Nhìn từ vụ bê bối của Long An: Cái còng tay của Mourinho và công lí trong bóng đá

Cho đến bây giờ, rất nhiều cổ động viên bóng đá Italy vẫn nhớ như in hình ảnh ấy: Jose Mourinho , khi ấy đang là HLV Inter Milan, đã bắt chéo tay để thể hiện hình ảnh một người bị còng. Hai cánh tay bắt vào nhau ấy được giơ lên, chĩa về phía trọng tài Tagliavento trong trận Inter-Sampdoria tháng 2/2010.

Đấy là một thời điểm quan trọng của Inter, đang trong cuộc đua nghẹt thở cho Scudetto và Champions League, và Mou, người nổi tiếng với những cuộc công kích tất cả, từ các đội bóng đối thủ, các HLV đối thủ cho đến LĐBĐ Italy và các trọng tài, đã làm một hành động được các báo Italy mô tả là scandal. Lí do? Vị HLV người Bồ Đào Nha cho rằng trọng tài đã xử ép Inter trong trận ấy, khi đuổi khỏi sân 2 cầu thủ của ông và mắc vô số các sai lầm khác, khiến Inter không thể chiến thắng. Phản ứng ấy được cho là một phần trong chiến dịch gây áp lực lên những người cầm còi của Mourinho , người luôn cho rằng, đội bóng của ông bị đối xử một cách bất công. Mou bị cấm chỉ đạo 3 trận sau đó, nhưng ông vẫn không ngưng cuộc chiến tâm lí mà sau này, không ít nhà bình luận cho rằng, đã đóng góp quan trọng trong cú ăn ba năm ấy của Inter.

Jose Mourinho, khi ấy đang là HLV Inter Milan, đã bắt chéo tay để thể hiện hình ảnh một người bị còng

Ông có thực sự đúng trong các chỉ trích của mình không, và thực sự người ta có đối xử bất công với ông không? Đó là một câu hỏi thú vị, và câu trả lời cũng rất thú vị: không phải lúc nào Mou cũng đúng, như khi ông chỉ trích Tagliavento. Nhưng dù có bức xúc mấy đi chăng nữa, ông cũng không bao giờ yêu cầu các cầu thủ của mình phản ứng lại trọng tài theo cách tiêu cực. Ban lãnh đạo Inter cũng vậy. Họ vẫn thực hiện các cuộc công kích trọng tài một khi thấy cách thổi của ông áo đen nào đó ảnh hưởng đến họ và nhiều lần thậm chí úp mở chỉ ra rằng, đang có một “hệ thống” đen tối mượn trọng tài để diệt họ. Cách phản ứng mạnh mẽ hơn cả trong những trường hợp tương tự chỉ là đóng cửa với báo chí, không lên tiếng phát ngôn bất cứ điều gì khác với báo chí và không họp báo trước hoặc sau trận. Chấm hết.

Họ không bao giờ nhảy xuống sân và bảo các cầu thủ không đá. Cũng chẳng có thủ môn nào phản ứng trọng tài bằng cách quay lưng lại trên chấm phạt đền, để cho đối phương thoải mái sút vào. Những chuyện như đã xảy ra ở sân Thống Nhất không thể xuất hiện ở bóng đá Phương Tây, không phải chỉ bởi đấy là thứ bóng đá chuyên nghiệp theo đúng nghĩa, mà bởi vì mọi thứ xoay quanh nền bóng đá ấy đều có những quy định hết sức rõ ràng và buộc tất cả tuân thủ, từ đó đặt cho những người làm bóng đá các giới hạn, khiến họ không thể vượt qua. Bởi đơn giản, thứ bóng đá ấy đi cùng với danh dự, truyền thống, ảnh hưởng xã hội, tài trợ và doanh thu. Những điều ấy gắn kết chặt chẽ với nhau, khiến người ta không thể có những cách hành xử kiểu trẻ con và bộc phát, vì hậu quả sẽ rất nặng nề. Trong bóng đá thế giới có không ít những ví dụ về cách hành xử ấy và các hậu quả đi kèm. Mourinho , nổi tiếng với chiến thuật công kích và khiêu khích, đã từng bị kỉ luật nặng vì chọc vào mắt trợ lí HLV Barca Vilanova khi ông dẫn dắt Real Madrid. Milan đã từng bị cấm thi đấu một năm ở Cúp Châu Âu, sau khi họ không ra sân thi đấu ở những phút cuối trận thua Marseille tại Cúp C1 năm 1991, với lí do đèn trên sân không đủ sáng. Công lí không bao giờ thuộc về kẻ hành xử sai.

CLB Long An "đình công", ông Võ Quốc Thắng "chết lặng" trên khán đài

Những gì đã xảy ra mới rồi trong bóng đá nội, không chỉ ở trận đấu trên sân Thống Nhất, chỉ khiến nhiều người ngao ngán và càng nhớ đến thứ bóng đá ở một thời đã qua, với những kí ức dường như vẫn còn sống động ngay trước mắt. Đấy là những trận đấu rực lửa của Thể Công, CAHN, CAHP hay Hải quan, là những mối cừu địch giữa các địa phương bóng đá, hoặc bóng đá của các ngành, là những ngày cuối tuần sôi sục ở Hàng Đẫy, Cột Cờ hay Lạch Tray, là những câu chuyện về bóng đá thời bao cấp đã trở thành huyền thoại. Bây giờ, khi bóng đá cấp CLB ở ta trải qua những năm tháng chuyển đổi, ở nhiều đội bóng, những sợi dây liên kết với các địa phương, với truyền thống lịch sử quá khứ dường như đã bị cắt mất.

Những đội bóng đổi tên nhiều đến mức thật khó lần lại cội nguồn để biết đấy là ai, và sự quay lưng của khán giả là điều đương nhiên, khi người ta không còn nhận ra sự gắn bó máu thịt như trước. Sự đứt gẫy giữa quá khứ và hiện tại là một trong những vấn đề nghiêm trọng của bóng đá nội, khi làn sóng thương mại hóa (ở ta được gọi là “xã hội hóa”) tràn vào và làm sụp đổ những nền móng đạo đức và chuyên môn cuối cùng còn tồn tại: với tiền, người ta có thể làm được tất cả. Với nhiều tiền, họ còn làm được hơn thế nữa. Công lí bóng đá không tồn tại bởi người ta không còn tin vào nó ở bóng đá nội. Sự chống đối trọng tài, dù họ đúng hay sai, trở thành ví dụ mang tính biểu tượng của không chỉ những cuộc đấu giữa các quyền lực bóng đá-xã hội hóa trên sân bóng, mà còn là biểu hiện của việc mất niềm tin vào các luật lệ mà người cầm còi đại diện và bảo vệ, xa hơn nữa, là vào bộ máy làm bóng đá nước nhà.

Ông Võ Thành Nhiệm nộp đơn từ chức Chủ tịch và GĐĐH CLB Long An

Nắm trong mình nhiều chức vụ trọng yếu của CLB như Chủ tịch, GĐĐH CLB Long An… nhưng sau sự cố tối 19/2 ở Thống Nhất, em trai ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã nộp đơn xin nghỉ.

Tấn công trọng tài là một cách thức rất bình thường trong mọi nền bóng đá, khi người ta coi trọng tài là cái khiên để khỏa lấp các thất bại và hạ thấp chiến thắng của đối phương, nhưng tấn công theo cách quay lưng lại chấm phạt đền, không đá dù vẫn đứng trên sân theo kiểu Long An thì thật nực cười, nếu không nói là ngu xuẩn. Và những cách hành xử như thế thực ra chỉ có thể xuất hiện ở những nền bóng đá mà người ta không tôn trọng bất cứ ai, bất cứ điều gì, khi sự chuyên nghiệp thực ra chỉ là cái danh được dựng lên một cách cẩu thả.

Khi một thủ môn chổng mông vào đối phương khi quả phạt đền chống lại đội bóng anh ta bảo vệ, anh ta cũng chổng mông vào các luật lệ, chổng mông vào khán giả và chổng mông vào cả nền bóng đá, vốn đầy rẫy các sự kiện tương tự, ở các cấp độ và phạm vi khác nhau, dù không phải ai cũng hành xử như anh trông gôn này. Công lí không thể được tạo ra bằng việc vi phạm luật lệ, dù với bất cứ lí do gì. Nhưng khi cả một giải đấu ngày càng lan tràn những tiêu cực và các trò lố trên sân mà không có cách nào để giảm thiểu chúng xuống, chẳng có công lí nào có thể tồn tại, trừ công lí của luật rừng. Rồi năm sau cũng lại ầm ỹ và bê bối như năm trước, không đổi.

Có một lần bức xúc khi còn dẫn dắt Real Madrid, Mourinho đã nói: “Tôi thà ở nhà mở Eurosport xem bóng đá Việt Nam còn hơn”. Ngặt nỗi, ông và những người văn minh ở bóng đá thế giới ít có hội được xem bóng đá Việt trên kênh ấy. Bóng đá chúng ta làm gì “đủ trình” để được họ nhắc tới và để họ biết là chúng ta có tồn tại. Trừ khi xảy ra những scandal, như mới rồi, với đội Long An…

Anh Ngọc

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet/nhin-tu-vu-be-boi-cua-long-an-cai-cong-tay-cua-mourinho-va-cong-li-trong-bong-da-n20170220173619494.htm