Nhớ một người bạn cũ

Thời ở chiến khu miền Đông Nam Bộ, nhiều đêm mưa rừng, ngồi một mình trong túp lều lợp lá trung quân, tôi cứ nghĩ lan man. Một nỗi “cô đơn hoàn tán” nào So với ở chiến trường đồng bằng, nơi tôi từng đi và ở, thì ở rừng khả năng sống sót cao hơn. Nhưng chất lượng sống kém hơn, sống khổ hơn.

Minh họa của họa sĩ Chu Thảo.

Còn nhớ, ngày mới vào chiến khu, do không có tiền, nên tôi thường thiếu cả xà phòng giặt loại rẻ nhất. Nhiều bữa phải giặt quần áo bằng “nước trơn” ngoài suối, lại phơi nơi ẩm thấp trong rừng già, nên quần áo bốc mùi rất khó chịu. Còn nhiều nỗi khó chịu khác nữa mà tôi phải tập quen dần. Rồi cũng dần quen. May quá, ở đó tôi gặp một người bạn. Chơi thân với nhà văn Lưu Kiểng Xuân - nguyên trung úy lái trực thăng của quân đội Sài Gòn - là cơ sở cách mạng và lên chiến khu từ Mậu Thân, anh Tư Xuân “truyền” cho tôi một số kỹ năng sống trong điều kiện tối thiểu. Như cách kiên trì ăn cơm với… muối hột. Tư Xuân tuy là sĩ quan không quân Sài Gòn, học hành bài bản, tiếng Anh tốt, lại là nhà văn, nhưng vẫn nguyên chất là một nông dân, con nhà nông ở Cần Đước, Long An. Tư Xuân có quá nhiều kinh nghiệm và kỹ năng của một nông dân Nam Bộ. Nhiều buổi tối, ngồi uống trà với anh, nghe anh kể chuyện bắt cá, phóng chĩa tôm càng xanh trên sông… cùng nhiều chuyện “hành nghề” của nông dân Nam Bộ, tôi nghe mê mải, cảm giác hết sức sảng khoái. Mỗi kiến thức, mỗi kỹ năng ta nghe được, học được, dù lớn dù nhỏ, đều khiến ta cảm thấy mình lớn lên, từng trải hơn.

Là nhà văn, lại “nguyên là” nông dân, nên cách kể chuyện của Tư Xuân rất hấp dẫn, vừa cụ thể, vừa giàu hình ảnh, lại vừa khái quát. Các thủ trưởng hơi có vẻ dè chừng với Tư Xuân, còn tôi, chả có gì phải giữ kẽ với một đồng nghiệp mà tôi thích. Vậy mà sau giải phóng có vài ba năm, vào lúc các thủ trưởng đã bớt dè chừng với một người từng đồng cam cộng khổ với mình trên chiến khu, cũng vào lúc gia đình Tư Xuân làm ăn có vẻ nới hơn, mới tậu được máy làm nước đá, có đồng ra đồng vô, thì Tư Xuân và cả nhà… vượt biên. Trước thời điểm Tư Xuân vượt biên khoảng nửa tháng, tôi lang thang từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, và gặp anh. Lâu ngày anh em gặp nhau, lúc nào chả làm vài xị đế. Nhưng lần này, Tư Xuân mời tôi đi nhà hàng. Nhà hàng Ngọc Lan hay Thanh Lan gì đó, khá tốt. Và uống bia Sài Gòn, không uống rượu đế. Tư Xuân kêu mấy món hơi bị khá so với hồi đó, và hai anh em tôi lai rai. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không biết ý định và kế hoạch vượt biên của Tư Xuân. Chỉ thấy lần này gặp tôi, ngoài tình cảm anh em từ R, sau giải phóng vẫn mặn, thì gương mặt Tư Xuân có vẻ hơi trầm. Chỉ thế thôi. Sau giải phóng, Tư Xuân được chuyển về Ban Văn nghệ, rồi làm báo Văn nghệ thành phố theo nguyện vọng của anh, như thế là ổn. Trong câu chuyện bên ly bia, tôi không nghe Tư Xuân phiền hà gì về các thủ trưởng văn nghệ của mình, nên cũng không để ý. Tư Xuân vượt biên là một bất ngờ với tôi. Dù ai cũng biết, anh từng là sĩ quan không quân Sài Gòn. Nhưng anh đã theo Việt Cộng bao nhiêu năm, trước là cơ sở cách mạng trong nội thành, sau lên hẳn chiến khu làm báo Binh vận, ăn phụ cấp cán bộ sơ cấp hay trung cấp gì đó, nghĩa là thuộc “ngạch VC”, chứ không phải “khách Liên minh”. Anh là người kháng chiến cũ. Bẵng đi rất nhiều năm, tôi lại gặp Tư Xuân ở Sài Gòn. Anh về nước thăm bà con, anh em. Điều thú vị nhất với tôi là Tư Xuân vẫn y như vậy, anh gần như không thay đổi. Nhưng mà có thay đổi, khi nghe anh kể chuyện.

Tư Xuân bây giờ ăn chay trường, anh theo đạo Hòa Hảo. Tư Xuân kể: Sau một thời gian ở Úc, làm ăn cũng khá, anh sắm được nhà riêng. Theo đúng “truyền thống… nhậu” của anh em chúng tôi từ hồi ở Rừng, Tư Xuân quyết định trong ngôi nhà mới của mình phải có một tủ rượu thật hoành tráng. Anh đã thuê đóng xong tủ rượu, chưa kịp bày rượu vào thì… nằm mơ. Có người xưng “Thầy” báo mộng với anh: “Con hãy biến tủ rượu của con thành tủ đựng Kinh Phật Thầy, và con hãy tiếp bước trên con đường hành Đạo mà Thầy đã đi”. Giấc mơ có lời phán truyền của Thầy khiến Tư Xuân đổ mồ hôi hột. Anh lập tức cho dẹp toàn bộ các chai rượu, và thay vào đó, anh bày Kinh Phật. Sau này thêm Kinh đạo Hòa Hảo. Anh quyết định ăn chay trường, và “an bần lạc đạo”. Gặp lại nhau ở Sài Gòn, tôi mời Tư Xuân, Hai Hoàng và Năm Chiêu - ba anh em kháng chiến cũ - ăn cơm ở nhà hàng “Ba Miền”. Tư Xuân vui vẻ nhận lời, nhưng chỉ ăn chay, và nhất định không cho tôi trả tiền, mà giành trả. Tôi kêu rượu vang, nhưng chỉ tôi với Hai Hoàng và Năm Chiêu (cựu Bí thư Chi bộ trong R) uống, còn Tư Xuân thì uống… nước lọc. Hay thật đấy! Một người như Tư Xuân, sau giải phóng đã từng bán rượu Gò Đen - Cần Đước cho tất cả các văn nghệ sĩ ở chung cư 190 Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), bản thân Tư Xuân cũng uống rượu rất chì, vậy mà… Con người ta vẫn có thể thay đổi bất ngờ khiến nhiều khi phát sửng sốt như thế. Và tôi cho đó là sự thay đổi tốt, ít nhất là với Tư Xuân, dù tôi vẫn chưa thật hiểu lắm về chuyện anh theo Đạo Hòa Hảo. Nhưng tôi thấy cách hành đạo của Tư Xuân là rất đẹp. Anh chính là người đã “lôi kéo” một người bạn thân quê Nam Bộ của mình, là chủ tiệm vàng giàu có ở Úc, bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng tượng Phật Bà Quan Âm trên đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi quê tôi. Trước khi Lý Sơn - Quảng Ngãi có tượng Phật Bà cao to, thì Đà Nẵng đã có, pho tượng Phật Bà rất hoành tráng xây trên bán đảo Sơn Trà. Dân Đà Nẵng nói, từ ngày có tượng Phật Bà trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng tránh được các cơn bão lớn. Trong đó có một cơn bão (bão số 9 - năm 2009) trước định đổ bộ vào Đà Nẵng, nhưng tới phút cuối cùng, chợt quyết định đổi hướng và đổ vào… Quảng Ngãi, khiến quê tôi thiệt hại trăm bề. Sau cơn bão số 9 đó, Lý Sơn đã có tượng Phật Bà do người bạn của Tư Xuân xây tặng. Và đúng là từ bấy tới nay, Quảng Ngãi tránh được mấy cơn bão lớn (nhưng vừa rồi lại bị lụt lớn, do Phật Bà cũng không ngăn được mấy tay thủy điện xả lũ). Nhân đây cũng nói, vì sao Tư Xuân có tình cảm với Quảng Ngãi. Số là hồi chiến tranh anh đã từng lái trực thăng cứu thương chở thương binh Sài Gòn, nhiều lần hạ cánh ở sân bay dã chiến gần bệnh viện Quảng Ngãi (cũ) thuộc đường Hùng Vương bây giờ.

Sau những chuyến lái máy bay tải thương ấy, Tư Xuân viết được một loạt bút ký rất xúc động về tình cảnh bi thảm của người lính Sài Gòn khi bị thương. Tư Xuân trở thành nhà báo của Binh vận bắt đầu từ loạt bút ký đó. Và cũng chính thức thành nhà văn khi còn chưa kịp cởi bộ đồ bay để lên… chiến khu. Là bạn của Tư Xuân, lại là dân Quảng Ngãi, tôi cảm thấy mình được ăn theo chút đỉnh trong mối liên hệ tình cảm này. Thỉnh thoảng Tư Xuân từ Úc gọi điện thoại cho tôi, nói sẽ gửi Kinh Phật Hòa Hảo để tôi đọc. Tôi rất vui, dù không hy vọng mình theo được Đạo Hòa Hảo. Nhưng tình bạn giữa tôi với Tư Xuân thì chắc chắn vẫn tiếp tục tốt đẹp. Đó là tình bạn giữa những người kháng chiến cũ, như tôi với Chim Trắng, Trang Thế Hy, Hai Hoàng hay Năm Chiêu và nhiều bạn khác. Nhắc đến lão nhà văn Trang Thế Hy, lại nhớ, hồi tôi mới về Binh vận, chính Tư Xuân đã rủ tôi đi xe đạp tìm sang “cứ” B2 - Văn Nghệ thăm nhà văn Trang Thế Hy. Tôi lúc ấy mới nghe danh Trang tiên sinh chứ chưa biết mặt ông. Còn Tư Xuân thì cứ mỗi lần đàm đạo với tôi về văn học lại nhắc đến Tư Sâm (bí danh Trang Thế Hy) mà anh coi như một bậc thầy của mình trong văn xuôi. Buổi sáng, chúng tôi đạp xe từ “cứ” Binh vận mất khoảng 1 giờ 30 phút thì tới Ngã Tư Nước Đá thuộc đất Campuchia. Tên là lạ này do lính VC đặt cho cái ngã tư chẳng có gì đặc biệt, ngoài một quán nước lèo tèo, bán vài món giải khát rẻ tiền như sâm bổ lượng, thạch đen. Điều đặc biệt nhất ở quán này là… nước đá.

Uống nước giải khát trên mảnh đất lúc nào cũng nóng ran mà có vài cục đá lạnh thì… đã thiệt! Tôi với Tư Xuân dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này, mỗi người vô quán làm một cốc nước đá sâm bổ lượng cho… mát mẻ, rồi mới chịu lên đường đi tiếp. Gần trưa mới tới B2 thì hay tin nhà văn Trang Thế Hy đã đi xuống chiến trường đồng bằng, hình như là đi Bến Tre quê ông.

Chúng tôi buồn quá. May được gặp nhà văn Anh Đức vốn quen biết với Tư Xuân. Anh Đức là nhà văn nổi tiếng, tôi đã học tác phẩm của ông từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chưa được gặp ông bao giờ. Anh Đức tiếp Tư Xuân và tôi khá niềm nở, vợ chồng ông làm thịt con gà nhà nuôi đãi cơm trưa chúng tôi. Đúng ra là đãi Tư Xuân, anh mới là nhân vật chính, còn tôi chỉ ăn theo. Anh Đức cũng chẳng biết tôi là ai, ngoài là một cậu lính mê văn nghệ. Nhưng tôi rất vui, ăn theo mà được ăn theo… thịt gà thì quá tươm! Buổi chiều, tôi với Tư Xuân lại lóc cóc đạp xe về, qua một trảng cỏ voi thật rộng. Chúng tôi đạp xe theo lối mòn, và tôi chợt để ý thấy chi chít những dấu chân người in trên lối mòn chưa kịp khô sau cơn mưa. Có lẽ một đơn vị bộ đội vừa hành quân qua đây để ra chiến trường. Buổi tối về “cứ”, tôi viết luôn được bài thơ “Những dấu chân qua trảng cỏ”, sau này thành tựa đề chung cho tập thơ đầu tay của tôi “Dấu chân qua trảng cỏ”. Sau bao nhiêu năm với biết mấy thăng trầm, cuối cùng tôi với Tư Xuân lại gặp nhau ở Sài Gòn. Anh vẫn là người bạn cũ tôi yêu quý, vẫn là người kháng chiến cũ không bao giờ quên những tháng năm gian khổ của đời mình trên chiến khu. Và vẫn giữ tâm hồn một người nông dân Cần Đước, nơi từng là chiến khu của Trương Định, cũng là nơi có món rượu đế rất nổi tiếng.

Mỗi kiến thức, mỗi kỹ năng ta nghe được, học được, dù lớn dù nhỏ, đều khiến ta cảm thấy mình lớn lên, từng trải hơn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nho-mot-nguoi-ban-cu-516193.bld