Nhìn từ danh sách bầu chọn Quả bóng vàng: Khan hiếm tài năng

Đến cả một cầu thủ trẻ, vừa có mùa V-League đầu tiên trong sự nghiệp như Gia Từ, cũng được điền vào danh sách đề cử Quả bóng vàng (QBV), phải chăng nhân tài (bóng đá) của ta như lá mùa thu?

Quốc Anh (32) là cầu thủ Việt Nam chơi tốt nhất ở cả V-League cũng như ĐTQG trong năm qua. Ảnh: Kim Ngọc

Từ Thành Lương

Năm 2005, Thành Lương (khi ấy mới 17 tuổi, theo giấy tờ) bắt đầu được điền vào danh sách ứng viên “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất”, sau ngôi á quân VCK U21 toàn quốc-Cúp Báo Thanh Niên, mà anh vừa giành được cùng CLB HN.ACB. Tất nhiên, so với người đoạt giải như Tấn Tài (đương kim tuyển thủ U23 Việt Nam khi ấy), Lương lép vế hơn nhiều.

Nhưng, cũng từ thời điểm đó, liên tục trong nhiều năm liền, Thành Lương liên tục được cất nhắc ở hạng mục bầu chọn này. Đến năm 2008, với chức vô địch AFF Cup cùng ĐT Việt Nam, Lương mới chính thức lên ngôi lần đầu tiên.

Vẫn là Lương, năm 2009, đánh dấu cột mốc cực kỳ quan trọng khi anh được bầu chọn là người xuất sắc nhất ở hạng mục QBV, dù lúc này Lương mới chỉ 21 tuổi. Năm 2012, Lương lập cú đúp danh hiệu QBV.

Sự thăng tiến nghề nghiệp của Thành Lương là điều không phải bàn cãi, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, suốt 7 năm, nền bóng đá chỉ có mỗi Thành Lương? Đã có ý kiến cho rằng, nếu những Văn Quyến, Quốc Vượng và đặc biệt là Quốc Anh… không vướng vào vòng lao lý, rồi bị cấm thi đấu, có thể Lương đã không được nhiều như thế. Đấy cũng là một quan điểm.

Sau Tấn Tài (năm 2005), Long Giang cũng từng lập cú đúp danh hiệu dành cho cầu thủ trẻ, nhưng ngay lúc này, cựu trung vệ ĐT U23 Việt Nam đang ở đâu? Trở về từ sau SEA Games 2011, Long Giang không thêm một lần nào nữa được triệu tập trở lại.

Cạnh tranh khốc liệt để có chỗ đứng ở ĐTQG là một chuyện, nhưng vấn đề cơ bản phải chính là Giang. Anh đã không phát triển được tài năng. Sự thừa nhận trong 2 năm (2006 & 2007) với Giang phải chăng là đã nhầm chỗ?

Đến Minh Phương

Năm nay, Minh Phương tiếp tục được đề cử ở hạng mục QBV. Điều này không làm ai bất ngờ, khi đội trưởng CLB SHB.ĐN đang là chủ nhân của danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải 2012. Và trong một năm thi đấu không thành công của các ĐTQG (không có Phương, khi sau AFF Cup 2010, cựu đội trưởng ĐT Việt Nam đã nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế - PV), việc Phương (hay những cầu thủ như anh) được cất nhắc là lẽ đương nhiên. Nhiều người cho rằng, nếu không cảm tính, có thể Phương sẽ lần thứ 2 đoạt QBV và nó không giống với cách đây 2 năm, khi danh hiệu QBV được xem là phần thưởng mang tính tri ân cho Phương.

Nhưng, qua trường hợp của Minh Phương, một lần nữa khiến tất cả phải giật mình. Tre già mà măng chưa kịp mọc. Phải chăng V-League, giải hạng Nhất hay đỉnh cao đầu ra của nền bóng đá là các ĐTQG, không còn cầu thủ nào trẻ và xuất sắc hơn Phương (ở tuổi 33, và gần như chỉ đủ sức thi đấu 70 phút/trận)?

Ngay cả khi người ta vẫn có thể đưa ra những ứng viên khác làm đối trọng, thậm chí người lên ngôi lần này không phải là Phương, sau cuộc bầu chọn tới đây, thì những tín hiệu không mấy lạc quan với nền bóng đá xứ sở vẫn cứ hiện hữu. Và V-League, cũng chỉ đến thế mà thôi, khi đã không giới thiệu được nhiều những gương mặt mới.

Từ Thành Lương đến Minh Phương và lăng kính cuộc bầu chọn QBV Việt Nam 2012 phần nào cho thấy sự tụt lùi của nền bóng đá. Câu “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” quả là rất hợp với bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Nhiều người kỳ vọng, ở SEA Games 27 vào cuối năm nay, U23 Việt Nam sẽ giới thiệu được rất nhiều những gương mặt mới, nhưng cũng nên nhớ rằng, các giải đấu cấp khu vực Đông Nam Á chưa đạt đến chuẩn mực để có thể coi là thước đo đánh giá sự phát triển của nền bóng đá.

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-trong-nuoc/nhin-tu-danh-sach-bau-chon-qua-bong-vang-khan-hiem-tai-nang-n20130417022447973.htm