Nhìn lại đội Olympic VN qua Eximbank Cup: Dĩ độc trị độc

Trong bốn đội dự Eximbank Cup, Olympic Việt Nam là đội “nhẹ cân” nhất, thế mà trận nào họ cũng chơi miếng đôi công và thường xuyên sử dụng bóng dài.

Không như những giải trước khi gặp các đối thủ cao to, Olympic Việt Nam thường phải chọn lối chơi nhỏ, chậm… gây ức chế đối phương trước rồi chờ sơ hở ghi bàn. Tại Eximbank Cup, dù thể hình nhỏ nhất nhưng Olympic Việt Nam lại chơi lối chơi của những đội bóng có thể hình và thể lực tốt. Đó là thể lực được cải thiện đáng kể và sự tự tin trước những đối thủ vượt trội về thể hình. Những thành tựu ban đầu trong cuộc cách mạng về lối chơi của thuyền trưởng Calisto đã có những dấu hiệu tích cực. Đó là việc “ông cố vấn” quyết định nâng cấp thể lực cho cầu thủ. Trong thời gian tập trung tại Thành Long có nhiều cầu thủ chấn thương nhẹ, cảm nhẹ, lật sơ mi nhẹ nhưng vẫn phải cắn răng tập nặng, không dám hó hé vì sự nghiêm khắc của “ông cố vấn”. Và điều đó đã có hiệu quả tức thời. Nghịch với phần trội là những mặt tồn tại cần mổ xẻ để khắc phục sau chiếc cúp vô địch thay cho tư tưởng các đối thủ không bằng ta. Ba trận hai thẻ đỏ và hàng loạt tình huống được trọng tài lơ đi vì ưu ái chủ nhà cũng là dữ kiện để ban huấn luyện khắc phục cho cầu thủ nhà. Ảnh: NGUYỄN VIỆT Trong trận thắng Olympic Iran, Anh Đức từ người hùng trở thành tội đồ chỉ trong chốc lát. May mà trong thế 10 đánh 11, các đồng đội của Đức đã kịp sửa sai cho đồng đội với bàn thắng của Đình Tùng. Xem lại tình huống Đức nhận thẻ đỏ, thấy cầu thủ này quá dễ để mắc bẫy đối phương khi trả đũa không cần thiết lúc ưu thế đang thuộc về chủ nhà. HLV Rajagopal nhận xét: “Các trọng tài chính làm nhiệm vụ tại giải này đến từ Thái Lan, Malaysia và cả trọng tài Việt Nam. Công bằng mà nói thì khi một trong ba đội Đông Nam Á này đá với Olympic Iran thì đội bóng Trung Đông thường bị ép rất dữ. Khi Olympic Malaysia gặp Olympic Việt Nam thì trọng tài Thái Lan tạo thuận lợi cho chủ nhà, còn lúc Olympic Việt Nam gặp Olympic Singapore thì trọng tài Thái Lan ép Olympic Singapore…”. Đấy không chỉ là “bệnh” của Đức mà còn của nhiều cầu thủ. Trong trận gặp Olympic Singapore, nhạc trưởng Văn Hiếu cũng đã chơi bóng thô bạo với một cầu thủ Singapore để dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp ở phút 80. Trước đó, trong trận thắng Olympic Malaysia, không ít cầu thủ Olympic Việt Nam thi đấu rất rát và phạm lỗi không cần thiết nhưng may là trọng tài châm chước, không nặng tay với chủ nhà nên thoát thẻ đỏ. Ngoài ra còn những lỗi lầm ở phòng ngự cũng rất đáng để rút kinh nghiệm. Minh Đức, Long Giang và cả thủ môn Tấn Trường thường mắc những sai lầm tối kỵ trong nguyên tắc phòng ngự. Cũng mừng là trong trận cuối với Olympic Iran các cầu thủ này đã khắc phục kịp từ những bài học đắt giá. Sau chiếc cúp Eximbank, rõ ràng các cầu thủ Olympic Việt Nam còn nhiều việc phải làm trước thềm Asiad và cần phải xóa đi những lỗi lầm mà khi đấu giải mời với các đối thủ chủ nhà thường được trọng tài xí xóa. Nếu để thành thói quen thì sẽ rất nguy hiểm khi phải chơi trên sân trung lập ở một giải đấu chính thức có độ nghiêm khắc và công minh cao hơn. TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20101003111729159p1020c1090/nhin-lai-doi-olympic-vn-qua-eximbank-cup-di-doc-tri-doc.htm