Nhớ đôi mắt đồng đội

Thiếu tướng Nguyễn Đức Liên cùng vợ ở Angkor Wat (Campuchia) năm 2011.

(Cadn.com.vn) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Liên, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 là con người của hoài niệm. Nhớ lần tôi cùng với vợ chồng ông và đoàn công tác thăm Angkor Wat, danh thắng ở Campuchia, ông nói: “Em biết không, 10 năm giúp bạn, giữa đạn lửa, đói khát, sốt rét và ngủ rừng, anh chỉ mong có giây phút này. Một ngày thanh bình thật sự, đưa vợ con cùng qua thăm đền cổ Angkor Wat”... Vậy là dòng chảy ký ức về một thời tuổi trẻ của ông bật ra, dạt dào cảm xúc.

Bức thư và đôi mắt ở chiến trường

Năm 1974, khi 19 tuổi, truyền thống gia đình và quê hương Điện Thắng (nay là Điện Thắng Nam) đã thôi thúc chàng trai Nguyễn Đức Liên thoát ly, tham gia vào Đại đội 1, Huyện đội Điện Bàn. Cầm súng chiến đấu thời gian không dài nhưng chính từ những ngày tháng ác liệt đó đã giúp anh hướng cuộc đời vào binh nghiệp. Cuối năm 1978, anh quyết định không chuyển ngành mà đi học lớp trung đội trưởng, sau đó nhận nhiệm vụ bổ sung cho biên giới Tây Nam đang bị Pôn Pốt gây hấn. Cùng biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 726, Tỉnh đội Gia Lai- Kon Tum, trấn giữ khu vực ngầm Ozadao tỉnh Ratanakiri có Nguyễn Được quê Duy Trung (Duy Xuyên) và Thiều Thanh Bình ở Điện Quang (Điện Bàn). Anh Được đã có vợ con, hay kể tự hào về gia đình mình. Trước trận đánh Đồi Đá ngày 22-11-1978, cả ba như có linh tính không lành khi húp chén cháo khê đặc do nấu vội vã. Pôn Pốt với thủ đoạn vừa đánh vừa lùi sâu, kết hợp cài mìn làm trận đánh dai dẳng hơn 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa dứt điểm. Bỗng đại đội phó Liên nghe một tiếng “khự”, Được ngã xuống giữa bụi cây lúp xúp vì trúng đạn. Anh lao vào vác Được ra. Cùng lúc đó, một tiếng “ới” phát ra từ phía Bình đang giữ khẩu đại liên M30. Đặt đồng đội nằm úp xuống giấu đôi mắt cứ trừng lên như muốn hỏi, anh nói với Được: “Mày nằm tạm đây, tao vào cứu Bình”. Sau này anh em bảo trung đội trưởng Bình chiến đấu dũng cảm lắm, cứ hô xung phong cổ vũ chiến sĩ đến nỗi miệng anh đầy khói thuốc súng đen đặc, khẩu đại liên chưa kịp khóa nòng. Anh vuốt mắt cho cả Được và Bình, chợt thấy lá thư còn nguyên trong túi chưa kịp bóc của vợ Được mà cậu ta nhận sáng trước đó, máu đã nhòe một góc: “Được à, mày nhắm mắt đi. Anh em sẽ nói với vợ mày, chưa kịp đọc thư là do tội ác của bọn Pôn Pốt. Còn Bình, yên tâm nhé, cả đại đội noi gương mày xung phong và đã làm chủ trận địa”. Như có phép lạ, sau những lời thầm thì của anh, cả hai từ từ khép mắt…

Thiếu tướng Nguyễn Đức Liên chặn dòng lệ chực trào: “Sau này hai anh được quy tập vào nghĩa trang An Khê, Gia Lai, tôi cũng đã làm giấy tờ để cấp trên hỗ trợ cất bốc đưa hài cốt liệt sĩ về quê, nhưng gia đình nói rằng các anh ấy đã một lần di dời từ Đức Cơ qua An Khê, nên họ không muốn dịch chuyển thêm lần nào nữa…”.

Ân tình sâu nặng giữa lòng dân

Kỷ niệm của vị tướng ào ạt như nước sông Mê Kông mùa lũ khi nhớ lại ngày cưới chớp nhoáng. Từ chiến trường về, với khuôn mặt xanh rớt vì sốt rét, anh có 15 ngày cưới vợ rồi sau đó đi biền biệt. 3 năm sau mới trở về, con không nhận ra cha, khóc thét. Nỗi buồn này chưa bằng nỗi nhớ quê, nhớ nhà quặn thắt khi đơn vị chiều 30 Tết đi qua rừng mai bỏ hoang vì người dân bị Pôn Pốt lùa vào các khu tập trung. Một cành mai nhỏ được cắm vào lon đựng nước. Màu vàng rực làm căn hầm ấm áp hẳn nhưng cũng là lúc cơn sốt rét ập đến. 3 ngày liền, anh nằm mê man, khi tỉnh lại nhìn từng cánh mai rụng khô dần mới biết một một mùa xuân đã trôi qua mà những người lính như anh vẫn biền biệt xa nhà.

Có bộ đội Việt Nam làm công tác vận động và bảo vệ, đồng bào Campuchia đã lần lượt trở về quê cũ sinh sống. Từ chỗ còn e dè, bà con đã dần dần tin yêu bộ đội, che chở giúp các anh vượt qua nhiều hiểm nguy khi bị bọn Pôn Pốt giả dân thường về tập kích. Nhớ xuân 1985, lúc này anh chỉ huy đại đội đứng chân ở phum Băcpria, xã Prâychá, huyện Săngke. Các mẹ, các chị ở các nhà bè dọc bờ sông, thương bộ đội như con em mình, thường xuyên chèo xuồng vào thăm. Đặc biệt mẹ Phúc, có các con đều bị Pôn Pốt bắn giết nên hiểu hơn ai hết sự có mặt của bộ đội Việt Nam mang hạnh phúc đến cho nhân dân Campuchia. Anh ốm đau, mẹ nấu nước xông, có khi nấu cháo, làm bánh nậm mang vào. Biển Hồ nhiều tôm cá, ngày tết mẹ mang vào từng ăng-gô chả cá thát lát và các loại đặc sản Campuchia cho bộ đội cải thiện. Ngày anh có quyết định rời Prâychá để đi làm tiểu đoàn phó, các mẹ đã đồng ký tên gửi lên chỉ huy xin giữ anh lại. Nhưng rồi cũng phải chia tay. Đơn vị anh mổ mấy con lợn, vài chục con gà từ tăng gia, cả phum từ nhỏ đến bé đều đến dự bữa liên hoan đưa tiễn anh…Thiếu tướng Nguyễn Đức Liên gương mặt giãn ra khi nhớ lại mùa xuân tươi thắm năm nào. Có quá nhiều tình cảm sâu đậm về xứ Chùa Tháp nên ông luôn có mặt trong các lần gặp gỡ với các đơn vị cũ. Khi còn đương chức, với cương vị Đảng ủy viên Quân khu, ông đã tham mưu xây 5 nhà tình nghĩa, mỗi nhà trị giá 70 triệu đồng cho đồng đội của mình ở tỉnh Quảng Nam còn khó khăn bằng quỹ tình nghĩa của Quân khu, trong đó có 3 nhà là CCB thời chống Mỹ và 2 nhà là CCB ở chiến trường K. Trước đó, khi làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu, ông đã huy động công sức bộ đội 3 tháng ròng, cùng với đóng góp hỗ trợ từ các nguồn do ông vận động xây nhà cho CCB Nguyễn Hữu Lộc quê Điện Thắng có nhiều chiến công khi làm nhiệm vụ quốc tế.

Hiện Thiếu tướng Nguyễn Đức Liên đang giữ cả tập danh sách đồng đội ở chiến trường K đã hy sinh mà ông sao chép từ ngành chính sách. Từng cái tên và gương mặt hiện lên lại khiến ông không dứt hoài niệm về một thời tuổi trẻ cầm súng…

Hồng Vân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_151917_nho-doi-ma-t-do-ng-do-i.aspx