Nhìn nhận cơ hội, thách thức từ bằng độc quyền sáng chế

Lợi ích, khó khăn mà bằng độc quyền sáng chế (BĐQSC) mang lại? Làm thế nào để sản phẩm được đăng kí sáng chế chiếm lĩnh thị trường?...Đó là những câu hỏi được nêu bật tại buổi Tổng kết và trao Giải thưởng Sáng chế TP. Hồ Chí Minh lần thứ IV.

Những nội dung cốt lõi trên diễn ra tại chương trình Tọa đàm mang tên “Khởi sự kinh doanh từ Bằng độc quyền sáng chế”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ buổi lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Sáng chế TP. HCM lần thứ IV do Sở Khoa học và Công nghệ (KH & CN) đăng cai tổ chức.

Vai trò, thách thức của BĐQSC

Chiều 16/9, Hội trường 272 (quận 3) đông nghịt đại diện các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và những vùng lân cận. Tất cả đều dành sự quan tâm đến 10 sản phẩm chính thức đạt giải tại Cuộc thi Sáng chế TP.HCM lần thứ IV. Mọi ánh mắt như đổ dồn về 2 sáng chế đã xuất sắc giành giải nhất gồm: Bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống (tác giả, chủ sở hữu: Phạm Thị Kim Loan) và Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloit có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung và quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoit có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung (tác giả, chủ sở hữu: Nguyễn Thị Ngọc Trâm).

BS. Loan (trái) bên sản phẩm đoạt giải nhất

Đặc biệt, sau phần trao giải, 2 chủ nhân của giải thưởng cao quý trong lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ đã có buổi trò chuyện cởi mở cùng đại diện lãnh đạo Sở KH & CN và Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố trước toàn thể đại biểu khách mời. Mở đầu chương trình tọa đàm, TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm bày tỏ sự biết ơn chân thành vì những hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của các cơ quan từ Bộ KH & CN, đến Sở KH & CN TP.HCM, các bệnh viện… trong việc hoàn thành sáng chế loại thảo dược chữa ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung. Bà Trâm vui mừng chia sẻ, hiện sản phẩm của bà đã được phân phối rộng rãi trên toàn quốc với doanh thu trên 200 tỷ, bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng thử nằm trên sản phẩm giành giải nhất

Tiếp lời phát biểu của TS.DS Trâm, bác sĩ (BS) Phạm Thị Kim Loan phát biểu ý kiến đi sâu vào những thuận lợi và thách thức, bên cạnh đó là vai trò của BĐQSC. Theo BS. Loan, khi Việt Nam tham gia tổ chức cộng đồng ASEAN, chúng ta đã xác định đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt đến từ các nước thành viên khác, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ. “Muốn đủ sức cạnh tranh, không còn cách nào khác là chúng ta phải đổi mới sáng tạo và chính BĐQSC sẽ là cơ sở tạo nên cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Bởi vậy việc chú trọng phát minh sáng chế và làm chủ sáng chế của mình là vấn đề mà các nhà sáng chế, chủ sở hữu cần hết sức lưu tâm”, bà Loan nói.

2 chủ nhân giành giải nhất tại Cuộc thi Sáng chế TP.HCM lần thứ IV

Chỉ rõ thuận lợi khi nắm trong tay BĐQSC, tác giả của “Bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống”, cho rằng đó là một bước ngoặt giúp nhà sáng chế độc quyền khai thác tối đa sản phẩm của mình trên thị trường, đồng thời thu hút mạnh mẽ đầu tư khoa học để sáng chế của mình có thể hoàn thiện hơn. Ngoài ra, chính BĐQSC cho sản phẩm mới tung ra thị trường sẽ không hề dễ dàng được khách hàng tiếp nhận. Bên cạnh đó, khoản chi phí bảo hộ có khi lên đến cả chục tỉ đồng cũng là một rào cản vô cùng lớn đối với các cá nhân, doanh nghiệp khi tiếp nhận BĐQSC.

Các tác giả và đại diện lãnh đạo Sở KH & CN TP.HCM đã có buổi chia sẻ cởi mở trước đại biểu

Đồng tình trước chia sẻ quý báu của BS. Loan, ông Trịnh Minh Tâm (phó giám đốc Sở KH & CN TP.HCM) cam kết hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện để nhà sáng chế có thể mạnh dạn trình bày ý tưởng cũng như triển khai thực hiện sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Tâm cam kết trong thời gian tới đơn vị sẽ cố gắng phát triển thị trường, tạo đầu mối trung gian giúp đỡ các nhà sáng chế trong việc tiếp cận, đưa sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng.

Ông Trịnh Minh Tâm phát biểu tại buổi lễ

Sản phẩm sáng chế chỉ có giá trị khi đi vào thị trường

Đó là quan điểm chung của TS. Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Sở KH & CN TP.HCM) và BS. Loan (chủ sở hữu của 12 Bằng độc quyền sáng chế). Theo TS. Dũng, BĐQSC là công cụ đơn phương để chiếm lĩnh thị trường. Người nắm giữ sáng chế sẽ có cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh, giúp tạo việc làm mới, tìm kiếm lợi nhuận cao nhất. Qua đó tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của mình. “Các startup nếu có BĐQSC trong tay cũng không cần trực tiếp đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh hoặc chỉ cần phát triển mô hình kiểm nghiệm ban đầu để chứng minh giá trị thương mại của sáng chế liên quan rồi cấp li-xăng hoặc góp vốn bằng BĐQSC, chuyển nhượng toàn bộ mô hình kiểm nghiệm để đạt được dòng thu nhập kì vọng”, ông Dũng nói.

TS. Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Sở KH & CN TP.HCM) phát biểu tại buổi trao giải

Đề cập đến việc đưa sáng chế đi vào cuộc sống, vị lãnh đạo đứng đầu Sở KH & CN cho biết thêm thành phố sẽ cam kết đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Và ở chiều ngược lại, các nhà khoa học, công nghệ, nhà sáng tạo, nhà sáng chế, các doanh nghiệp phải phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi thách thức để tìm kiếm cơ hội, tăng cường tinh thần hợp tác nhằm đi đến tận cùng quá trình hoạt động đổi mới sáng tạo.

Trước ý kiến đúc kết này của vị đại diện đứng đầu Sở KH & CN TP.HCM, tất cả khách mời đều gật đầu đồng tình với quan điểm: Sản phẩm sáng chế chỉ có giá trị khi nó đi vào thị trường.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao chủ trương, cách tổ chức giải thưởng sáng chế của thành phố

Tham dự buổi lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần IV, Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Văn Tùng phát biểu: “Bộ KH & CN đánh giá cao chủ trương và cách thức tổ chức giải thưởng sáng chế của thành phố, từng bước đưa hoạt động sáng chế vào như một khâu trung tâm của phong trào sáng tạo kĩ thuật. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc thành phố chủ trì giải thưởng này đã góp phần theo đuổi và đạt chỉ tiêu tăng số lượng đơn đăng kí sáng chế của giai đoạn 2011-2015 lên gấp 1,5 lần giai đoạn 2006-2010, hướng tới số lượng đơn giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015”.

Tam Liên – Bích Trâm

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhin-nhan-co-hoi-thach-thuc-tu-bang-doc-quyen-sang-che-c7a448062.html