Nhớ lụt đầu mùa!

Đã hai năm rồi nước lụt không về nên ít thấy hình ảnh trẻ con nông thôn ở Quảng Nam vui đuổi bắt cá trên đường.

(Cadn.com.vn) - Những trận mưa vài ngày qua làm nước sông Vu Gia -Thu Bồn dâng cao. Hai năm nay, nước lụt chưa tràn về để bồi đắp phù sa cho những đồng lúa, bãi bồi khô cạn ở vùng đất Quảng Nam. Thế nên những cơn mưa khiến bao nông dân khấp khởi sẽ có một cơn lụt đầu mùa. Trong ký ức của bao người sống ở vùng đất xứ Quảng, hẳn sẽ nhớ lắm cơn lụt đầu mùa. Những cơn mưa lớn khiến nước sông tràn bờ, làm ngập đồng ruộng, bãi bồi. Trẻ con trong làng dùng nhành cây nhỏ cắm dọc bờ sông rồi ngồi chờ cả giờ đồng hồ xem "nước lớn" mức nào, để lùa trâu bò về chuồng và chờ đợi thông báo nghỉ học của nhà trường, để bắt đầu thú vui ngày nước nổi. Khi đó, lũ trẻ con hò hét gọi nhau, đuổi bắt cá giữa đường, lùng bắt những con dế cơm bám trên thân cây hay đuổi theo những con rắn bị nước lụt đẩy ra khỏi hang, rồi mang về cho mẹ chế biến thành món ăn... Nhưng hai năm nay nước lụt không về, nên niềm vui nhỏ ấy của trẻ con quê tôi cũng mất, những món ăn đặc sản mùa nước lụt ấy cũng khan hiếm...

Tranh thủ những ngày nắng, ông Ngô Phận (xã Đại Phong, H.Đại Lộc) mang dầu rái ra phết lại cho những chiếc xuồng tre và sửa lại những chiếc bị hỏng nan. Nhiều người trong làng mang đến nhờ ông Phận sửa giúp, mỗi chiếc hoàn thành ông chỉ lấy vài trăm nghìn đồng. Ông Phận nói: "Sau thủy điện sông Bung 2 gặp sự cố, người dân trong làng lo sợ mới đưa xuồng đến sửa, chứ hai năm trước cứ treo trong góc nhà vì có lụt đâu". Ông Phận, có lẽ là người cuối cùng ở xã còn gắn bó với nghề đan xuồng tre. Trước đây đây là nghề rất thịnh hành ở các vùng rốn lũ của Quảng Nam, bởi mỗi gia đình ở đây nhất thiết phải có một chiếc xuồng tre để di chuyển tài sản mỗi khi nước lụt về. Trước, cha tôi cũng là một thợ lành nghề đan xuồng. Mỗi khi thu hoạch xong nông sản, ông cùng với những người thợ khác trong làng đến các xã khác để sửa hoặc đan xuồng mới cho người ta. Công việc kéo dài hết tuần này qua tuần khác, nhiều hôm tôi phải lóc cóc đạp xe mang cơm cho cha, để ông có thời gian đưa chiếc xuồng hạ thủy trước khi cơn lụt đầu tiên về. Người thợ trau chuốt từng nan tre, tỉ mẩn đan chúng lại với nhau, rồi kỳ công "lận mê"-công đoạn quan trọng để chiếc xuồng thành hình. Đó quả là tác phẩm nghệ thuật và sự sáng tạo độc đáo của người dân vùng lũ. Tuy vậy, cái nghề này bây giờ chẳng có mấy ai làm nữa. Một phần vì người dân chuyển sang làm xuồng nhôm, phần khác vì mấy năm qua không có nước lụt nên những chiếc xuồng cũng mất đi giá trị của mình. Ông Phận bảo: "Những người già như tôi nhớ nghề mới làm thôi, chứ bọn trẻ bây giờ không quan tâm nghề này nữa".

Hai năm rồi chưa có nước lụt nên những cánh đồng ở vùng ven sông Thu Bồn - Vu Gia ngày càng bạc màu. Gom lúa cho vào bao để cất trên gác, cô Năm (xã Đại Cường, H.Đại Lộc) bảo, chưa có vụ Thu Đông nào lại mất mùa như vừa qua, khi sào ruộng chỉ thu được hơn 4 bao lúa, thua xa những năm có nước lụt. Nước lụt mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng, nước lụt diệt chuột, sâu phá hoại hoa màu. Nhưng mấy năm qua không có lụt, nông dân phải mất thêm nhiều kinh phí để bón phân, diệt chuột, nhưng năng suất lúa chẳng khá hơn. "Không có nước lụt nên chuột sinh sôi, phá hết lúa. Bây giờ ruộng cũng hết phù sa, bón bao nhiêu phân cũng không bù được nên năng suất lúa thấp lắm. Nông dân ở vùng Đại Lộc bây giờ nhớ lụt, chỉ cần nước lụt về, tràn vào được những cánh đồng là tốt rồi" - cô Năm ước mong. Nước lụt không về, những người dân hành nghề chài lưới trên sông Thu Bồn - Vu Gia cũng thất thu. Ông Cậy (thôn Quảng Đại 1, xã Đại Cường) làm nghề chài lưới đã mấy chục năm qua tại ngã ba sông Giao Thủy bảo rằng, hai năm qua phải chuyển sang làm nghề khác vì thủy sản trên sông cạn kiệt. "Trước đây cá tôm ở ngã ba sông này nhiều lắm. Mỗi khi mùa mưa đến, ngư dân chúng tôi sắm lưới, lờ để chờ bắt cá, nhất là cá rầm, loại cá nhỏ giống như cá linh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vậy, nhưng bây giờ hết rồi. Không có lụt, lưới, lờ gì cũng mang cất hết" - ông Cậy nói.

Trước đây, người dân ở nhiều vùng đất ở Quảng Nam quê tôi phải học cách sống chung với lũ lụt thì nay lại bắt đầu học thích nghi với việc không có nước lụt. Nên ai cũng nhớ, cũng mong một cơn lụt đầu mùa!

Hoàng Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_155162_nho-lu-t-da-u-mu-a-.aspx