Nhìn lại trận lụt lịch sử tại TP.HCM: Vì sao càng chống lại càng ngập!

Sau những trận mưa lịch sử hồi đầu tuần, đường phố ở TP.HCM ngập lụt nặng. Thực tế này cho thấy những bất cập trong việc quản lý các công trình thoát nước của TP.

Trận mưa lịch sử chiều tối 26/9, trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua, gần như đã làm tê liệt hệ thống giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các tuyến đường của thành phố đều bị ngập nặng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kể từ khi đưa vào khai thác từ năm 2011, đường hầm Thủ Thiên bị ngập. Trung tâm thành phố ngập, ngoại thành cũng ngập, sân bay cũng ngập khiến 12 chuyến bay không thể hạ cánh. Vậy nguyên nhân do đâu?

Thời báo kinh tế Việt Nam dẫn lời Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, sau trận mưa cho thấy những bất cập trong việc quản lý các công trình thoát nước của thành phố. Việc chống ngập phải rút kinh nghiệm, đó là sự đồng bộ trong các giải pháp.

Chính ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định quyết tâm chống ngập là "Chính quyền thành phố đang tìm những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để từng bước giải quyết vấn đề này. Thành phố đang rất nỗ lực, nhưng thực tế có những việc không thể giải quyết nhanh được".

Nói về việc ngập lụt ở TP.HCM , tờ Sài Gòn Giải phóng có bài viết với dòng tít gây tò mò: "Bắc thang lên hỏi ông trời". Bài viết có đoạn "Những tấm ảnh ghi lại nét mặt hoảng hốt, mệt mỏi của người dân trong cơn ngập… Sau con người là tài sản, những chiếc xe bị ngâm nước phải sửa chữa mới mới đi được, những chiếc tủ, bàn mục vì ngâm nước; quạt máy, tivi thấm nước không thể lên hình…Bắt đền ai bây giờ khi đây là thiên tai? Rốt cuộc, người dân sẽ phải gánh chịu tất cả bởi không thể bắc thang lên hỏi ông trời.

Ngập lụt đã chẳng xa lạ gì với người dân TP.HCM trong nhiều năm qua. Công bằng mà nói, với các hoạt động như đi đến từng điểm ngập, xem xét kỹ lý do gây ngập và có chỉ đạo kịp thời, lãnh đạo thành phố cho thấy sự trăn trở với vấn đề này. Thế nhưng càng chống càng ngập, phải chăng, công tác chống ngập chưa tìm ra cốt lõi của vấn đề?

Các báo trong tuần dẫn lời một số chuyên gia phân tích, TP.HCM hiện đang phát triển đô thị như vết dầu loang. Ruộng vườn, kênh rạch dần mất đi do bê tông hóa, các cao ốc mới đã xóa đi hầu hết diện tích đất ngập nước tự nhiên, lấp hướng thoát nước tự nhiên cho cả thành phố trong khi biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ. Nhìn lại công tác quản lý, lãnh đạo thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận, có sự yếu kém trong quản lý khi để người dân lấn chiếm các công trình thoát nước.Có lẽ đó chính là nguyên nhân của việc càng chống càng ngập.

Báo Tiền phong dẫn lời chuyên gia giao thông - đô thị, Tiến sĩ Phạm Sanh cho biết, việc nâng đường chống ngập là không khả thi do cống cao hơn nhà dân. Thêm vào đó, TP.HCM đang bị lún do phát triển đô thị mà các đơn vị thi công khi thi công không tính toán, nên hệ thống cống không tự chảy được mà còn giữ nước và chảy ngược vào đô thị.

Khi nhìn lại trận ngập lụt vừa qua, ai cũng thấy, tổn thất cho xã hội là quá lớn. Báo Lao động đã đưa ra một vài con số cùng với một kết luận có thể nói là khá chua chát.

Chương trình giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM là hơn 97.000 tỷ đồng. Để đối phó với nước biển dâng, biến đổi khí hậu phải tốn rất nhiều tiền, các nước khác cũng phải chịu như vậy. Tuy nhiên sự khác nhau là có hiệu quả hay không có hiệu quả. Không hiệu quả thì mất hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư, cộng thêm mỗi năm mất hàng nghìn tỷ đồng tiền thiệt hại, sẽ cạn kiệt sức dân, sức nước.

Chính quyền đang vào cuộc, các khoản đầu tư đang được rót vào những dự án tham vọng nhằm đẩy lùi tình trạng ngập lụt tại thành phố từng được biết tới là Hòn ngọc viễn Đông. Với một cái nhìn tích cực, hy vọng những lời than thở đầy hài hước đại loại như "sống ở TP.HCM mà như ở miền Tây mùa nước nổi", sẽ không còn được thốt ra từ những người dân dầm mình trong làn nước đục trên đường phố.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/trong-nuoc/nhin-lai-tran-lut-lich-su-tai-tphcm-vi-sao-cang-chong-lai-cang-ngap-20161002104251321.htm