Nhớ 'miền gái đẹp'…

Trong đợt thực hiện phim tài liệu “Người cộng sự” nói về cuộc đời, sự nghiệp của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam (nhà cách mạng Phan Bôi), nhóm làm phim chúng tôi có dịp về khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào tỉnh Tuyên Quang để tìm lại dấu tích của vị thứ trưởng tài ba nhưng số mệnh khá ngắn ngủi. Chúng tôi đã đến sông Lô, con sông định mệnh đã chứng kiến sự ra đi của một người con ưu tú của đất Quảng chỉ sau cụ Huỳnh mất mấy ngày. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến mảnh đất được mệnh danh thủ đô gió ngàn kháng chiến Việt Bắc.

Quả thật, phong cảnh ở Tuyên Quang thật nên thơ và cuốn hút. Hai bên đường chúng tôi qua bạt ngàn màu xanh xếp theo tầng từ đồng ruộng đến núi đồi, mây trời. Ấn tượng nhất với tôi là những đồi chè điệp trùng, như những chiếc bát lớn nhỏ úp vào bức thảm xanh núi rừng vùng Việt Bắc. Bữa chia tay quê hương cách mạng Tân Trào, chúng tôi được thưởng thức bữa cơm đạm bạc được dọn ngay trên gác hai ngôi nhà cụ Hoàng Trung Dân, từng là trụ sở Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc (tháng 8-1945), nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp viết bản Quân lệnh số 1. Ẩm thực là những món ăn, thức uống truyền thống mang bản sắc riêng ở đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Đó là cơm lam, cơm trắng, cá bống kho, măng tre xáo xào, rau rừng luộc, thịt gà đồi và những ly rượu men lá (loại rượu pha chế 20 thảo dược của 21 dân tộc ở Tuyên Quang)… Mới đôi phút đã nghe cảm thức say say hòa trong giọng nói đầm ấm, cảm mến của nữ hướng dẫn viên du lịch tên Trang trong vai người nhà đón khách đường xa. Lòng chợt xao xuyến khi nhớ trong tập sách mang tên “Miền gái đẹp”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi nơi chúng tôi đang có mặt là miền gái đẹp…

Con gái xứ Tuyên Quang từ lâu nổi tiếng xinh đẹp, nền nã.

Con gái xứ Tuyên Quang từ lâu nổi tiếng xinh đẹp, nền nã.

Tuyên Quang vốn nổi tiếng trong cả nước về miền đất có nhiều con gái đẹp. Điều đó được nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa khẳng định, do trước đây Tuyên Quang là nơi đóng đô của nhiều vua chúa, quan lại, nhiều người con gái đẹp đã được tuyển chọn về đây. Tuyên Quang còn là vùng đất có nhiều núi cao, khí hậu mát mẻ, nên con gái thường có nước da trắng mịn màng. Bên cạnh đó, thời kháng chiến, Tuyên Quang vốn là vùng sơ tán của nhiều cán bộ, tri thức, “kiều nữ” Hà thành. Nhiều người trong số họ sau này đã ở lại lập gia đình. Vì thế, con gái xứ Tuyên không chỉ đẹp về nhan sắc, mà còn có gien trội về tri thức, phẩm hạnh. Câu thành ngữ “Chè Thái, gái Tuyên” không biết có từ bao giờ nhưng đến nay đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người khi nhắc đến mảnh đất xứ Tuyên thơ mộng.

Liên quan đến Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam, tức nhà cách mạng Phan Bôi không thể không nhắc đến cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong bài tự thuật in trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng có hồi ức về sắc đẹp làm ngẩn ngơ thời trai trẻ của mình: “Giữa đám táng, bạn và học trò, cả tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài cùng khách rất đông, mà chỉ cô bưng tô bánh bước vào đặt lên bàn, đám khách nghe như có luồng điện làm rung động. Đó là khi cô đã có chồng một năm rồi, mà cái đẹp thiên nhiên còn có vẻ xiêu đình đổ quán…”.

Lại nghĩ về miền quê có con sông Tiên nước chảy ngược dòng ở Tiên Phước, Quảng Nam, quê hương cụ Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng con gái thanh cảnh, xinh xắn. Bởi vậy mới có câu ca “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai lên Tiên Phước cho lòng vấn vương”. Giai thoại kể rằng, ngày xưa, xứ này còn biệt lập, những người giàu có trong vùng thường mời các gánh hát về phục vụ người dân. Trong số những diễn viên về đây, nhiều kiều nữ đã ở lại kết duyên với người địa phương. Vì vậy thế hệ sau này được thừa hưởng nhan sắc và tâm hồn phóng khoáng, đa sầu đa cảm của các đào kép xưa kia. Thực hư chưa rõ, song là người quê Quảng Nam, tôi cam đoan gái Tiên Phước đẹp là đúng sự thật. Và chắc chắn cụ Huỳnh cũng không ngoại lệ trước một nhan sắc mặn mà, nền nã, nơi thôn dã quê hương.

Là người sinh ra bên bờ sông Hương, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn nhận, “tôi sinh sống ở một triền sông đẹp, ở đâu có sông nước đẹp thì ở đấy tất có nhiều mỹ nhân”. Rõ đó cũng là sự liên lạc giữa đất và người. Chẳng thế dân gian có câu “Người là hoa của đất”. Với người viết bài này xin luận “phép biện chứng” ở phạm vi hẹp hơn. Đó là chuyện những ngày học ở Huế tôi cùng anh bạn khoa Sử cùng K16 nay là TS, Phó Ban Tuyên giáo một tỉnh thành, cứ ngày cuối tuần là rong ruổi xe đạp về các làng quê dọc sông Hương, rồi tìm những ngôi nhà có cổng ngõ đẹp đẽ, sạch sẽ, dây phơi quần áo trong khuôn viên có bộ áo dài trắng… chắc chắn nhà ấy thế nào cũng có kiều nữ. Cuối ngày, chiều đổ hoàng hôn quay về qua những bến sông… thế nào chẳng gặp những tiên nữ giáng trần… Chuyện cũng chẳng có gì to tát, cũng chẳng dám luận cái đẹp như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường “sắc đẹp tố nữ tiềm chứa siêu hình học của một dân tộc” mà người viết bài này chỉ xin tản mạn đôi điều với tư cách là lớp hậu bối, cháu chít cụ Huỳnh vậy.

Tạp bút: Võ Văn Trường

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_155905_nho-mie-n-ga-i-de-p-.aspx