Nhìn lại thất bại để đổi mới

Quốc hội sẽ thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 trong kỳ họp khai mạc vào ngày 20-10 này. Nhưng, nếu không phân tích rõ những thất bại của bản kế hoạch hiện tại thì khó mà hoạch định tương lai thành công.

Trong một số ngành, vốn đầu tư nhà nước còn chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng đầu tư. Đáng kể nhất là tổ chức chính trị xã hội (100%), cấp nước và xử lý nước thải (87%), giáo dục và đào tạo (79%), sản xuất phân phối điện, khí đốt (74%). Trong ảnh: Một nhà máy cấp nước ở Đà Nẵng. Ảnh: viwase.vn

Khi chương trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được phát động vài năm trước, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự tin tưởng về việc cải thiện những điểm nghẽn quá lâu trong nền kinh tế. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhớ lại không khí thảo luận lúc đó trong xã hội. Ông nói: “Cách tiếp cận lúc đó với đề án tái cơ cấu gợi nhớ lại tinh thần của thời kỳ đổi mới năm 1986. Tất cả đều hô khẩu hiệu nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và thể hiện quyết tâm hành động. Nhiều người tin rằng tái cơ cấu sẽ ngoạn mục như đổi mới trước đây”.

Song, “thực tế khác xa như vậy”, ông Thiên nói. Cả ba trụ cột tái cơ cấu gồm doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng và đầu tư công đều diễn ra chậm chạp và trì trệ. Ông Thiên đặt một câu hỏi cốt tử: “Phải chăng nỗ lực tái cơ cấu là để giữ lại mô hình cũ trên thực tế thay vì hướng triệt để tới mô hình tăng trưởng mới”.

Trả lời câu hỏi này không đơn giản, nhưng đánh giá sơ bộ thì những gì làm được trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua khó mà ngợi ca. Bản dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội tới đây thừa nhận thực tế này ở cả ba trụ cột.

Ba trụ cột đều có vấn đề

Tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa, tiến triển chậm và thiếu thực chất, bản báo cáo do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội nhận định như vậy. Giá trị vốn nhà nước thu về từ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Những gì làm được trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua khó mà ngợi ca. Bản dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội tới đây thừa nhận thực tế này ở cả ba trụ cột là tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu thị trường tài chính.

Giai đoạn 2012-2015, cả nước thoái được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng, chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN. Tổng tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước giữ trên 50% cổ phần vẫn ở mức rất cao, đạt khoảng 7,9 triệu tỉ đồng vào năm 2015 (tương đương 365 tỉ đô la Mỹ, bằng 188% GDP, và bằng 33,4% tổng tài sản toàn bộ khu vực doanh nghiệp), tăng mạnh so với mức khoảng 4,8 triệu tỉ đồng vào năm 2011 (tương đương 32,7 % tổng tài sản của toàn bộ doanh nghiệp thời điểm đó).

Phần lớn DNNN có kết quả kinh doanh thấp. Từ năm 2000 đến nay, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, so với 10% ở khu vực FDI.

Tái cơ cấu đầu tư, báo cáo cho biết thêm, vẫn còn một số hạn chế như cơ cấu đầu tư chậm thay đổi, tình trạng lãng phí, thất thoát còn phức tạp, hiệu quả đầu tư chậm cải thiện và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn hạn chế so với thông lệ quốc tế.

Về cơ cấu đầu tư, vốn đầu tư nhà nước tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư xã hội (khoảng 38-40%) và chưa có xu hướng giảm sút. Trong một số ngành, vốn đầu tư nhà nước còn chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng đầu tư. Đáng kể nhất là tổ chức chính trị xã hội (100%), cấp nước và xử lý nước thải (87%), giáo dục và đào tạo (79%), sản xuất phân phối điện, khí đốt (74%) vui chơi giải trí (72%), y tế (67%), thông tin truyền thông (64%), theo số liệu năm 2015.

Tình trạng thất thoát, lãng phí, chi chưa đúng chính sách, chất lượng công trình thấp vẫn chưa được giải quyết. Vẫn có tới 986 dự án ở địa phương không được bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành đúng tiến độ. Đến cuối năm 2015, tổng số vốn đầu tư ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi còn khoảng 79.000 tỉ đồng, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản còn phải xử lý là 51.000 tỉ đồng, dẫn đến áp lực đối với điều hành ngân sách nhà nước.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, còn nhiều tồn tại, đăc biệt là vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng nhiều rủi ro, chưa xử lý dứt điểm một số ngân hàng thương mại yếu kém đã có dấu hiệu phá sản. Nợ xấu ngân hàng vẫn còn cao làm lãi suất cho vay vẫn cao và tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng gặp khó trong việc huy động vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. Lãi suất cho vay trong thời gian từ năm 2012 đến nay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với lạm phát và mức lãi suất của nhóm nước Asean 4.

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không đề cập cụ thể đến các con số nợ xấu. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nợ xấu đến tháng 9-2016 chiếm khoảng 2,62% tổng dư nợ. Con số này cộng với khoảng 4,8% nợ xấu chuyển sang VAMC thì tổng số nợ xấu sẽ lớn hơn nhiều. Báo cáo trích dẫn số liệu của IMF, theo đó nợ xấu ở mức 12,5% tính đến tháng 7-2016.

Phải đổi mới tư duy

Theo đánh giá chung tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII kết thúc tuần trước, khó khăn đến nay là “gay gắt”, thể hiện ở chỗ thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, chậm được xử lý căn bản và triệt để; giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm, gặp nhiều trở ngại. Tất cả những lĩnh vực trên đều liên quan đến ba trụ cột của chương trình tái cơ cấu.

Giải thích lý do, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Trong thời gian dài, Nhà nước đã đặt trọng tâm là luôn huy động nguồn lực chứ không phải là phân bổ nguồn lực hiệu quả”. Ông Cung khẳng định, cách tiếp cận này không thể tiếp tục do nguồn lực huy động đã tới giới hạn. “Vấn đề của chúng ta hiện nay và trong nhiều năm nữa là phải sử dụng nguồn lực hiệu quả”, ông cảnh báo.

Bản kế hoạch tái cơ cấu kinh tế năm năm tới đề ra 70 nhiệm vụ gắn với thời gian cụ thể của các cơ quan nhà nước. Trong đó, một số nhiệm vụ phải được ưu tiên thực hiện nay như “kiên quyết” xử lý nợ xấu, “kiên quyết” cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế đầu tư công, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn nhiều điều băn khoăn. Chẳng hạn, kế hoạch có nên đặt ra mục tiêu định lượng cho việc đẩy nhanh thoái vốn nhà nước theo các mốc thời gian trong giai đoạn 2016-2020. Hay có nên đặt ra mục tiêu định lượng về điều hành mức lãi suất cho vay trung bình không quá cao so với chỉ số lạm phát (đề án đề nghị cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý từ 2-3% so với mức lạm phát - nhưng đang bị Ngân hàng Nhà nước phản đối gay gắt).
Tương lai của nền kinh tế sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá và quyết định trong kỳ họp lần này, hãy chờ xem.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152816/nhin-lai-that-bai-de-doi-moi.html/