NHNN thúc đẩy vay tín chấp: Tháo gỡ dòng vốn đi đâu?

(Tài chính) - Nới lỏng tín dụng cho vay tín chấp có thể xem chủ trương mở lối thoát cho các NHTM chứ không riêng gì doanh nghiệp.

Vay vốn tín chấp: Tiền sẽ lại chọn tập đoàn, DNNN?

Trách nhiệm của các NHTM

PV: - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ đạo thúc giục các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, nếu theo phản ánh của các ngân hàng này, đối tượng đáp ứng được điều kiện cho vay tín chấp (vốn điều lệ trên 100 tỷ, doanh thu tháng…) thì ưu thế sẽ lại thuộc về các doanh nghiệp nhà nước.

Ông bình luận như thế nào về động thái này? Liệu chỉ đạo này có liên quan tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-13% do Ngân hàng nhà nước đặt ra hay không?

TS Trần Du Lịch: - Dường như chúng ta đang quá cảnh giác doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên phải nói rằng việc cho vay kiểu gì là trách nhiệm của ngân hàng thương mại (NHTM) theo Luật Tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể chỉ đạo theo kiểu cho doanh nghiệp này vay cái này, cái kia.

Tuy nhiên việc NHNN có định hướng khuyến nghị NHTM nên cho vay tín chấp là một thông điệp để các NHTM bớt đi dần việc cho vay thế chấp tài sản, chuyển sang hướng tín chấp phù hợp với thông lệ của tín dụng. Bởi lẽ tín dụng là sự tin tưởng giữa NHTM và người vay. Thế nhưng lâu nay chúng ta thường hay nói rằng NHTM vay cái gì cũng bắt phải thế chấp nó mất đi ý nghĩa của tín dụng mà đáng ra phải lấy lòng tin để cho vay.

Trên thực tế hiện nay những doanh nghiệp làm ăn tốt không bị vướng vào nợ quá hạn thì NHTM vẫn mở một lượng tín dụng lớn. Có những doanh nghiệp tư nhân đã được vay tới 500 tỉ đồng tới 1000 tỷ đồng.

Điều đó có nghĩa cho vay tín chấp không phải bây giờ mới nói mà là câu chuyện NHTM họ đã từng làm.

Nhưng tại sao NHNN khuyến nghị điều này là vì đối với một số doanh nghiệp tài chính không phải hoàn toàn tốt thì NHTM đang sợ nợ xấu thành ra luôn luôn phải có tài sản thế chấp. Đây là một trong những điểm gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang muốn phục hồi.

Chủ trương của NHNN muốn nhắc và mở hướng để NHTM quan tâm hơn đến giải pháp vay tín chấp chứ không phải là một mệnh lệnh buộc phải cho ông A, ông B nào đó vay.

Chỉ đạo này liên quan đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhiều hơn là việc hướng dòng vốn đến đâu bởi chắc chắn NHTM phải chịu trách nhiệm cho vay mà không làm tăng nợ xấu. Đây là bài toán mà NHTM phải giải quyết.

Ngân hàng hiện đang dư một khối lượng vốn khổng lồ nên cho vay tín chấp đang được xem là biện pháp có lợi cho cả 2 bên cả ngân hàng và doanh nghiệp.

PV: - Thưa ông nhưng báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tính đến năm 2012, cho thấy khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 402.955 tỷ đồng, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế.

Nếu vậy, phải hiểu việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục được ưu ái cấp tín dụng như trên thế nào? Tác động của chủ trương này với nền kinh tế như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn mà bị phá sản?

TS Trần Du Lịch: - Tôi khẳng định lại rằng việc cho doanh nghiệp nào vay là trách nhiệm của NHTM. Các ngân hàng này phải đảm bảo không làm tăng nợ xấu.

Cho nên nếu nói chủ trương này cùng với các điều kiện mà các NHTM đưa ra khiến dòng tiền chảy vào chỗ nào đó không quan trọng. Mà ở đây quan trọng là các ngân hàng phải giám sát dòng tiền.

Lâu nay một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu chính là do sự giám sát dòng tín dụng yếu kém của các NHTM. Người ta nói đi vay làm chuyện này nhưng thực tế là làm chuyện khác. Thành ra bây giờ bản thân NHTM phải tuân thủ việc giám sát nguồn vốn và quan tâm hơn việc cho vay tín chấp.

Trước đây các NHTM chọn cái an tâm, dễ làm nhất cho mình đó là lấy tài sản thế chấp. Như vậy là họ chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Doanh nghiệp- ngân hàng đôi bên cùng có lợi

PV: - Từ trước tới nay việc vay tín chấp, chỉ định cho vay chỉ là các doanh nghiệp lớn như Vinashin, Vinalines… lọt vào danh sách chứ người ta ít nghe thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận được ưu đãi này. Thế nhưng cũng vì “dính” vào Vinashin, ít nhất đã có một ngân hàng bị xóa tên trên thị trường là Habubank khi phải chấp nhận sáp nhập với SHB. Ông có lo rằng bài học cũ lặp lại? Nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ có chỉ dừng lại ở việc sáp nhập như SHB hay không và vì sao?

TS Trần Du Lịch: - Việc chỉ định cho vay lại là chuyện khác. Trong câu chuyện này quan trọng hơn cả vẫn là tháo gỡ dòng vốn. Do đó sẽ có nhiều biện pháp phải làm và quan trọng hơn cả là việc giám sát dòng vốn.

Chúng ta không nên sợ để tắc nghẽn dòng vốn và cứ sợ này sợ kia rồi biến ngân hàng thành tiệm cầm đồ.

Do đó tôi cho rằng lúc này phải nâng trách nhiệm của NHTM lên. Các NHTM phải thẩm định kỹ xem doanh nghiệp vay để làm gì và giám sát dòng vốn. Xem có khả năng thu hồi trả nợ được không...

PV: Với những phân tích như trên, theo ông dự đoán, các ngân hàng thương mại có mặn mà với chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước hay không? Và vì sao?

TS Trần Du Lịch: - Tôi cho rằng các NHTM có mặn mà hay không thì cũng không quá quan trọng mà phải xem đây là cái hướng để gỡ khó cho các NHTM. Lý do là vì nếu không tăng tín dụng cho vay lên thì NHTM cũng không thể tồn tại được nếu vốn vẫn nằm chết.

Đây có thể xem chủ trương mở lối thoát cho các NHTM chứ không riêng gì cho doanh nghiệp nên tôi cho rằng các NHTM nên tận dụng điều này tránh để tình trạng huy động vốn về để nằm chết ở trong kho.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Ngọc (thực hiện)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nhnn-thuc-day-vay-tin-chap-thao-go-dong-von-di-dau-3054687/