hội, lịch sử của mình, tìm ra con đường riêng đi lên CNXH”. Tôi cũng gặp tư tưởng này ở Nguyễn Khắc Viện: Nếu mở mắt ra Việt Nam thành nước Pháp ngay thì đi theo CNTB được, nhưng đi lại con đường 200 năm đầy máu và nước mắt thì xin kiếu!

Bài học về con người

Hoàng Tùng là niềm tự hào của Báo Nhân Dân, người chủ chốt làm nên thương hiệu và niềm tự hào của Báo Nhân Dân khi ông tập hợp, sử dụng được những ngòi bút tài năng nhất trong làng báo lúc bấy giờ. Với sự đào tạo của ông và tập thể Báo Nhân Dân, một số người bình thường cũng đã vượt lên khỏi mình, trở nên những cây bút có thẩm quyền, có uy tín trong xã hội.

Hồi đấy, người ta thường nói Hoàng Tùng và các vị thánh tông đồ. Các thánh ấy là Quang Đạm, Thép Mới, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ; là Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Quang, Diệu Bình… và nhiều người khác nữa. Một thế hệ vàng chưa lặp lại không chỉ ở Báo Nhân Dân mà còn cả trong làng báo Việt Nam. Báo Nhân Dân được coi là đàn anh không chỉ ở phân cấp hành chính mà chính bởi những con người ấy.

Nhà báo Phan Quang kể: Một lần, ông được cử làm phóng viên phục vụ chuyến Bác Hồ đi thăm cơ sở. Bài tường thuật suôn sẻ. Tuy nhiên ngay sáng hôm báo đăng, Tổng Biên tập gặp giữa sân, nhăn mặt: Sao anh không gửi bài anh viết cho cả báo Thủ đô Hà Nội, Thông tấn xã và Đài Phát thanh cùng sử dụng? Bác Hồ vừa phê bình tôi. Bác bảo: "Ra Bác Hồ là chỉ của Báo Nhân Dân, Bác Hồ không phải của các báo, đài khác nữa sao?". Anh nói tiếp, giọng nhẹ nhàng hơn: Lần sau anh lưu ý hộ tôi nhé. Tôi có quên, anh là người làm trực tiếp, anh phải nhớ.

Mỗi người nhớ Hoàng Tùng theo một cách.

Tôi nhớ câu của ông: Nhân dân là đối tượng phục vụ, không phải để tuyên truyền những điều rỗng tuếch. Vì chân lý, vì lý tưởng thì có mất hết, có chết cũng không lui.

Nhớ để làm người, để làm nghề báo một cách chân chính!

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/chan-dung/item/33203202-nho-nha-bao-hoang-tung-nhan-dan-la-doi-tuong-phuc-vu.html