NHNN chọn 6 ngân hàng tiên phong xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước vừa chọn 6 NHTM (ACB, Sacombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) tiên phong triển khai Nghị quyết 42 nhằm đúc kết các vướng mắc, kinh nghiệm để đề xuất các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.

Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là rút gọn thủ tục pháp lý thông qua tòa án.

Ngân hàng Nhà nước cũng chọn 6 Ngân hàng thương mại (ACB, Sacombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) tiên phong triển khai Nghị quyết 42 nhằm đúc kết các vướng mắc, kinh nghiệm để đề xuất các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.

BIDV là một trong 6 ngân hàng được chọn tham gia xử lý nợ xấu

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo Nghị quyết 42 là mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua nợ xấu. Các Ngân hàng TM phải bán tài sản thế chấp của khoản nợ xấu bằng hình thức đấu giá công khai. Như thế, thị trường đã hình thành nhiều "chợ" mua - bán nợ xấu, tài sản thế chấp là bất động sản được giao dịch theo hướng thuận mua vừa bán, có thể dung hòa được lợi ích cho chủ nợ lẫn con nợ.

Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang lên danh sách và thông báo cho bên vay trước khi thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định. Đây là một bước trong quy trình thu hồi tài sản đảm bảo theo quy định mới.

Theo các ngân hàng, dự kiến trong thời gian tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án.

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 42 cho phép Ngân hàng được bán nợ dưới giá trị khoản vay (số tiền cho vay cộng với lãi phát sinh), đối tượng mua nợ không bị giới hạn là điều kiện thuận lợi để ngân hàng và con nợ "chốt" giá bán tài sản thế chấp (phần lớn là bất động sản), miễn giảm lãi suất, tiền phạt nợ quá hạn… sao cho sau khi bán bất động sản người vay phải trả hết nợ ngân hàng. Thậm chí, con nợ vẫn có thể thu về một số tiền nhất định bởi việc bán nhà, đất được tiến hành theo hình thức đấu giá công khai…

Do được bán nợ dưới giá trị khoản vay, VAMC cũng được phép mua nợ theo giá thị trường bằng "tiền tươi thóc thật" nên các ngân hàng rất muốn bán nợ cho tổ chức này nhằm giảm nhanh tỉ lệ nợ xấu.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD là cơ sở pháp lý quan trọng cho các ngân hàng. Khẳng định quyền của chủ nợ trong xử lý tài sản nợ và được các cơ quan hữu quan hỗ trợ trong công tác thu hồi nợ.

Qua đó, cho phép ngân hàng xử lý các vấn đề vướng mắc về tài chính, hạch toán kế toán liên quan đến xử lý nợ xấu. Ông Hùng cho biết, ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới mức 3% so với tổng dư nợ cho vay.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận việc bán nợ xấu cho VAMC để nhận tiền thật không dễ dàng. Do đó, để sớm thu hồi nợ, các ngân hàng luôn chủ động thuyết phục con nợ đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản song mới tiến hành bán đấu giá tài sản, tất toán khoản vay…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/ngan-hang/nhnn-chon-6-ngan-hang-tien-phong-xu-ly-no-xau-227176.html