Nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến nghi vấn lăng vợ vua Tự Đức bị san lấp

Liên quan đến vụ việc người dân phản ánh lăng mộ nghi của vợ vua Tự Đức bị san lấp trong quá trình triển khai dự án bãi đậu xe, nhiều ý kiến khác nhau được các bên liên quan và một số nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra khi tiến hành xác minh thông tin này.

Tìm thấy dấu tích mộ cổ ở hiện trường

Trước đó, Báo điện tử Tổ Quốc có bài viết ghi nhận phản ánh của người dân địa phương và đại diện dòng họ Nguyễn Phước tộc về nghi vấn liên quan đến việc lăng mộ của bà Mỹ Phi (vợ của Vua Tự Đức) đã bị đơn vị thi công san ủi trong quá trình thi công để thực hiện dự án bãi đậu xe.

Được biết, dự án trên được thực hiện theo QĐ số 745/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tại khu vực phường Thủy Xuân (TP Huế). Sau khi nhận được phản ánh, trong hai ngày 22 và 23/6, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết đơn vị thi công đã phối hợp với Ban trị sự Nguyễn Phước tộc tiến hành khai quật khu vực bị san ủi để kiểm tra, xác minh thông tin.

Hiện trường công trình dự án nơi nghi có lăng mộ vợ vua Tự Đức.

Ông Tôn Thất Giáp – người được Ban trị sự Nguyễn Phước tộc giao tham gia việc đào xới cho hay, qua hơn một ngày tìm kiếm các bên liên quan đã phát hiện khu vực nêu trên có dấu tích của móng thành dày khoảng 40cm, xây bằng gạch lớn, vôi vữa và một số viên đá xanh.

Theo ông Giáp, những vật liệu này chứng tỏ nơi đây có lăng mộ lớn, chỉ có người quyền quý mới xây dựng được. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết là lăng mộ của ai. Xưa kia các vua triều Nguyễn có rất nhiều vợ và được chia thành 9 cấp bậc khác nhau nên nhiều người cấp bậc thấp không được ghi vào gia phả dòng họ.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát lăng mộ tổ tiên, dòng tộc chỉ chú ý đến mộ nam giới và những bà có danh tiếng như Từ Cung, Tiên Cung,.. nên có thể nhiều lăng mộ của các bà vợ vua ngày xưa bị bỏ sót hoặc không biết vị trí”, ông Giáp thông tin.

Đơn vị thi công và các bên liên quan tiến hành khai quật kiểm tra tại hiện trường.

Chưa thể khẳng định có lăng mộ bà Mỹ Phi

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, các cơ quan chức năng liên quan và một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, có sự “mâu thuẫn” khi cho rằng trong khu vực dự án, có phần lăng mộ của vợ vua Tự Đức.

Theo TS. Phan Thanh Hải – GĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều đã được lập hồ sơ quản lí, có bản đồ hiện trạng, trong đó có hệ thống lăng mộ các vua triều Nguyễn và hoàng hậu, cung phi.

“Vì thế, nói lăng mộ của vợ vua Tự Đức bị san lấp để thực hiện dự án bãi đỗ xe là có nhiều mâu thuẫn”, ông Hải nói.

Lý giải về ý kiến của mình, ông Hải cho hay vua Tự Đức (1829 - 1883) lúc sinh thời có nhiều vợ. Danh phận các vợ của vua được gọi tên từ Hoàng quý phi, Thiện phi, Cung tần, Học phi và Cung phi…Sau khi vợ của vua mất đi, việc xây dựng lăng mộ ra sao đều được quy định rõ trong sách “Hội điển sự lệ” (Sách ghi chép những điển pháp của Việt Nam dưới triều Nguyễn).

Theo bản đồ quản lí các di tích, khu vực lăng mộ bà Học Phi – vợ vua Tự Đức cùng hệ thống lăng 15 liếp không nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Ảnh: TTBTDT Cố đô Huế.

Theo đó, trong sách có ghi rõ ở Viên tẩm (Khuôn viên của lăng tẩm – PV) của các phi, trong thì tường gạch cao 4 thước 1 tấc, dài 2 trượng 7 thước, rộng ngang 2 trượng 7 tấc; tường gạch ngoài cao 4 thước 5 tấc, dài 5 trượng 4 thước, rộng ngang 4 trượng 5 thước, phía trước của chính giữa, cánh cửa dùng gỗ sơn đỏ. Phía trong của đằng trước bình phong, dựng một bia đá, khắc các chữ: “Viên tẩm của phi nào, họ gì…?”.

Trước xây thêm sân bái đình cao 3 tấc, tường 2 bên tả - hữu chung quanh cao 1 thước 8 tấc, chu vi giới cấm đều 12 trượng, chỗ giáp giới xây đắp trụ gạch để làm giới hạn. Tương tự, Viên tẩm cung tần và phần mộ của tiệp dư cũng được quy định cụ thể về kích thước xây dựng.

“Như vậy, mỗi lăng mộ của vợ vua sẽ có chiều dài 25m, chiều rộng 16,8m với tổng diện tích trên 400m2. Thế nhưng, qua kiểm tra hiện trường và từ nguồn tin phản ánh của người dân, khu vực thực hiện dự án chỉ có một phần lăng mộ với diện tích khoảng 45 – 50m2, điều này mâu thuẫn với quy định nghiêm ngặt trong xây dựng lăng mộ vợ vua triều Nguyễn”, TS Phan Thanh Hải lý giải.

Liên quan đến sự việc này, ông Trần Đại Vinh, nhà nghiên cứu văn hóa Huế cũng cho biết, trong các tài liệu của triều Nguyễn để lại, không có bà nào tên là Mỹ Phi là vợ vua Tự Đức.

“Cũng giống như các vị vua triều Nguyễn khác, dưới thời Tự Đức, vợ vua được phân cấp theo hệ thống Cửu giai phi. Trong đó, Nhất giai phi là thứ bậc cao nhất, nhỏ nhất là Cửu giai phi.

Vua Tự Đức không đặt Hoàng hậu, mà chỉ cao nhất là Hoàng quý phi. Ngoài Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (húy là Vũ Thị Duyên), vua Tự Đức còn có nhiều bà vợ khác dưới danh phận Hoàng phi. Trong số đó, không có bà nào tên Mỹ Phi”, ông Vinh cho biết.

Thế Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/nhieu-y-kien-khac-nhau-lien-quan-den-nghi-van-lang-vo-vua-tu-duc-bi-san-lap-244010.html