Nhiều ý kiến về phương án đơn vị được chế tạo, kinh doanh vũ khí

Quy định tại điều 15 về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, sáng nay (22/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong quá trình thảo luận, vẫn còn có ý kiến khác nhau về các quy định liên quan đến việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa và xuất, nhập khẩu vũ khí.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được bổ sung, chỉnh lý của dự án Luật này sau khi đã tiếp thu ý kiến tại phiên họp trước. Riêng quy định tại điều 15 về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí vẫn còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình cả 2 phương án.

Theo đó, phương án 1 quy định “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí”. Phương án 2 quy định: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, theo phương án 2 cũng tốt vì một nước mà hai Bộ cùng được sản xuất, xuất nhập khẩu vũ khí thì quản lý cũng khó. Nhưng phương án 1 cũng có cái tốt vì Công an cũng đã có công nghiệp về an ninh thì cũng có quyền sản xuất. Do đó cần tính phương án phù hợp với điều kiện trong nước vì hai lực lượng này đều là những đơn vị có đủ tư cách pháp nhân để nghiên cứu, sửa chữa, sản xuất, xuất nhập khẩu vũ khí.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.

Trong đó, đã thống nhất lựa chọn các chuyên đề giám sát trong năm tới là: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn giao thông; về phòng chống, xâm hại, bạo lực, buôn bán trẻ em và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 chuyên đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề để tiến hành giám sát tối cao./.

Minh Châm/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/nhieu-y-kien-ve-phuong-an-don-vi-duoc-che-tao-kinh-doanh-vu-khi-616464.vov