Nhìn lên? Nhìn... xuống?

Tôi đã tận thấy một con đường 'cong... mềm mại' (nhại cách nói của một vị chức sắc ở Thủ đô Hà Nội) đến quyến rũ càng như tôn lên cái dáng vẻ oai phong nhưng thật la đà của một cây cổ thụ ở Thái Lan, vào năm 2005! Tôi chưa thể hiểu được điều 'kỳ quặc' ấy, nếu đem cái nhẽ thông thường ở xứ mình ra mà suy.

Một khu nhà trong khu đô thị mới xã Phước An (Nhơn Trạch) hoàn thành phần thô rồi “treo” cho đến nay - Ảnh: danviet.vn

Tôi cũng tận thấy một con đường sắt còn “mềm mại... cong cong” hơn nhiều lần con đường bộ của xứ Thái Chùa Vàng, như quyết tâm phải... tránh một ngôi làng cổ (nhưng về tuổi có lẽ chửa đáng hạng chút chít làng Đường Lâm xứ Đoài mây trắng cả ngàn năm của ta) ở tít tận xứ sở khai sinh giải Nô-ben lừng lẫy thế giới, lại mới cách nay vừa 17 năm. Kỳ thực, tôi lại càng không hiểu được điều “trên Giời” của dân xứ Bắc Âu xa xôi ấy, nếu theo cái nhẽ của xứ mình, lại nom bằng “con mắt hạt đậu” của riêng tôi!

Thì ra, các xứ dù ở rất gần ta hay rất xa ta, họ đều có chung một kiểu nghĩ nhưng lại rất khác xứ ta. Hay là ta “độc đáo”, ta “bản sắc”? “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”? Hay là “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”? “Duy ngã độc tôn”? V.v.. Có lẽ cái nhẽ của xứ ta hay chăng thường thế và... chỉ có thế?

Chả thế mà bỗng dưng hàng ngàn cây xanh đã bảy, tám chục mùa Xuân đùng đùng ban ngày, lặng lẽ ban đêm bị... đốn hạ! Nắn một cái vỉa hè, lề đường thôi, mà tận một cái huyện vùng bán sơn địa xa lắc lơ kia, cũng triệt hạ cả một hàng cây xanh sừng sững suốt cả bốn, năm chục tiết Đông, cốt cho thẳng thớm chỉ mỗi cái... vỉa hè!

Chả thế mà bỗng dưng bao ngôi đình chùa bị phá, làng cổ bị gặm nhấm bởi mấy cái “dự án treo ngược... chân mây”; mồ mả tổ tông bao gia đình bị di dời mà chả một ai ký lệnh mảy may rơi... nước mắt!

Nhưng, nom sang xứ người, tôi đồ rằng, xứ ta chả phải thứ bỗng dưng! Nếu bỗng dưng, thì họa chăng chỉ có người rỗi hơi hay những kẻ loạn trí, mới bỗng dưng thế! Họ tự tô trát, đánh bóng mình? Họ ra oai với hàng tổng. Họ muốn tâng công với cấp trên? Chỉ là một nhẽ bé! To hơn, là họ hóng để thậm thụt cái “chân giò”? Họ đợi chấm mút cái “nậm rượu”? Họ thỉn thò cái thứ “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”, đục đẽo, chia chác từ các dự án “nửa đực nửa cái”? Họ ngó, họ hóng... kiếm “màu” lúc xã tát ao? Dân ta vốn hiền như hòn đất vẫn râm ran thế! Và, tôi cũng nom và nghĩ thế! Chả có thứ... bỗng dưng nào cả!

Chả thế, thảo nào dân ta chả chịu nổi mấy thứ... bỗng dưng ấy. Đơn kêu cứu chạy khắp nơi. Thư tố cáo tá lả ngược xuôi, đôn đáo ở mọi cấp. Có vụ, việc lê thê tới cả vài mươi năm. Thậm chí cả thôn làng, cả xã chả ai thèm hề hấn mà tiếc cái thân mình, nhất tề nhào ra cản bánh những xe ủi những toan đè nát rau màu... Để làm gì? Rồi thì bà già, con trẻ lăn xả với những người “thực thi công vụ” nai nịt trăm thứ đầy mình, xăm xăm dỡ đình chùa đã trăm năm của làng... Phỏng lợi lộc gì? Đâm ra lắm nơi tình hình cứ rối beng lên như canh hẹ! Đâm ra lắm cấp kỷ luật cán bộ dễ đến cả... xâu, thậm chí nhắm mắt mà khua cũng không oan những sự “chả bỗng dưng”!

Tôi đem những sự đường bộ tránh cây, đường sắt tránh làng ở xứ Chùa Vàng, ở xứ Nô-ben (tất cả họ làm mà cứ “nhẹ tựa lông hồng”) hầu chuyện một cụ già ngót cả chín chục tuổi Giời ở làng! Cụ hỏi lại tôi: Chắc chính phủ họ hỏi ý dân? Tôi thưa, vâng!

Cụ im lặng rất lâu, và thủng thẳng kể: Vào độ dững năm năm mươi, năm mốt, đây vẫn là làng tề. Pháp càn vào làng, đốt cháy vài chục nóc nhà. Trong cái hỏa hoạn, súng nổ tứ bề, thì một cán bộ Việt Minh bị thương ở chân gặp cụ. Anh ấy quỳ xuống, xin cụ giấu! Cụ bảo: Chú đứng dậy, và xốc nách anh ấy, giấu sau bờ đìa, thì giặc Pháp ập tới! Thoát chết! Sau này, anh ấy làm tới tận Chủ tịch tỉnh. To lắm. Nhưng, vẫn thường về thăm và vẫn giữ lễ quỳ xuống nhìn lên cụ, y hệt cái đận ấy. Cụ bảo: Nay, thì cán bộ xã này có tí chức tí quyền dân bầu cho, mà chỉ biết “vác mặt” lên, đứng trên bục cao, trên đủ thứ... cứ nhầm tưởng là “mục hạ vô nhân”(!). Rồi, nhìn xuống... mà phán bảo, mà ra lệnh(!). Chả thèm đoái hoài bụng dân nghĩ gì. Hay vì ngại “dân thì vốn gian”, lại không “sáng suốt”? Đâm ra cái làng này mới sinh “loạn” to, từ cái độ giải tỏa mặt bằng cho mấy ông doanh nghiệp, dễ cả năm giời, tới tận hôm rồi, chửa dứt! Không có ai nghe phán, thì mấy ông xã làm “quan” với ai? Chả nhẽ với... các em “quan” bé: tỉ như trưởng thôn, trưởng xóm? Hay vì chưa thấy “quan... tài”, quyết chưa... rỏ lệ?

Tôi thưa với cụ: Nhìn lên thì lễ nghĩa, đáng phục; nhìn xuống thì vô sỉ, đáng khinh! Cụ thì bảo, cụ chả thiết kiểu nhìn lên, muốn quẳng đi lối nhìn xuống!

Cụ duy chỉ cần mỗi điều to bằng... hạt gạo. Rằng, cán bộ xã này, huyện này cố mà nhìn... ngang, nom thẳng vào cái bụng dân, rồi biết nghĩ bụng, mà biết điều biết nẻo, bụng ta bụng người...

Được thế, thì mọi sự dù rối rắm, thậm chí là vỡ đê, “cháy nhà chết người”, giặc giã hung hãn, đạo chích quấy nhiễu đến mấy như xưa kia, dân làng chỉ khua tay nhẹ, đã tan. Làng này xưa vốn thế, nay vẫn thế!

Tỷ như tháng trước, cái ông chủ tịch xã bị bọn côn đồ lùa khắp xóm, vì tội cầm tiền rồi quỵt việc bao che cho chúng làm càn làm rỡ. Tưởng chết. Dân làng thương tình, lại vì thể diện xã, mới chỉ dùng đến mấy ngón tay thôi, lũ côn đồ nhung nhúc kia, bỗng như bèo... gặp bão. Việc “nhất sinh vạn tử” ấy, dân làng nhón tay làm phúc, lại hóa bé tẻo teo. Giỏi lắm, may ra cũng chỉ nhỉnh hơn nửa cái... móng tay này. Và, cụ giơ choạc ngón tay cái, móng đã mòn vẹt, vì công việc cấy cày đồng áng.

Cụ bảo: Khó không làm nổi, thì chịu khó mà... hỏi dân. Hay nghĩ vì mình sáng suốt, không cần hỏi? Hay nghĩ vì sợ mình “hạ cố”(!), mà mất mặt với dân? Khi dân còn vì “máu chảy ruột mềm”, mà thiết tha mở miệng, là còn thương đấy. Để dân ngoảnh đi, coi như người dưng nước lã, chả ai buồn nhếch mép, chả ai thèm động thủ, kệ thây, thì đến cái ngày, chỉ còn mỗi một nước, là... hết!

Chuyện cũ rích rác, đã đôi mươi năm trước. Giờ, vắn tắt xin biên lại vài nhời. Ngõ hầu may ra động nhĩ, cốt để mong sao lắm người chỉ những quen... nhìn xuống, thử nghĩ và thử tự hỏi mình!.

Theo Nhị Bảo Lê/Tạp chí Cộng sản

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/nhin-len-nhin-xuong-9492.html